Hàng tết đã sẵn sàng

18/11/2010 09:07 GMT+7

Nhằm hạn chế tình trạng giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao trong dịp Tết Tân Mão sắp tới, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối tại TP.HCM đang tập trung khơi nguồn hàng hóa.

Để bảo vệ sức mua hàng hóa của mình, doanh nghiệp đang tính lại tiền lãi, cắt giảm chi phí, đồng thời chủ động nguồn hàng, tránh tăng giá cục bộ.

Giảm giá 10%

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết theo cam kết với UBND TP.HCM, doanh nghiệp phải đảm bảo giữ giá bán đến hết tháng 3-2011 trên cơ sở niêm yết giảm giá 10% so với thị trường. Đến nay công ty có thể yên tâm với sự chuẩn bị cho thị trường tết.

Ngoài lượng heo mua trong dân, Vissan còn đang chăn nuôi tổng đàn 40.000 con theo phương thức truy xuất nguồn gốc. “Trước những dự báo biến động thị trường, để tránh xảy ra tăng giá đột biến cục bộ do mất cân đối lượng cung cầu trên thị trường, công ty đã dự trữ trong kho 100.000 con heo đông lạnh, tương đương 5.000 tấn nguyên liệu phục vụ chế biến” - ông Mười cho hay.

Theo các công ty, mấu chốt của vấn đề thị trường hiện nay là sự điều tiết cung cầu hợp lý, không tạo kẽ hở để một số người lợi dụng làm giá. Ông Lê Thanh Hùng, phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết để có nguồn hàng ổn định, công ty vừa tổ chức mua trong dân, liên kết với một số trại lớn bằng cách cung cấp con giống, đồng thời công ty tự xây dựng trang trại chăn nuôi, chủ động nguồn cung.

Hiện trung bình mỗi ngày Ba Huân cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu quả trứng, dự kiến trong dịp tết mức tiêu thụ trứng tăng lên 1,2-1,3 triệu quả/ngày. Theo ông Hùng, nếu nguồn hàng đều đặn, điều tiết thị trường bằng cách liên kết chặt chẽ với các điểm bán thì sẽ không có hiện tượng tăng giá cục bộ.

Trong khi đó bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết để chuẩn bị cho dịp tết đang đến gần, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ với tổng lượng hàng năm nay là 150.000 tấn, trong đó lượng hàng bình ổn giá là 30.000 tấn (lương thực 10.000 tấn, thịt gia súc, gia cầm 11.000 tấn, thực phẩm chế biến 2.000 tấn, rau củ quả 7.000 tấn).

Sẵn sàng bán hàng lưu động

Bà Thu cho biết theo kinh nghiệm của siêu thị từ những năm trước, nhu cầu của người tiêu dùng những tháng cuối năm tăng rất cao so với những tháng khác. Dự báo được điều này, hệ thống siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Với những mặt hàng đặc thù cho dịp tết (gạo, nếp, thịt gia súc, gia cầm, trứng...), Co.op Mart đã chủ động nguồn hàng bằng cách ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ với các hợp tác xã sản xuất, nhà vườn... Riêng lượng hàng bình ổn được tăng 30-40%, đảm bảo theo giá đã đăng ký theo chương trình của Sở Công thương.

Hiện nay giá gạo trắng thường tại các chợ truyền thống ở mức 8.400-9.500 đồng/kg, tăng trung bình 400-1.000 đồng/kg, gạo trắng thơm tăng lên 14.000-22.000 đồng/kg. Giá các mặt hàng đường, thịt gia súc, gia cầm... đều có xu hướng tăng tiếp tục trong các tháng cuối năm do biến động của thời tiết, tỉ giá, cung cầu nhưng yếu tố tâm lý của người tiêu dùng mới là mối bận tâm của các doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, các hiệu ứng tăng giá từ áp lực tỉ giá đồng USD hiện nay rất lớn, trong khi các ngành thực phẩm chế biến, chăn nuôi đang phụ thuộc không ít vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ông Mười cho biết khoảng cách giá thị trường và giá bán mà doanh nghiệp đang nỗ lực ghìm có độ chênh khá lớn, vì vậy sự điều tiết thị trường hàng hóa để ổn định tâm lý tiêu dùng rất quan trọng.

Ông Châu Nhựt Trung, giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, cho biết: “Chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng bán hàng lưu động, đưa hàng đến nơi nào có hiện tượng sốt giá hoặc tăng giá cục bộ. Các doanh nghiệp đang kềm giá bằng nội lực và một phần từ sự hỗ trợ của UBND TP nên chỉ cần xuất hiện tâm lý đầu cơ, thị trường sẽ bị xáo trộn”. Theo dự kiến, trong dịp tết sức tiêu thụ mặt hàng thịt vịt sẽ tăng 30% so với 600 tấn của ngày thường.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng để bình ổn giá, phải có hàng, nhưng tạo được nguồn hàng rồi mà không đưa đến tay người dân được thì xem như vẫn có kẽ hở cho giá thị trường tăng lên.

Hiện nay, UBND TP đã giao cho UBND quận huyện có trách nhiệm tìm kiếm các vị trí, mặt bằng xây dựng điểm bán, trung tâm thương mại từ nguồn đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng đang khai thác không hiệu quả để mở rộng mạng lưới phân phối, đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống, tăng thêm những điểm bán hàng bình ổn phục vụ người dân.

Hiện Saigon Co.op tăng tốc phát triển mạng lưới siêu thị Co.op Mart và cửa hàng Co.op Food để mang hàng hóa có giá tốt nhất đến người tiêu dùng. Dự kiến trong hai tháng cuối năm 2010, Saigon Co.op sẽ khai trương thêm ba siêu thị Co.opMart, ba cửa hàng Co.op Food; Công ty Vissan mở thêm ba cửa hàng, nâng tổng số lên 67 cửa hàng; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) mở thêm hai cửa hàng...

Kiến nghị giao hạn ngạch nhập đường cho các thành phố lớn

Ngày 17-11, trước diễn biến giá đường phức tạp, Sở Công thương TP.HCM vừa có kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị các bộ ngành trung ương về việc nhập khẩu đường. Theo Sở Công thương, để giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung đường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam... cần có biện pháp yêu cầu các nhà máy đường sản xuất đến đâu đưa sản phẩm cung ứng thị trường đến đó, không găm hàng, nâng giá trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, nơi này cũng đề nghị Bộ Công thương phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2011 cho các thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội...) để các địa phương chủ động giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường của địa phương.

Trong cuộc họp khẩn gần đây, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng thêm lượng đường tại các siêu thị. Hiện Big C đã nhận thêm được 3 tấn đường/tuần với giá bán ra đường Ong bay 18.000 đồng/kg, đường Thành Thành Công 18.000 đồng/kg, nâng tổng số đường dự trữ của siêu thị này lên 27 tấn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.