Nhà máy nước thì gần, nước sạch thì xa

30/10/2007 09:35 GMT+7

(TNO) 170 hộ dân thuộc tổ dân phố số 7 (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) hằng ngày vẫn phải sử dụng nước giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng mặc dù Nhà máy nước Pháp Vân chỉ cách đó có 200m.

Trời nắng mà ngỡ trời mưa!

Chúng tôi tìm đến địa chỉ trên vào một ngày trời nắng và khô ráo nhưng đường ngõ 83 Ngọc Hồi (trước đây có tên là đường Đại Tu) vẫn bị ngập nước với nhiều sống trâu, ổ gà trông rất nhếch nhác.

Ông Đào Duy Hồng (số nhà 53, ngõ 83) cho biết: "Đường bị ngập quanh năm suốt tháng, bất kể trời nắng hay mưa. Hệ thống thoát nước bị xuống cấp; mỗi khi trời mưa, nước từ các bể phốt, hố ga chảy hết cả ra lòng đường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Sau những cơn mưa to, nền nhà của gia đình bị ngập khoảng 10 - 15cm nên phải kê cao giường, ghế, bàn, tủ. Chưa hết, khi từng đoàn xe tải, xe container nối đuôi nhau chạy trên đường, sóng nước dềnh vào nhà vỗ ì oạp. Mưa tạnh, nước không thoát được, đọng lại thành từng vũng to, vũng nhỏ trên lòng đường".

Theo phản ánh của người dân trong tổ dân phố số 7, đường ngõ 83 từng được rải nhựa, nhưng trong quá trình xây dựng Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, xe tải chở nguyên vật liệu xây dựng đã cày nát mặt đường.

Ông Phạm Ngọc Hồ (số nhà 61, ngõ 83) cho biết thêm: "Đường đã bị xuống cấp, không được gia cố, sửa chữa nhưng hằng ngày vẫn phải oằn mình gánh từng đoàn xe tải, xe container chở hàng vào các công ty, xí nghiệp trong khu vực nên càng ngày càng bị hư hỏng nặng hơn".

Nước sạch chỉ là... mơ ước

Không chỉ khổ vì đường xá ngập nước bẩn, 170 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu ở khu vực này hằng ngày vẫn phải sử dụng nước giếng  khoan, nước giếng máy ô nhiễm từ nhiều năm nay.

Nhìn những chậu nước đục, vàng quạch được múc lên từ các giếng nước, người dân nơi đây đều tỏ ra lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình. Nhiều người đã phải bỏ tiền túi, tự lấy mẫu nước trong giếng nhà mình đem đi phân tích tại các phòng thí nghiệm uy tín. Và họ càng lo lắng hơn khi kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng arsen (As) và ammoni (NH4) đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Kết quả phân tích 3 mẫu nước giếng khoan chưa lọc, lọc thô và lọc Pre 582 của hộ gia đình số 35, ngõ 83 tại Phòng khoa học và kỹ thuật phân tích (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, hàm lượng As lần lượt là 0,024 mg/l, 0,021 mg/l và 0,028 mg/l, trong khi TCVN - Bộ Y tế 1329/2002 là 0,010 mg/l trở xuống; hàm lượng NH4 lần lượt là 12,649 mg/l, 7,120 và 0,102, trong khi TCVN - Bộ Y tế 1329/2002 giới hạn ở mức 1,5 mg/l trở xuống.

Ông Trần Trung Thu - chủ hộ chua xót: "Sống ngay tại Thủ đô mà chúng tôi không được sử dụng nước máy, nước sạch. Nhà báo nhìn kìa, đấy là Nhà máy nước Pháp Vân đấy. Từ đây đến đó  chưa tới 200m. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây toàn bộ khu vực này đều không được sử dụng nước máy. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, các khu dân cư khác đã được sử dụng nước máy sạch trong khi tổ dân cư số 7 vẫn không có nước máy để dùng. Người dân nơi đây không biết lý do tại sao họ không được cung cấp nước máy. Còn các cấp chính quyền thì cho hay, phải đợi đến khi dự án nước sạch sông Đà hoàn thành mới có thể cung cấp nước sạch cho khu dân cư này (?!).

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.