Chuyện bão ở nước Mỹ

25/10/2005 21:52 GMT+7

Mấy hôm nay, nước Mỹ lại rộn lên chuyện bão. Cơn bão Wilma đổ bộ vào miền nam Florida với cấp độ 3, tức sức gió lên đến 200 km/giờ, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Chạy bão

Với báo chí Mỹ, bão đang là vấn đề rất được quan tâm mổ xẻ sau sự chểnh mảng của các quan chức chính quyền qua vụ Katrina. Bởi vậy, báo chí Mỹ vừa cho đăng công khai bức e-mail của một quan chức của Cơ quan quản lý các hoạt động khẩn cấp liên bang (FEMA) tố cáo cấp trên mình - Giám đốc FEMA - đã vô trách nhiệm trong việc cứu trợ vụ Katrina. Chẳng là 2 ngày sau khi Katrina đổ bộ vào New Orleans, vị quan nhỏ này thấy "tốc độ nguy ngập" tăng nhanh quá so với dự đoán đã gửi ngay một bức e-mail cho sếp, rằng "dân chúng tránh lụt đang tụ tập rất đông trên đường mà không có thức ăn và nước uống, nếu không cứu trợ gấp, ước tính rất nhiều người sẽ chết". Một bức thư vừa khẩn, vừa quan trọng, nhưng vị quan nhỏ này chỉ nhận được e-mail trả lời rất vô tư từ người phụ tá của sếp: "Sếp cần thêm ít nhất 1 giờ nữa để dùng bữa ở nhà hàng Baton Rouge vì lúc này khách rất đông và kẹt xe nữa. Sau đó, sếp muốn xuất hiện trên truyền hình tối nay".
Bức e-mail trên cùng một số e-mail khác, dài tổng cộng 19 trang, cho thấy thái độ thờ ơ của ông sếp trước đề xuất khẩn của cấp dưới đã được trình lên Ủy ban an ninh quốc gia Thượng viện. Các thượng nghị sĩ đọc và không tài nào chịu nổi dù ông sếp ấy (Michael Brown) đã thôi việc. Sự việc này được báo chí Mỹ đăng tải rộng rãi 48 giờ trước thời điểm dự báo là Wilma sẽ đổ bộ. Thống đốc bang Florida Jeb Bush đã lên truyền hình cảnh báo nguy cơ cơn bão. Trước đó, hàng chục ngàn người dân sống ở các vùng trũng Florida đã được lệnh di tản và du khách ở các thành phố cũng đã đua nhau bỏ chạy khỏi vùng này.

“Thế giới thứ ba” trong lòng nước Mỹ

Theo luật phá sản mới của Mỹ, người dân có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình - chênh lệch tùy từng bang - và có khả năng trả nợ mỗi tháng từ 100 USD trở lên sẽ không đáp ứng được chương 7 luật phá sản. Thay vào đó, họ sẽ phải đáp ứng những yêu cầu của chương 13, tức phải trả một phần tổng số nợ trước khi trả dần từng tháng theo kế hoạch trả nợ do tòa phán quyết, trừ những trường hợp đặc biệt, nhưng đặc biệt như thế nào thì luật lại không nói rõ.

Trên bình diện thế giới, bão Katrina đã làm cho nhiều người biết thêm về một “thế giới thứ ba” trong lòng nước Mỹ. Tuần trước, tôi đọc trên tờ The Washington Post dòng tít cảnh báo: Các bạn có biết, vẫn còn đến 13 triệu người Mỹ thiếu ăn trước Katrina. Hai chữ "trước Katrina" được tờ báo dùng gam màu đậm để nhấn mạnh. Bằng chứng rõ rệt nhất là ở Virginia, riêng năm 2004 có đến 486 ngàn người dân phải nhận tem phiếu lương thực của chính phủ, tăng 41% so với năm 2001. Một trong những nguyên nhân chính là 8 năm nay, chính quyền vẫn không tăng mức lương tối thiểu - đang là 5,15 USD/giờ, trong khi lạm phát đã tăng đến 17%. Điều này khiến cho cả người công nhân chưa lập gia đình, lương cũng chỉ đạt mức 9.900 USD/năm (sau khi trừ một số khoản bảo hiểm), tức chỉ hơn 300 USD so với mức đói nghèo. Còn những người nghèo ở miền nam Florida thì đang không chỉ sống dở chết dở vì Wilma mà còn gặp bất lợi rất lớn. Nếu đang nợ ngập đầu, họ không thể đến cơ quan chính quyền để nộp đơn phá sản như số các con nợ quá hạn khác đang ùn ùn đến đệ đơn làm quá tải ở khắp các tiểu bang Mỹ. Riêng thành phố Knoxville, tiểu bang Tennessee tôi đang ở, các quan chức ngành tòa án hứa sẽ làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật để tiếp nhận đủ số đơn xin phá sản kịp trước ngày hạn chót là thứ hai, 25/10. Đây cũng là đề tài rất nóng trong xã hội Mỹ hơn 1 tuần nay. Ngày 25/10, luật mới về phá sản ở Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực thay cho luật cũ, trong đó các điều khoản mới ở chương 7 sẽ khiến rất nhiều người nghèo ở Mỹ không thỏa mãn được. Luật mới này được các công ty tài chính (phát hành thẻ tín dụng) và các ngân hàng vận động lobby từ 8 năm nay và được thông qua vào mùa xuân vừa qua. Với luật mới này, những quy định bảo vệ quyền lợi nhiều hơn cho các công ty tài chính. Ở Mỹ, người ta có thể xài tiền thoải mái mà không hề có một xu dính túi. Tiền được xài bằng thẻ tín dụng, người nào cũng thủ sẵn 4-5 cái thẻ trong ví. Dân Mỹ cứ thế mà tiêu xài, đến lúc nào đó nợ quá cao không trả nổi tiền góp thì chỉ còn nước đệ đơn xin phá sản.

Phá sản ở Mỹ không chỉ có người nghèo. Hay nói đâu cho xa, giàu cỡ Mike Tyson kiếm hơn 300 triệu USD bằng nắm đấm cũng còn phải xin phá sản trong khi Michael Jackson nghe nói cũng đang nợ như chúa chổm, huống hồ!... Bởi thế, số người xin phá sản ở Mỹ hiện cứ gia tăng đều đều sau mỗi năm. Năm 2001 là 1.492.129 người, đến 2004 là 1.597.462 và trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã có 868.482 người Mỹ đệ đơn xin phá sản.

Ngọc Thịnh
(Từ Tennessee, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.