“Ốc đảo” Phước Giang chờ... tình người

07/11/2007 20:12 GMT+7

** Báo Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp đồng bào lũ lụt tại tỉnh Phú Yên (TNO) Suốt thời gian xảy ra lũ lụt, thôn Phước Giang, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên chìm ngập trong lũ dữ và bị lô lập hoàn toàn như một “ốc đảo” đứng trơ trọi giữa biển khơi.. Họ sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, thiếu lương thực... cho đến chiều 7.11, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của Báo Thanh Niên đã đến “ốc đảo” này.

Sáng 7.11, dòng nước lũ sông Bàn Thạch vẫn cuồn cuộn đổ về biển Đông. Đoàn cứu trợ Báo Thanh Niên phải nhờ xuống máy của anh Phạm Văn Phúc – một người dân ở thôn Phước Long. Từng gói hang, túi gạo được cán bộ xã cùng với đoàn cứu trợ khuân vác chất lên xuồng. Xuồng nhỏ, chạy bằng động cơ diezen, chúng tôi cảm thấy hơi ngán khi phải vượt qua hơn ba cây số mới tới “ốc đảo”. Anh Phúc – người lái xuồng động viên: “Không sao đâu, tui chạy cẩn thận thì chẳng có chuyện gì”. Nói xong, anh Phúc nổ máy cho xuồng chạy ngược dòng đến Phước Giang.

Vừa thấy con thuyền cập bến ở đầu xóm, nhiều người dân đã mừng rỡ kéo đến, hỏi dồn dập và gọi nhau vác hàng cứu trợ vào trụ sở thôn. Nét mặt rạng rỡ trên từng khuôn mặt của người dân sau nhiều ngày bị chia cắt do lũ.


Nhiều ngôi nhà ngập đến nóc, "ốc đảo" Phước Giang chìm trong nước

Anh Phạm Văn An, trưởng thôn Phước Giang mừng rỡ: “Nước lũ vừa mới rút khỏi thôn sáng nay, bà con mới trở về làng dọn dẹp nhà cửa. Suốt mấy ngày nay, gạo trong hủ không còn một hạt. May mà, Báo Thanh Niên đến cứu trợ kịp thời cho bà con chúng tôi, nếu không thì...”. Ông Nguyễn Ngọc Chấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng đi với đoàn cứu trợ, phấn khởi nói: “Báo Thanh Niên là đơn vị đầu tiên đem tiền, hàng hóa đến vùng “rốn lũ” Đông Hòa để cứu trợ cho bà con. Những món quà của Báo rất kịp thời đến với người dân nghèo khổ vùng lũ. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng “tương thân tương ái” của bạn đọc Báo Thanh Niên với đồng bào huyện Đông Hòa”.

Đời cơ cực sau lũ

Làng Phước Giang trông tiêu điều trong lũ, có cả chục căn nhà vách đất xiêu vẹo, ngập chìm trong cơn lũ dữ. Ngôi nhà nhỏ vách đất, mái tôn của bà Nguyễn Thị Chỉnh, 51 tuổi, ngập sâu trong lũ mấy ngày dường như sắp đổ sập. Bà Chỉnh vừa nói vưa rưng rưng nước mắt: “Lũ lớn quá, hai mẹ con tôi phải bỏ chạy sang nhà cao hơn của hàng xóm để ở nhờ. Căn nhà tôi đã quá xập xệ, nhưng mà gia đình quá nghèo chẳng biết lấy gì để xây dựng lại!”. Bà Chỉnh là con của liệt sĩ Nguyễn Láo, sinh sống bằng nghề vớt rong hồ tôm, cắt lúa thuê, cào hến... để nuôi đứa con đang học lớp 7. Những ngày tháng mưa lũ này, bà không biết làm gì ra tiền nên đành sống nhờ vả bà con lối xóm.

Ở cạnh đấy, ngôi nhà vách đất, mái tole của ông Võ Giằng, 72 tuổi, cũng bị nước lũ vùi dập, hư hỏng nặng không thể ở được nữa. Ba cha con ông Giằng cũng đành bỏ nhà đi ở nhờ nơi khác. Còn ngôi nhà xây khá kiên cố nằm sát bờ sông của gia đình ông Võ Đức Tân, bỗng chốc bị lũ làm nứt vách, trụt móng nền, xiêu vẹo. Trong những ngày lũ, cả gia đình ông gồm 5 người phải tháo chạy khỏi nhà... Con lũ đã cuốn trôi tất cả.


Nhiều ngày sống trong lũ dữ, người dân huyện Đông Hoà gặp rất nhiều khó khăn

Trưởng thôn Phạm Văn An đưa chúng tôi đi thăm nhiều nhà dân bị hư hại và nói: Những người già kể rằng cách đây hơn 85 năm, vào ngày 4/11 (tức ngày 25.9 m lịch), một trận lũ lịch sử đã “xoá sổ” làng Phước Giang với hơn 80% dân số bị chết, trôi mất tích. Trận lũ này cũng bắt đầu đúng vào ngày 4.11 và cũng lớn bằng năm ấy, nhưng rất may chính quyền địa phương xã Hòa Tâm, các chiến sĩ Đồn biên phòng 356 giúp đỡ di dời dân kịp thời đến nơi an toàn.

