Xếp loại học sinh tiểu học: Không phê bình cá nhân học sinh trước lớp

02/10/2005 22:18 GMT+7

- Thêm hình thức đánh giá học lực theo nhận xét định tính - Học sinh có quyền được giải thích về kết quả xếp loại của mình Ngày 30.9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Đặng Huỳnh Mai đã ký Quyết định số 30/2005/QĐ về việc ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, thay thế Quy định tạm thời về đánh giá, xếp loại học sinh lớp 1, 2, 3. Với quy định này, đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra những thang chuẩn để đánh giá chất lượng học sinh tiểu học trong cả nước.

Quy định về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học gồm 5 chương, 16 điều, gồm đánh giá và xếp loại hạnh kiểm; đánh giá và xếp loại học lực; sử dụng kết quả đánh giá và xếp loại; trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh trong việc đánh giá và xếp loại học sinh. Một trong ba mục đích chính của quy định này là góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự tin cho học sinh tiểu học. Có thể hiểu quy định về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học là sự cụ thể hóa quá trình đánh giá và xếp loại học sinh theo hướng công khai, khách quan, kết hợp hai loại đánh giá định tính và định lượng trong việc đánh giá và xếp loại học sinh. Việc đánh giá học sinh sẽ được tiến hành thường xuyên ở tất cả các tiết học, dưới các hình thức kiểm tra thường xuyên.

Đặc biệt, học sinh có thể tự đánh giá chính hạnh kiểm và năng lực học tập của mình. Cách đánh giá hạnh kiểm của học sinh theo loại đánh giá định tính, tức là bằng nhận xét của giáo viên. Học lực của học sinh được đánh giá định lượng bằng điểm số đối với các môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học và các nội dung tự chọn, được cho điểm từ 1 đến 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân ở các lần kiểm tra.

Các môn Đạo đức, Thể dục, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật ở lớp 1, 2, 3, hoặc các môn Đạo đức, Thể dục, m nhạc, Mỹ thuật, Kỹ thuật ở lớp 4, 5 được đánh giá bằng nhận xét. Đây là cách đánh giá "mở" không tạo áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Các môn học đánh giá bằng nhận xét sẽ được đánh giá theo 2 mức: loại Hoàn thành (A): Học sinh phải đạt yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của môn học, đạt được từ 50% số nhận xét trở lên trong từng học kỳ hay cả năm học. Những học sinh đạt loại Hoàn thành nhưng có biểu hiện rõ về năng lực học tập môn học, đạt 100% số nhận xét trong từng học kỳ hay cả năm học sẽ được đánh giá Hoàn thành tốt (A+). Loại Chưa hoàn thành (B) là những học sinh chưa đạt yêu cầu theo quy định, đạt dưới 50% số nhận xét trong từng học kỳ hoặc cả năm học.

Trường hợp học sinh có kết quả kiểm tra định kỳ (KTĐK) bất thường so với kết quả học tập hằng ngày, hoặc không đủ số điểm KTĐK được làm bài kiểm tra lại để có căn cứ đánh giá học lực môn và xét khen thưởng. Việc sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại học sinh để xét lên lớp cũng kết hợp cả hai loại đánh giá định tính và định lượng: những học sinh có điểm KTĐK cuối kỳ 2 (CK2) của tất cả các môn học đạt điểm số từ 5 trở lên, và học lực môn năm (HLM.N) các môn (phân môn) đánh giá bằng nhận xét đạt loại Hoàn thành (A) trở lên được lên lớp thẳng. Nếu điểm KTĐK CK2 dưới 5 theo đánh giá bằng điểm số phải kiểm tra lại. Nếu các môn kiểm tra lại đạt 5 trở lên, không có môn dưới 4 thì được lên lớp. Học sinh có quyền được ôn tập và kiểm tra lại nhiều lần 3 lần/1 môn học được đánh giá bằng điểm số vào thời điểm cuối năm học hoặc sau hè. Những học sinh xếp loại học lực môn kỳ 1 (HLM.K1) Chưa hoàn thành (B) theo đánh giá bằng nhận xét, phải được giáo viên giúp đỡ ngay trong học kỳ 2 để đạt HLM.K2 và HLM.N loại Hoàn thành. Điểm HLM.N của các môn Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học, và các nội dung tự chọn khác được dùng để khen thưởng học sinh, không xét lên lớp.

Quy định trên cũng phân định trách nhiệm cụ thể của hiệu trưởng, giáo viên và học sinh. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các ý kiến của học sinh, khiếu nại của phụ huynh theo phạm vi và quyền hạn của mình. Thời gian trả lời khiếu nại chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại. Giáo viên phụ trách lớp là người chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá và xếp loại học sinh. Một trong những nét mới đáng ghi nhận của quy định này là bên cạnh trách nhiệm, học sinh còn có quyền nêu ý kiến để nhận được sự giải thích, hướng dẫn của giáo viên, hiệu trưởng nhà trường khi thấy mình chưa được đánh giá, nhận xét, xếp loại chính xác, công bằng.

Kiểm tra thường xuyên

Tiếng Việt: tối thiểu 4 lần/tháng
Toán: tối thiểu 2 lần/tháng
Khoa học, các môn học và nội dung tự chọn: tối thiểu 1 lần/tháng
Lịch sử và Địa lý: mỗi phân môn tối thiểu 1 lần/tháng.

Kiểm tra định kỳ
Môn Tiếng Việt và môn Toán: 4 lần/năm học
Khoa học, Lịch sử và Địa lý, các môn học và nội dung tự chọn khác: 2 lần/năm học. Các môn (phân môn) còn lại được đánh giá bằng nhận xét (được hướng dẫn cụ thể tại Sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học).

Khoản 2 Điều 15 của quy định yêu cầu: "Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điều chưa tốt của từng học sinh". Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai cho rằng, yêu cầu này là hết sức cần thiết trong các trường tiểu học, buộc giáo viên phải có một cách nhìn khác về phương pháp giáo dục học sinh. Trẻ mới bước chân vào phổ thông đầu cấp như một tờ giấy trắng, nếu giáo viên và cha mẹ phụ huynh nói những điều chưa tốt của các cháu trước mặt các cháu sẽ làm tổn thương trẻ và điều đó ảnh hưởng cả cuộc đời các cháu về sau này. Ngược lại, phải tìm ra những mặt mạnh, động viên và khuyến khích trẻ kịp thời...

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.