Đôi bờ vai hạnh phúc

14/10/2010 08:46 GMT+7

Dường như tạo hóa đã sắp đặt cho người phụ nữ dù thành đạt, dù mạnh mẽ đến mấy cũng luôn cần có chỗ dựa vững chắc từ phía người chồng. Với truyền thống gia đình Việt Nam, điều này càng thể hiện rõ

Ngày nay, phụ nữ có điều kiện học tập, công tác tốt hơn xưa nên cũng thành đạt hơn xưa, thậm chí thành đạt hơn chồng nhưng không vì thế mà người phụ nữ lại không cần bờ vai của chồng.
  
Vợ phải bảo vệ chồng
 
Cách đây ít lâu, Tuyết, cô bạn thân của tôi nói trong nước mắt: “Tụi mình sắp ly dị. Nếu không sống được với nhau thì đành phải chia tay nhưng buồn nhất là ngay trong lúc mình sắp sinh bé thứ hai...”.
 
Hồi Tuyết lấy Thanh, nhiều người lời ra tiếng vào. Thanh - con nhà khá giả, đẹp trai, còn Tuyết là dân tỉnh, gia đình có điều không vui.
 
Khi Tuyết quen với Thanh, bạn bè đã khuyên: Tuyết mà yêu Thanh người ta sẽ nói Tuyết yêu vì cái mã... Bạn bè nói vậy vì không muốn hai người gắn bó với nhau, thực ra vì Thanh trông... yếu đuối quá!
 
Cả nhóm đi chơi chung với nhau, Tuyết thường xuyên phải bảo vệ Thanh trước sự “tấn công” có chủ đích của đám bạn.
 
Biết bạn bè không thích Thanh nhưng Tuyết nghĩ rằng cuộc sống gia đình sẽ giúp Thanh mạnh mẽ hơn, “đàn ông” hơn. Thậm chí, cô còn tự hào về cái “nam tính” của mình có thể bù trừ cho chồng.
 
Nhưng lấy nhau rồi, cái tính “yếu đuối” của Thanh vẫn vậy. Đến độ, khi gặp bạn bè cũ, Thanh không dám đi cùng vợ vì sợ các bạn chế nhạo, trong khi Tuyết thì ra sức thanh minh cho chồng, nào là “ảnh bận lắm”, “ảnh vậy chứ ở nhà thì cưng vợ hết ý”...
 
So với nhiều bạn, Tuyết có vẻ may mắn: Lấy chồng thành phố, có nhà cao cửa rộng, được gia đình chồng giới thiệu chỗ làm tốt... Mọi người tưởng là Tuyết được sống sung sướng nhưng thực ra cô gần như phải tự nuôi mình.
 
Ngay cả khi đi sinh con, cô nói dối với Thanh là không mang tiền theo, vậy mà Thanh vẫn chờ cho bằng được lúc vợ đóng xong viện phí mới chịu về. Tưởng Thanh “ki bo”, hóa ra khi tìm hiểu, Tuyết mới biết Thanh nghe lời của các anh chị, không dám giao tiền cho vợ vì sợ vợ... đem cho gia đình bên mình!
 
Tuyết cay đắng nói: “Thực ra mình làm ra tiền đâu có ít! Thậm chí mình còn có tiền để cho cha mẹ chồng mượn để làm ăn. Nhưng trong con mắt của Thanh, mình như kẻ sống bám!”.
 
Bi kịch ngày càng trầm trọng hơn khi công việc của Tuyết có nhiều sự cố. Thay vì động viên, an ủi vợ, Thanh bỏ mặc, cứ đi sớm về muộn.
 
Đứa con đầu may là con trai nên được ông bà nội cưng chiều hết mực nhưng không vì thế mà gia đình Thanh quý trọng nàng dâu. Tuyết gần như lạc lõng trong gia đình chồng. Nhiều lúc cô chỉ biết ôm con mà khóc.
 
Khi chồng là con một
 
Ngày Vân lấy Bằng ai cũng tấm tắc khen. Cả hai đều đã là thạc sĩ, đang làm việc ở những cơ quan nhiều người mơ ước, gia đình hai bên môn đăng hộ đối... Trong 5 năm, hai vợ chồng sinh liền một trai một gái. Thế nhưng bây giờ Vân bảo nhiều lúc không muốn về nhà vì không muốn gặp mẹ chồng và cũng tránh mặt cả chồng.
 
Bằng là con một, nên cưới xong, Vân phải về ở bên gia đình chồng. Có sống chung, vợ chồng mới phát sinh nhiều điều khác biệt: Vân là chị cả nên mạnh mẽ, quyết đoán, trái lại Bằng thì ỷ lại và luôn nghe lời mẹ. Ban đầu là những việc vặt vãnh, Vân coi như chưa quen nhưng dần dà, hầu như việc gì cũng thấy mâu thuẫn.
 
Vân than thở: “Ngay cả đến việc dạy con, mình cũng không có quyền. Lúc nó nghịch quá mình lớn tiếng la thì mẹ chồng lại bảo: Không biết cháu tao giống ai mà lì vậy, cha nó hồi nhỏ ngoan lắm mà!”.
 
Mới đây, Vân muốn chuyển chỗ làm nhưng cứ phân vân. Mấy lần định đem chuyện này hỏi chồng thì Bằng gạt đi: “Chuyện đó của em, anh sao tính được. Thấy chán thì em cứ ở nhà giữ con, anh đi làm cũng đủ nuôi cả nhà mà!”.
 
Vân nhớ lại lần đầu tiên nghe chồng nói bằng thái độ thờ ơ đó khi cô định tâm sự một vấn đề khó khăn thì cô phải khóc thầm nhiều ngày. Còn bây giờ, Vân bảo: “Riết rồi cũng quen. Ảnh thích nghe lời mẹ hơn là nghe vợ nói, thích xem phim hơn là trò chuyện với vợ, đôi lúc Vân còn nghĩ thà cứ vậy, việc mình mình cứ làm khỏi sinh cãi vã phiền phức. Chỉ có điều lo là các con sẽ có tính ỷ lại, dựa dẫm giống cha nó...”.
 
Cần lắm bờ vai
 
Người chồng người cha trong nhà là “rường cột”, là “nóc”; rường cột mà yếu thì nhà sập, nóc hỏng thì nhà dột. Vì vậy, nhiều phụ nữ sẵn sàng chịu lép vế trước chồng để ở nhà giữ con, làm hậu phương cho chồng phát triển sự nghiệp, xét sâu xa, đó cũng là tâm lý tìm bóng “tùng quân” che chở của người đàn bà.
 
Bờ vai, không chỉ là sự bảo vệ, che chở, động viên người vợ lúc khó khăn, lúc yếu mềm mà còn thể hiện tình cảm đồng cam cộng khổ sâu sắc.
 
Trên thực tế, đôi khi người chồng có bờ vai “nhỏ” quá thì không phải lúc nào cũng là bi kịch. Người vợ cần động viên, tạo điều kiện để “phát huy” vai trò của chồng trong gia đình. Xét cho cùng, không ai sinh ra đời để bảo bọc người khác hay chỉ để người khác che chở, mà phải có sự thích ứng.
 
Ngược lại, cũng có không ít trường hợp bờ vai của chồng hoàn toàn lấn át vai trò, sự độc lập, tự chủ của vợ. Vì vậy, trong quan hệ vợ chồng, mỗi người luôn đóng vai trò một bờ vai cho người kia. Điều quan trọng là phải sử dụng bờ vai đó đúng nơi đúng chỗ trên tinh thần yêu thương, tôn trọng và chia sẻ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.