“Đặc sản” từ đâu ra?

19/10/2009 14:21 GMT+7

Các loại “đặc sản” được chế biến từ chân, cánh gà, tim, gan, dồi trường, pín... gia súc, gia cầm phần lớn là hàng nhập khẩu giá bèo

Gần đây, thông tin về nhiều loại thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm vệ sinh bị cơ quan chức năng phát hiện, được các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục. Thế nhưng, tại TPHCM các món “đặc sản” được chế biến từ các sản phẩm loại này vẫn đắt hàng.

Quán lề đường cũng có “đặc sản”

Ông Ngọc, một trong những người chuyên phân phối các loại phủ tạng gia súc, gia cầm tại TPHCM, cho biết: Các loại tim, gan, phèo, phổi, dồi trường, cật, lá lách, pín gia súc, gia cầm cũng như các loại chân, cánh gà hiện nay được tiêu thụ rất mạnh. Không chỉ được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn bình dân bằng các món ăn “đặc sản” mà nay những loại này đang có mặt tại các quán cóc vỉa hè.

Quán sang, uy tín chút đỉnh thì chọn mua nguyên liệu trông còn tươm tất. Quán thường thường bậc trung và nhất là quán vỉa hè, lề đường thì cỡ nào cũng mua, miễn là tiền nào của nấy. Theo ông Ngọc, hiện thị trường các tỉnh cũng đang rất hút các món “đặc sản” này.

Lượng hàng tồn kho còn khá lớn

Trước tình trạng sản phẩm đông lạnh nhập khẩu bát nháo, Cục Thú y đã có quyết định cấm nhập khẩu các loại phủ tạng trắng như thố linh, dồi trường, pín. Còn các loại phụ phẩm màu như tim, cật, gan vẫn được phép nhập bình thường.

Giới kinh doanh cho biết những loại phủ tạng trên trước khi xảy ra sự cố vừa qua, mỗi tháng nhập về trên 500 tấn nhưng gần đây, thị trường có phần sụt giảm nên lượng hàng nhập về cũng giảm theo. Tuy nhiên, lượng hàng tồn tại các kho lạnh còn rất lớn (kể cả phủ tạng trắng), có thể tiêu thụ trong nhiều tháng nữa cũng chưa hết.

Bà Bùi Tuyết Lan, chủ một điểm bán chân, cánh gà nướng ở quận Phú Nhuận- TPHCM, cho biết các điểm bán loại “đặc sản” này đang mọc lên như nấm sau mưa, cạnh tranh nhau quyết liệt. Chưa lúc nào các nhà hàng, quán ăn lại dễ tìm mua thực phẩm giá rẻ như hiện nay. Chỉ cần mở quán là có cả chục người đến tiếp thị cung cấp hàng nguyên liệu với đủ loại giá.

Dạo một vòng qua nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận... chúng tôi ghi nhận các điểm bán gà nướng (nhiều nhất là chân và cánh gà) nhan nhản khắp nơi, thậm chí có nhiều tuyến đường tập trung cả chục điểm bán, người bán tiếp thị bằng cách bê cả lò nướng ra vỉa hè.

Điểm bán nào cũng trương bảng là bán gà ta nhưng giá bán chỉ trên dưới 80.000 đồng/kg gà nguyên con (thậm chí có nơi giá chỉ 60.000 đồng/kg); chân gà từ 5.000 đồng- 6.000 đồng/cặp, cao hơn là 10.000 đồng/cặp.

Ông Thành, một người chuyên nướng chân gà, cánh gà thuê cho một quán trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), nói: “Mấy món này một vốn bốn, năm lời. Chỉ cần có vốn thuê mặt bằng, tốn thêm ít tiền sắm cái lò nướng là... sống khỏe.

Nguyên liệu thì có người mang đến bán tận nơi. Có tiền thì trả ngay, chưa có tiền thì ghi nợ trả sau. Nguyên liệu ngon, dở cỡ nào cũng được, cứ tống gia vị vào tẩm ướp rồi nướng kỹ là thơm phức, bán đắt như tôm tươi”.

Bất chấp sức khỏe cộng đồng

Giới kinh doanh hàng đông lạnh nhập khẩu cho biết các loại “đặc sản” trên phần lớn đều là hàng ngoại nhập.

Qua tìm hiểu cho thấy giá nhập khẩu các loại phủ tạng gia súc, gia cầm như gan, dồi trường, thố linh khoảng 320 USD-360 USD/tấn (khoảng 6.000 đồng - 7.000 đồng/kg); tim heo, gà từ 450 USD - 500 USD/tấn (khoảng gần 10.000 đồng/kg). Ngay cả mặt hàng pín dê, trâu, bò giá cũng chỉ từ 300 USD- 400 USD/tấn. Mặt hàng cánh, chân gà nhập khẩu từ các nước Đông u giá cũng chỉ 300 USD- 500 USD/tấn...

Trong khi tại chợ Hòa Bình (TPHCM), mặt hàng pín dê trong nước có giá bán khoảng 200.000 đồng/kg. Còn tại các siêu thị TPHCM, giá chân gà của các cơ sở giết mổ trong nước hơn 40.000 đồng/kg.

Theo giới chuyên môn, những mặt hàng “đặc sản” trên rất dễ bị nhiễm khuẩn, gây hại cho người sử dụng. Không ít trường hợp, ở nước ngoài, người ta đã cảnh báo về chất lượng nhưng vẫn được nhập về như lô hàng pín dê, mảnh dê của một công ty ở quận Tân Bình nhập từ Úc.

Sau khi hàng về, cơ quan thú y TPHCM phát hiện ngay trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất (nước xuất khẩu) đã có thông tin cảnh báo: “Không sử dụng cho người, không ăn được” nhưng hàng vẫn nhập khẩu trót lọt để bán ra thị trường cho người sử dụng.

Đầu tháng 10 vừa qua, cơ quan thú y huyện Bình Chánh phát hiện tiếp 72 tấn chân gà của Công ty VM (nhập từ Ba Lan) trong đó có nhiều thùng chân gà bốc mùi hôi thối, tím đen. Một lô hàng dồi trường trên 60 tấn của Công ty VP bị nhiễm khuẩn cũng vừa bị cơ quan thú y ra quyết định cấm tiêu thụ ra thị trường...

Theo Nguyễn Hải / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.