Ngán ngẩm thư viện trường - Kỳ 2: Vắng như thư viện trường phổ thông

11/11/2009 08:58 GMT+7

Với học sinh phổ thông, bước chân tới thư viện là một "khái niệm mới lạ". Nhiều trường học, thư viện chỉ tồn tại theo kiểu “sống thực vật”, mở cửa tùy hứng vì... chẳng có học sinh vào.

Hầu hết các trường phổ thông tại Hà Nội đều có thư viện nhưng khi chúng tôi hỏi có hay vào thư viện không, nhiều học sinh (HS) có chung câu trả lời: “Em cũng không biết là trường có thư viện. Em đã biết mặt nó như thế nào đâu”. Các giờ ra chơi, nghỉ giải lao, rất ít HS tìm đến thư viện, vì thế mà thư viện không phải lúc nào cũng mở cửa. Bạn Thu Phương (lớp 12 trường THPT Đống Đa) cho biết: “Em mới bước chân vào thư viện trường được... 2 lần. Như em là khá đấy chứ nhiều bạn còn chưa biết mặt cái thư viện nữa cơ. Mà thư viện trường em cũng ít khi mở cửa bởi chắc mở cũng chẳng có ai vào”.

Tại trường THPT Trần Nhân Tông, sau khi vừa đặt câu hỏi “vào thư viện trường bao giờ chưa” với 2 HS nữ, hai cô bạn liền quay sang nhau tranh luận rất găng, quên cả trả lời câu hỏi của chúng tôi. Người thì bảo “thư viện trường mình có mượn được sách đâu nhỉ”, người thì bảo ngược lại “hình như có mà, lần trước tao còn ngồi xếp danh mục sách cho cô mà”.

Là một học sinh thường xuyên lui tới thư viện trường, nhưng Đặng Minh Hòa (học sinh lớp 11 trường THPT Trần Phú) vẫn phải than phiền: “Em thấy các bạn hiện nay ít quan tâm tới thư viện, một phần do thư viện vẫn chủ yếu là những sách tham khảo học tập, ít sách giải trí. Hơn nữa, cũng do nhà trường vẫn chưa phát động, phổ biến cụ thể cho học sinh nên nhiều người chẳng biết thư viện như thế nào”.

Các nhân viên phụ trách thư viện tại các trường cũng hay kêu than vì tình trạng “ế ẩm”. Chị Nguyễn Thị Nga, thủ thư tại trường THPT Việt Đức, cho biết: "Thông thường, HS chỉ vào thư viện mượn báo, tạp chí. Thứ 2 đầu tuần, ngày báo ra thì thư viện trở nên “hot”, những ngày còn lại mọi hoạt động lại trở lại im lìm, vắng vẻ”.

Chưa hết, một số thư viện chỉ được biết đến khi HS quên sách giáo khoa. Thùy Linh (lớp 12 Ban Tự nhiên trường THPT Việt Đức) cho biết: “Bọn em chỉ vào thư viện khi quên sách thôi. Bất đắc dĩ lắm bọn em mới vào vì dung lượng SGK quá lớn, đọc hết những gì viết trong sách cũng đủ khiến bọn em mệt nhoài rồi”.

Một HS trường Hà Nội – Amsterdam thừa nhận: “Chủ yếu bọn em tới để ngồi làm bài cho tập trung hoặc nếu muốn... trốn tiết thì xuống thư viện, sẽ không ai hỏi thăm”. Thư viện trường THPT Đống Đa lại kiêm luôn nhiệm vụ bán tạp phẩm, vở, bút, đồ dùng học sinh. HS tới đây chủ yếu để mua hàng chứ không phải mượn sách.

Ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, nhận xét: “Nói thật là mỗi lần tôi xuống thư viện rất ít khi gặp được HS. Thậm chí, tôi đã từng nói rõ, nếu các em muốn đọc thêm những sách gì, cứ cho ý kiến nhà trường sẽ đáp ứng. Thế nhưng, hơn năm nay tôi chưa thấy có đề xuất nào. Ở thế hệ của chúng tôi, nguồn thông tin chủ yếu là từ sách. Thế nhưng, thời nay, việc tiếp cận qua các phương tiện thông tin nghe, nhìn và Internet với các em dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn nữa, khối lượng sách giáo khoa các em phải học đã quá nhiều rồi nên các em càng ngại tới thư viện hơn”.

Thanh Thanh Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.