Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 8: Những tờ giấy lạ lùng

12/10/2006 00:56 GMT+7

Như đã nói, vào Sài Gòn ông Ba Châu vừa tạo bình phong vừa tổ chức lại mạng lưới. Việc đầu tiên là ông liên lạc với ông Huỳnh Văn Đính (Bảy Kiên).

Ông Bảy Kiên trước là Tỉnh ủy viên Biên Hòa sau đó là Ủy viên Hội đồng cung cấp tiền phương do ông Hai Xô làm chủ tịch. Sau khi ông Dân Sanh bị bắt năm 1967, ông Bảy Kiên được cử vào Sài Gòn năm 1968, nhiệm vụ là gây dựng cơ sở trong người Hoa để nối lại hoạt động. Nhưng vì ông Bảy Kiên vào Sài Gòn bằng giấy tờ giả, nên phải loay hoay tạo giấy thật mất một thời gian dài.

Ông Ba Châu kể, chuyện ông Bảy Kiên gian nan lắm. Làm giấy thật ở Sài Gòn không được, ông phải nhờ một cơ sở người Hoa đưa lên Ban Mê Thuột. Tại đây ông Bảy Kiên đã phải giả điên và phải đút lót một số tiền lên tới 400 ngàn đồng (tỷ giá lúc đó 118 đồng/USD) mới làm được căn cước thật. Có giấy tờ rồi, ông Bảy Kiên về Sài Gòn đi bỏ mối cà phê, đầu tiên lấy công, dần dần thành chủ mối. Kế đó ông xuống Bình Thới lập trại heo, cũng làm chủ. Cái trại heo này là nơi ông Ba Châu thường đến, ông Mười Phi vào Sài Gòn cũng đến đây.

Ông Ba Châu vào Sài Gòn mới bắt đầu hướng dẫn ông Bảy Kiên "làm FM". Trong thời gian này, ông Mười Phi đã tổ chức một đầu mối làm FM khác ở Sông Tiền do ông Năm Tấn chịu trách nhiệm, nhưng vì các thương nhân phải mang tiền đến tận biên giới nên khối lượng không nhiều. Trước đó ông Ba Dũng cũng tổ chức làm AM dọc biên giới bằng nhiều cách. Nói chung, việc cung cấp tiền được tổ chức rất linh hoạt, không cách này thì cách khác, không để gián đoạn.

Lúc này, với hai đầu mối làm FM song song, phía biên giới do ông Mười Phi chỉ đạo trực tiếp, tại Sài Gòn do ông Ba Châu phụ trách. Hằng tháng, Ban Kinh tài tham mưu cho Trung ương Cục kế hoạch chuyển tiền. Kế hoạch này được giao cho Ban Tài chính đặc biệt thực hiện.

Thông qua các cơ sở trong người Hoa, nhóm ông Bảy Kiên móc nối làm ăn với các "đại gia" trong giới thương nhân người Hoa. Đó là những người buôn bán lớn, có quan hệ làm ăn với nước ngoài và có cảm tình với cách mạng.

Tiền được mua bán dứt điểm từng chuyến. Sau khi thỏa thuận hợp đồng, thống nhất tỷ giá (tính tỷ giá chợ đen), thống nhất phí (cao hay thấp tùy theo việc chuyển tiền khó hay dễ), bên thương nhân giao tiền Sài Gòn cho cách mạng trước. Số tiền giao nhận mỗi đợt thường là hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Việc giao nhận tiền Sài Gòn cũng rất linh hoạt. Khi thì ông Năm Đậu đưa xe thẳng xuống Chợ Lớn nhận tiền chở về Suối Sâu, từ đó chuyển về Trung ương Cục. Khi thì thương nhân mang tiền đến chân núi Bà Đen. Tại đây họ thuê những người làm ruộng vác tiền qua Vườn Mít, ở đó Ban Tài chính bố trí người nhận. Cách này thương nhân chịu mọi chi phí và chịu mọi rủi ro bất trắc. Phía cách mạng chỉ thanh toán theo số tiền thực nhận, nếu mất thương nhân chịu, nếu thiếu thương nhân phải bù. Mỗi lần chuyển tiền, thương nhân sẽ giao cho người nhận một tờ giấy để người nhận tiền kiểm chứng. Những tờ giấy đó đến giờ ông Ba Châu vẫn còn giữ và ông đã đưa cho tôi xem, chúng được viết bằng chữ Hoa... (xem ảnh bên trên).

Sau khi nhận đủ tiền mặt, người của ông Ba Châu giao cho thương nhân một tờ séc. Đây không phải là một tờ séc thường mà là một tờ séc rất đặc biệt. Đó chỉ là một tờ lịch gỡ ra trên cuốn lịch treo tường, những thông tin tên người nhận tiền và số tiền được quy ước theo những con số ngày, tháng, năm ghi trên tờ lịch, rồi thêm con số mật mã, ghi thành một dãy số như số điện thoại ngay trên tờ lịch đó. Tóm lại, tờ séc là một tờ lịch bình thường có ghi kèm vào một số điện thoại, đó chỉ là những mã số chứ không phải là số điện thoại thật. Nếu bị bắt, nhìn vào tờ lịch này không ai có thể thấy nó có một chút giá trị nào. Thế mà hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu đô la Mỹ đã được chuyển bằng những tờ lịch vô giá trị đó.

Thương nhân sẽ cầm tờ séc này sang một ngân hàng ở Hồng Kông. Đây là một ngân hàng đặc biệt do một nước bạn thiết lập để giúp ta "chế biến" tiền viện trợ và nước bạn cũng cử các chuyên viên tiền tệ rất giỏi giúp ta thực hiện "nghiệp vụ thanh toán đặc biệt" này. Người cầm séc sẽ nói một mật khẩu được quy ước từ trước. Nếu đúng mật khẩu, ngân hàng chuyển tiền. Thương nhân có thể yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của mình, hay chuyển tiền vào tài khoản nào đó, việc này hoàn toàn do ngân hàng tại Hồng Kông và thương nhân thỏa thuận. Hai bên sẽ lập các chứng từ hợp pháp để thanh toán.

Thật là lạ lùng. Tôi hỏi ông: "Vì sao người ta có thể tin mà giao trước cho ta những lượng tiền lớn như vậy?". Trả lời: "Chúng ta buộc phải làm như vậy thôi. Một đồng của cách mạng gắn liền với xương máu. Chúng ta cũng sòng phẳng, làm ăn đàng hoàng, chưa bao giờ thất tín. Bởi vậy mà họ tin tưởng chúng ta". (Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.