Dạy con học khó lắm!

01/11/2006 22:57 GMT+7

...Khi học lớp cuối cấp 1, tôi thật may mắn có một người thầy mà lời dạy của ông đến nay tôi vẫn còn nhớ. Thầy luôn khơi gợi óc sáng tạo của chúng tôi...". Đó là hoài niệm của một bậc phụ huynh về việc học của 30 năm trước. Còn hiện tại thì sao? Dưới đây là những bức xúc của chị từ chuyện học của chính con mình.

1Hôm qua, khi kiểm tra tập của đứa con trai đang học lớp hai ở một trường tiểu học thuộc Q.1, TP.HCM, tôi ngẩn người và hơi hụt hẫng. Số là trong bài tập đặt câu, cô cho khoảng 5 câu hỏi về một người bạn trong lớp. Câu hỏi cuối cùng là "Tình cảm của em đối với bạn ấy thế nào?". Con tôi đã ghi sẵn: "Tình cảm của em đối với bạn..." và bí, chắc không biết dùng từ nào. Tôi đưa ra cho nó vài lựa chọn và giảng giải, nhưng nó đã chớp ngay và ghi vào "rất thân thiết". Thế mà hôm nay cô giáo đã dùng mực đỏ sửa ngay bên cạnh "Tình cảm của em đối với bạn" "rất thương yêu" và trừ 2 điểm (còn 8 điểm).

Nếu xét về mặt ngữ pháp, cả hai không có gì sai. Về mặt ngữ nghĩa tiếng Việt, chắc phải nhờ các nhà ngôn ngữ học phân tích.

Riêng tôi, tôi cảm thấy "thân thiết" phù hợp và thực hơn.

Điều tôi muốn nói ở đây là về phương diện giáo dục, nếu không phải là với những lỗi sai cơ bản, trầm trọng và không thể chấp nhận được, giáo viên mới nên sửa. Đằng này, đáp án đúng cho câu hỏi trên phải là "rất thương yêu". Như vậy nghĩa là trên 50 học sinh lớp này và khoảng 200 học sinh cấp lớp hai của trường hay hàng trăm ngàn con trẻ đang học lớp hai, với vốn từ còn ít ỏi, sẽ phải răm rắp học thuộc đúng từ "rất thương yêu" cho trường hợp này. Rồi đây bài thi giữa kỳ nếu được hỏi đúng câu này, phải chăng phải trả lời đúng như thế mới được đủ điểm và chúng ta sẽ có hàng loạt câu, bài tập làm văn y khuôn nhau. Hỏi sao chúng ta không có những bài thi tốt nghiệp môn Văn 10 điểm nhưng giống y bài mẫu. Tôi hy vọng điều này chỉ cá biệt ở lớp học của con tôi.

2 Cách nay 10 năm, khi con gái lớn của tôi cũng học lớp hai, mỗi bài chính tả trước khi được đọc ở lớp, cô giáo cho các cháu chép 10 lần, nếu còn sai, chép 10 lần nữa nhằm bảo đảm mỗi đứa phải thuộc như cháo mặt chữ của bài. Hèn gì mà chính tả đa số đều 10 điểm. Còn toán thì đến lớp ba, lớp bốn gì đó, 1 bài toán cô đã dạy là phải làm 3 phép tính thì cứ làm đúng 3 bài toán. Một lần tôi thấy mẫu này cứ dùng hoài và có phần thừa nên dạy cháu là chỉ cần 2 phép tính là ra. Vậy mà cô đành đoạn cho 7 điểm mà còn mắng cháu. Nhìn gương mặt đầy nước mắt của con, tôi vừa tức vừa thương. Lúc đó mà gặp cô, có lẽ tôi đã nói rất nhiều. Có điều, rất may nhưng cũng rất không hay, là tôi đã ráng dằn lại và đợi đến buổi họp cuối học kỳ 1 mới góp ý nhẹ nhàng nhưng xem chừng chẳng hề có tác dụng. Từ đó về sau, con tôi cương quyết làm theo lời cô, còn tôi cũng ráng làm ngơ cho qua và ráng tâm niệm:

Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con "nhiều điểm" phải nghe lời thầy (cô).

3 Cách đây khoảng 30 năm, khi học lớp cuối cấp 1, tôi thật may mắn có một người thầy mà lời dạy của ông đến nay tôi vẫn còn nhớ. Thầy luôn khơi gợi óc sáng tạo của chúng tôi. Hầu như ở môn học nào, thầy cũng đều có cách và dành thời gian để chúng tôi tha hồ đưa ra đáp án, ý kiến của mình. Với môn toán, thầy bao giờ cũng dạy nguyên tắc chung cho dạng toán ấy, để khi gặp, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng có thể làm được. Khi mọi người đã nắm chắc được vấn đề, thầy treo giải điểm 10 cho ai làm nhanh và ngắn nhất. Thầy nói rằng, giải toán giống như tìm đường đi, một khi đã biết đường rồi thì phải cố tìm cho được con đường ngắn nhất, tốt nhất.

Điều này thôi thúc bọn trẻ chúng tôi cố công tìm tòi, nhiều khi lạc đường thành xa, nhiều khi chỉ là làm tắt chứ cũng không hay... Nhưng cái thành công của thầy là đối với chúng tôi, điểm 10 của thầy thật quý báu, chuyện đi học thật là thú vị và mãi đến nay, lời dạy của thầy được tôi nhớ mãi và áp dụng được ở mọi nơi, mọi việc chứ không chỉ trong chuyện học toán.

Tôi có thể đoan chắc rằng ai có con đi học và có quan tâm đến chuyện học của con đều có thể đưa ra nhiều dẫn chứng hơn nữa tương tự như tôi. Trong 10 năm qua hoặc xa hơn nữa, bệnh thành tích, bệnh học từ chương, lấy "cần cù bù thông minh" đã giết chết óc sáng tạo của bao nhiêu tài năng Việt Nam? Như vậy, phương pháp dạy và học mới (thay hình thức "đọc, chép" bằng nhiều hình thức như lớp tự xây dựng bài học, dạy học theo chủ đề...) mà gần đây được phổ biến thí điểm, theo tôi phần nào mới mà không mới. Vấn đề là bao giờ nó được phổ biến đến con trai tôi, bao giờ đến các em học sinh ở các tỉnh, ở những vùng sâu vùng xa? Khi nhìn những khuôn mặt đầy tâm huyết của các nhà nghiên cứu giáo dục đang cố công đưa các phương pháp dạy và học mới áp dụng thí điểm ở bậc đại học, tôi đã cảm động mà ứa nước mắt. Vậy là tôi và những bậc phụ huynh có quyền hy vọng về một tương lai sáng sủa của ngành giáo dục, chỉ mong sao đó là một tương lai gần.

Quỳnh Phương (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.