Xây dựng tiêu chuẩn lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước

10/11/2010 14:05 GMT+7

(TNO) Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) vừa cho biết thông tin trên trong báo cáo ý kiến về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước, sau khi Chính phủ có báo cáo gửi đại biểu (ĐB) QH về nội dung này.

Sẽ có nghị định quy định rõ chế tài, trách nhiệm

Trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang được Chính phủ giao chủ trì nhiệm vụ xây dựng quy định tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự quản lý các tập đoàn, TCT nhà nước, cũng như quy định về quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích, chế tài xử lý vi phạm và cơ chế thưởng, phạt cụ thể.

Đến nay, Bộ Nội vụ đã dự thảo quyết định của Thủ tướng về nội dung này và gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và các tập đoàn, TCT.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉnh sửa dự thảo Nghị định quy định việc áp dụng Luật Cán bộ công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra việc ban hành các văn bản hướng dẫn nhìn chung còn chậm, dẫn đến những lúng túng trong quá trình thực hiện.

Việc Chính phủ ủy quyền thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu cho nhiều bộ, mỗi bộ một lĩnh vực, khiến doanh nghiệp (DN) phải giải trình nhiều đầu mối khi có nội dung cần xin ý kiến, làm chậm tiến độ công việc DN và dễ tạo ra sự không rõ ràng trong quá trình xử lý các vấn đề vướng mắc của DN, nhất là sau khi xảy ra những sai phạm ở Tập đoàn Vinashin.

Hằng năm, QH xem xét báo cáo của Chính phủ về tập đoàn

Trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét về nội dung báo cáo của Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, TCT nhà nước và cho rằng, báo cáo này “chưa bám sát vào việc triển khai các nhóm nhiệm vụ theo Nghị quyết số 42 của QH”.

Một số đánh giá trong báo cáo về mặt tồn tại, hạn chế, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn, TCT còn chung chung.

Đặc biệt, báo cáo thiếu những đánh giá, nhận định rút ra từ các kết quả sản xuất, kinh doanh; những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm; thiếu phụ lục phân tích tình hình của các tập đoàn và một số TCT cần đặc biệt quan tâm.

Trên cơ sở các nhận định trên, Ủy ban Kinh tế kiến nghị sớm thông qua Luật Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xem xét, nghiên cứu đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước dưới sự giám sát chặt chẽ của QH. Hằng năm QH xem xét báo cáo của Chính phủ về tập đoàn, TCT nhà nước.

Ủy ban này đồng thời đề nghị Chính phủ cần có quy định bắt buộc các tập đoàn, TCT nhà nước chuyển đổi hoạt động sang công ty TNHH một thành viên công bố thông tin hoạt động như các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.