Tình người trong lũ dữ

  Lũ về rạng sáng 4.11. Chính quyền xã Hòa Tâm cùng với Đồn biên phòng 356 đưa tàu cứu hộ vào cửa và ngược dòng sông Bàn Thạch thẳng tiến đến “ốc đảo”. Trung úy Nguyễn Đức Trí, chiến sĩ Đồn biên phòng 356 kể lại: “Đồn điều động tàu cùng với 15 chiến sĩ từ biển vào cửa sông. Sóng lớn, cửa sông hẹp cộng với nước chảy mạnh khiến tàu nhiều lần bị đánh bật trở ra biển. Anh em chiến sĩ biết rằng, nếu không đưa tàu vào được thì hàng trăm người dân ở Phước Giang sẽ bị nước lũ nhấn chìm.

Nghĩ vậy, anh em cố đưa tàu vào cửa sông”. Cuối cùng đến 9 giờ sáng ngày đó, tàu biên phòng mới tiếp cận được Phước Giang. Vì tàu lớn, trong khi đìa tôm nằm san sát nên không thể vào sâu đưa dân đi được, phải nhờ chiếc thuyền máy của anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Phước Long trung chuyển được hơn 300 người già, trẻ em, phụ nữ lên tàu, sơ tán vào nơi an toàn.

Trong những ngày qua, người dân chạy lũ ở Phước Giang được bà con thôn Phước Long chia sẻ nơi ăn chốn ở. Chị Lê Thị Mười (31 tuổi) ở thôn Phước Giang trú tạm tại nhà anh Trương Văn Thành ở thôn Phước Long, nói: “Tôi cùng với bốn đứa con chạy lũ đến nhà anh Thành ở nhờ hơn ba ngày rồi. Chuyện ăn, ở, anh Thành đều lo, nên tôi cũng ngại lắm. Nước rút, tôi về nhà để khỏi phải làm phiền gia đình anh Thành”. Căn nhà cấp 4 của anh Thành chỉ rộng chừng hơn 70m2 nhưng có đến ba hộ đến ở nhờ, cộng với số nhân khẩu trong gia đình anh Thành là gần hai chục người. Anh Thành xởi lởi: “Bà con mình đi tránh lũ rất khó khăn, mình phải tận tình giúp đỡ họ, tình làng nghĩa xóm mà!”.


Chuyến hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên đã kịp thời đến cứu trợ bà con thôn Phước Giang, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà (Phú Yên)

Nhà cụ Nguyễn Thị Dư (76 tuổi) ở thôn Phước Long trong những ngày mưa lũ cũng trở nên đông đúc hẳn. Lũ trẻ nghịch ngợm, khóc càng làm căn nhà thêm náo động. Cụ Dư tâm sự: “Hễ mùa mưa đến, người dân Phước Giang lại cực khổ, chạy đôn chạy đáo tránh lũ. Khi chính quyền xã di tản dân đến, tôi đã nhận hai hộ về ở cùng, mọi chuyện ăn ở tôi lo tất. Nhà của họ ngập nước nên người ta mới sang ở nhờ, chẳng lẽ mình cứ để mặc kệ họ cho chính quyền lo sao? Mọi người cùng chia sẻ một ít để giúp họ vượt qua khó khăn!”.

Mặc dù, “ốc đảo” Phước Giang không có thiệt hại về người do chính quyền địa phương đã di dời kịp thời hầu hết người già, phụ nữ và trẻ em lên vùng an toàn trước lũ, nhưng hiện những người dân ở đây đang đối mặt với những khó khăn do thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt, chỗ ở... Mai đây họ không biết sống ra sao khi ruộng và hồ tôm đều bị cơn lũ phá huỷ hoàn toàn?

** Dưới đây là những hình ảnh PV Thanh Niên Online ghi nhận trong đợt cứu trợ đồng bào lũ lụt tại Phú Yên của đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên vào ngày 7.11:



Cứu trợ cho những gia đình có người bị chết trong đợt lũ ở Phú Yên


Nỗi đau vẫn còn hằn trên khuôn mặt những người thân có người bị chết trong lũ dữ

 
Chuyển hàng cứu trợ đến đồng bào bị chia cắt nhiều ngày trong lũ


Người dân cũng đông lòng cùng chuyển hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên lên ghe


Vượt dòng nước ngược đến cứu trợ cho "ốc đảo" Phước Giang, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú yên 


Sau nhiều ngày thiếu lương thực, thực phẩm, bà con thôn Phước Giang đã đến rất đông để nhận hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên


Bà cảm ơn Báo Thanh Niên!


Nhiều ngày bị cô lập do lũ, chuyến hàng cứu trợ đã rất kịp thời đến với bà con vùng lũ


Bà già hớn hở ra về sau khi nhận hàng cứu trợ


Các em học sinh cũng vui mừng với chuyến hàng cứu trợ đầy ý nghĩa

Đ.H - C.N

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.