Tại hội thảo về "quy hoạch ô tô": Lại “kêu gào” bảo hộ

26/10/2007 23:57 GMT+7

Hôm qua, tại hội thảo về “thực hiện quy hoạch ô tô”, do Bộ Công thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã thừa nhận, chính sách bảo hộ sản xuất ô tô trong nước đã không đạt kết quả như mong đợi, giá xe ô tô vẫn cao… Còn đại diện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô thì tiếp tục đòi bảo hộ và “oán trách” Nhà nước giảm thuế nhập khẩu ô tô.

Hai luồng ý kiến

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nói: "Đã đến lúc cần coi ô tô là phương tiện đi lại phổ biến giống như mặt hàng xe máy". Ông cho biết, hiện nay có hai luồng ý kiến. Một là phải giảm mạnh các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT để các dòng xe nhập khẩu có cơ hội về thị trường và như vậy Việt Nam phải chấp nhận tắc nghẽn giao thông trong vòng 2-5 năm, sau đó cơ sở hạ tầng sẽ phát triển theo. "Nếu làm theo cách này sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đường sá giao thông bị tắc nghẽn có thể tốn hàng trăm tỉ đồng mỗi năm", ông Hào nhận xét. Luồng ý kiến thứ hai  là  phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông trước, sau đó mới giảm mạnh thuế để cho xe về thị trường. Theo ông Hào, cách này  "sẽ kìm chế phát triển nền công nghiệp ô tô".

Đề cập đến những chỉ trích gần đây trên báo chí về sự bất cập của chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Đỗ Hữu Hào biện hộ: "Khi đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, Bộ Công thương căn cứ vào quy hoạch phát triển hạ tầng để lượng xe về đủ không gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Chiến lược này, Bộ Công thương không tự vẽ ra mà được thống nhất ở nhiều bộ ngành và đích thân Thủ tướng đặt bút ký. Do vậy, việc dư luận đổ tội cho chúng tôi là không công bằng".

“Bài ca” cũ của các doanh nghiệp

Việc giảm thuế nhập khẩu ô tô vừa rồi là một động thái tích cực, được dư luận hoan nghênh. Nhưng vì lợi ích thiển cận của mình, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lại lên tiếng phản ứng tại hội thảo. Tổng giám đốc Tổng công ty Động lực và Máy nông nghiệp (VEAM)  Nguyễn Thanh Giang nói: "Thị trường ô tô phát triển luẩn quẩn như hiện nay chung quy là tại chính sách thuế". "Bộ Tài chính đã quá lạm dụng quyền hành và luôn tự do điều hành chính sách theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp", ông Giang nói tiếp.  Theo ông này thì: "3 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 90% xuống 80%, rồi 70% và hiện còn 60% là một ví dụ. Bộ Tài chính đơn phương thực hiện mà không thăm dò ý kiến doanh nghiệp". Ông Giang lớn tiếng: "Chúng ta có xây dựng nền công nghiệp ô tô nữa hay không. Nếu không các bộ ngành cũng cho chúng tôi biết một tiếng để chúng tôi chẳng phải sản xuất nữa mà chuyển hướng sang nhập khẩu. Còn nếu tiếp tục duy trì nền công nghiệp này thì phải có chính sách linh hoạt để cho nó có đường sống. Chính sách thuế không minh bạch khiến các doanh nghiệp cứ như người mù lần đường đi mà chẳng biết sẽ đi đến đâu".

Tổng giám đốc Mercedes-Besz - Udo F.Loersch nói theo:  "Việc Bộ Tài chính liên tục giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc khiến các liên doanh gặp nhiều khó khăn. Cứ đà này, chúng tôi chẳng còn cách nào khác là ngừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu ô tô tại Việt Nam".

Đại diện Hãng GM Daewoo cũng nhấn mạnh: "Giá xe phụ thuộc nhiều vào thuế và quy mô sản xuất. Nếu mở cửa thị trường ô tô quá sớm bằng cách giảm mạnh thuế sớm muộn cũng lãnh hậu quả như đã từng xảy ra ở một số nước". Vị đại diện này cho rằng chiến lược phát triển ô tô đưa ra là đúng, điều hành chính sách thuế cũng không sai, song phải có lộ trình và công khai minh bạch cho doanh nghiệp biết.

Câu chuyện còn bỏ ngỏ

Đáp lại các chỉ trích của doanh nghiệp về chính sách thuế, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, ông Hà Huy Tuấn  cho rằng: "Tất cả các chính sách thuế đưa ra thời gian qua đều được căn cứ vào chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô của Bộ Công thương và quy hoạch phát triển hạ tầng của Bộ Giao thông vận tải. Bản thân Bộ Tài chính mỗi lần điều chỉnh thuế đều gửi công văn xin ý kiến các đơn vị có liên quan, như vậy không thể nói là thiếu minh bạch".

Ông Chu Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải nói: "Cả nước mới có khoảng 1 triệu xe lưu hành, con số này quá nhỏ so với con số trên 80 triệu dân. Chúng tôi khẳng định, cơ sở hạ tầng đủ sức chứa cho các loại xe cơ giới. Nhưng chuyện ùn tắc giao thông thời gian qua có phần trách nhiệm của các nhà hoạch định chiến lược phát triển khu công nghiệp, đô thị".

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho rằng khó có thể đề cập câu chuyện giảm giá xe vào lúc này và việc chính sách thuế đã phù hợp không cũng chưa thể kết luận. Ông Thứ trưởng Công thương vẫn nói rằng: "Chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô cũng không sai, chỉ có điều chính sách chưa đáp ứng kịp". Một câu kết cuối cùng: "Câu chuyện giảm giá chỉ có thể được đề cập khi thị trường lớn mạnh, lượng hàng hóa dồi dào, sức cạnh tranh lớn".

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.