Trở lại những chuyện "động trời" ở Tây Ninh: Khi quan chức thành chủ đồn điền

30/09/2005 23:06 GMT+7

Loạt bài 5 kỳ Chuyện “động trời” ở Tây Ninh - Hàng trăm ha đất công bị các quan chức cấp tỉnh phù phép thành của riêng đăng trên Thanh Niên vừa qua đã tạo được sự quan tâm rất lớn của đông đảo bạn đọc. Rất nhiều bạn đọc đã đề nghị Thanh Niên tiếp tục làm rõ những vụ việc tương tự đang gây bức xúc lớn đối với người dân Tây Ninh.

Trở lại những cánh rừng cao su khu vực Tân Hội, Tân Hà, Suối Ngô, Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh), đi đến đâu chúng tôi cũng thấy đất của cán bộ. Có cán bộ sở hữu đến hàng trăm ha cao su hoặc trang trại mía, mì. Một cán bộ của tỉnh cho biết: "Ở tỉnh này, cán bộ lớn làm rẫy lớn, cán bộ nhỏ làm rẫy nhỏ". Hai bên con đường chạy dọc biên giới thuộc xã Tân Hà mênh mông màu xanh: đó là những cánh "rừng kinh tế" phần lớn là của các quan chức. Người dân địa phương kể vanh vách: căn nhà to cùng với hàng chục ha cao su xung quanh kia là của ông Hai Ninh (Đặng Văn Ninh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh); khu vực trồng đậu xen cao su dài ngút tầm mắt kia là của ông Hai Kiếm (Trần Hoàn Kiếm, nguyên Trưởng ban Đời sống Nhà máy Đường Nước Trong, nay là Công ty Mía đường Tây Ninh); còn ông Út Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ, nguyên Giám đốc Nhà máy Đường Nước Trong) "khiêm tốn" với căn nhà và chiếc xe ủi đất được bao bọc bởi hàng chục ha cao su mới trồng. Rẫy cao su ngút ngàn tầm mắt tọa lạc tại ngã ba Cây Cầy thì thuộc về ông Năm Bé (Huỳnh Văn Khanh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng). Riêng căn biệt thự to nhất có hàng rào bao quanh là của ông Bảy Tòng (Nguyễn Bá Tòng, nguyên Trưởng ban Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh). Theo điều tra của chúng tôi, ông Bảy còn có một cơ ngơi khổng lồ ở thị xã Tây Ninh với một căn biệt thự lớn trên đường Nguyễn Chí Thanh (P.3) và hơn hai lô đất "được chia" mặt tiền đường 30 Tháng 4 đẹp nhất thị xã. Tuy nhiên, nhân vật nổi tiếng nhất khu vực này là ông Hai Kiếm, người cán bộ luôn đi thăm rẫy với chiếc Jolie biển số 70H-3313 màu bordeaux cáu cạnh. Cả một khu vực rộng lớn hàng ngàn ha, đến đâu người dân cũng bảo đất của Hai Kiếm, đến nỗi một người dân thuộc hàng "thổ địa" ở đây cũng không thể biết hết.


Người dân Tân Hội kể nỗi bức xúc với PV Thanh Niên

Biệt thự của ông Bảy Tòng

Ngược về phía bên phải cầu Đại Thắng - cây cầu lịch sử cách thị trấn Kà Tum chưa đầy 1 km - là bạt ngàn rừng cao su. Đây là khu vực đất thuộc 2 đơn vị: Công ty Cao su Tân Biên và Tổng đội TNXP với hàng chục nông trường trồng cao su. Tuy nhiên, đã từ lâu một số đất của nông trường đã được "phù phép" thành của riêng của một số cán bộ. Chẳng hạn, ở Nông trường 7 thuộc Tổng đội TNXP (thuộc xã Suối Dây, Tân Châu), phía sâu bên trong cách đường lộ khoảng hơn 1 km là khu vực đất tư nhân - với đủ mặt các "quan" cấp tỉnh:  ông Ba Đ., hàng chục ha cao su đang cạo, ông Hai Thể (Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Kho bạc tỉnh) với rừng cao su đang thời sung sức... Rồi đất cao su bạt ngàn của bà M., ông L. Người dẫn chúng tôi tiếp cận với khu đất - anh M. - chỉ lô cao su của ông Ba Đ. nói: "Trước đây, tôi là người khai phá đất này. Cày sâu cuốc bẫm, sống chung với gian khổ thường trực suốt bao nhiêu năm trời mà cuối cùng mất trắng. Nông trường 7 đã dùng mọi cách để thu hồi đất của tôi. Tôi tưởng nông trường lấy lại làm, nào ngờ lại giao cho các quan chức".

Ở Tây Ninh, đang có quá nhiều quan chức trở thành chủ đồn điền. Nhờ đâu họ trở nên quá giàu có nếu không phải tận dụng đặc quyền đặc lợi để thu gom đất? Họ có những thông tin quy hoạch mà người dân không có; có những nguồn vốn vay mà nguời dân còn lâu mới với tới được dù rằng nguồn vốn này là dành cho người nông dân (vốn Chương trình 327, vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển...); và đặc biệt là có sự hậu thuẫn của các đơn vị nhà nước trong giao và cấp quyền sử dụng đất. Tình trạng này đang gây bức xúc ngày càng lớn cho người dân, rất cần được các cơ quan trung ương sớm kiểm tra làm rõ.

Nỗi bức xúc 21 năm của người dân Tân Hội

Rất nhiều người dân ở xã Tân Hội như bà Nguyễn Thị Tiên, ông Nhâm Văn Thục, anh Phạm Ngọc Bi, bà Hồ Thị Quận... bức xúc phản ánh với chúng tôi chuyện họ bị nông trường thu hồi đất, sau đó nông trường lại giao đất cho "ông này bà kia". Trả lời chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh Nguyễn Ngọc Thạnh cho biết: "Đất giao cho các cá nhân (khoảng 500 người, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân viên công ty...) là có hợp đồng giao khoán hằng năm. Không có trường hợp nào "giao đứt" cả". Ông Thạnh cũng cho biết người dân "chỉ cần họ đến UBND xã xác nhận là hộ nghèo là đến công ty chúng tôi sẵn sàng giao đất". Thế nhưng theo điều tra của chúng tôi, những hộ nghèo thực sự  ở Tân Hội và các xã lân cận hầu hết không được hợp đồng giao đất từ công ty này.

Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.