Nuôi cá sạch - lối thoát các “rào cản” xuất khẩu

02/11/2005 22:26 GMT+7

Giá cổ phiếu Agifish hai tháng nay liên tục tăng từ dưới 30.000 đồng lên dần đỉnh điểm hơn 42.000 đồng/cổ phiếu. Điều gì đang xảy ra khi thị trường cá tra, basa đang chao đảo, gây thua lỗ, phá sản cho người nuôi và cả nhà chế biến thì một công ty chuyên xuất khẩu loại cá này giá cổ phiếu lại tăng, mà tăng cao chưa từng thấy?

Trước nay, do ta chưa có chiến lược ngành hàng nên con cá da trơn VN chưa trở thành ngành hàng chiến lược mà đáng lý nó phải như vậy. Việc đánh bắt trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, tôm sú thì nhiều quốc gia cạnh tranh và ăn nhiều cũng dễ "ngán" hơn cá. Trong khi đó, cá tra dễ nuôi, dễ tăng sản lượng, dễ kiểm soát hóa chất, kháng sinh, vi sinh và đặc biệt VN là nơi đang cung cấp sản lượng lớn nhất. Mới đây (từ ngày 24 - 27/10) tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị tôm toàn cầu 2005, tuy chuyên đề về tôm nhưng hội nghị cũng dành cho VN một ngoại lệ là được trình bày những vấn đề có liên quan đến cá tra, basa... Vị thế là vậy, vậy vì sao vừa qua thị trường trồi sụt, người nuôi lao đao? Đáng buồn hơn là cá basa ngon hơn nhiều so với cá tra, 20 năm trước chỉ có nó mới xuất khẩu được (chứ không phải cá tra) nhưng do cách "làm ăn" của ta hình như đã khai tử một giống loài quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho con người! Nhờ có cá basa mà cá tra ăn theo, rồi thay tên nó chiếm thị trường. Thật là "tình chị duyên em" quá nghiệt ngã! Nhưng nếu sớm tỉnh ngộ và chấn chỉnh lại công tác quản lý, tổ chức sản xuất và thị trường thì chẳng những cá tra trở thành mặt hàng chiến lược xuất khẩu mà cá basa cũng tìm lại được thị trường của nó.

Sản phẩm có thị trường là điều kiện tiên quyết. Cá basa, cá tra An Giang lần đầu tiên và lần lượt xuất sang các nước lân cận đến nay tròn 20 năm. Hai thập kỷ cực khổ mới có thương hiệu. Chúng ta đừng quá quan ngại các rào cản của thị trường, kể cả thuế chống phá giá. Rào cản nào cũng sẽ có lối thoát. Lối thoát rào cản thì ở đây không đề cập vì đó là chuyện làm ăn, việc đề cập ở đây là tổ chức lại sản xuất và nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học phải bắt chặt tay, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Agifish là công ty xuất khẩu cá basa, cá tra có thâm niên và cũng là công ty đầu tiên của tỉnh tổ chức CLB 20 ngàn tấn theo QĐ 80/TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa nâng lên thành Liên hợp sản xuất cá sạch Agifish. Trong Liên hợp, công ty - nhà máy chế biến là trung tâm, hạt nhân. Các chủ trang trại liên kết lại từng nhóm, mỗi nhóm (hoặc chủ trang trại) có từ 5-12 ngàn tấn, mỗi thành viên trong nhóm phải có từ 500 tấn trở lên; có sự hướng dẫn, giám sát của nhà quản lý chất lượng SGS tạo thành một quy trình khép kín từ khâu sản xuất giống đến cung cấp giống, chế độ dinh dưỡng, chất lượng nước (môi trường), thuốc trị bệnh đến hoạt động sản xuất, chất lượng của nhà máy. Toàn bộ được đưa vào hệ thống quản lý vi tính. Khách hàng được quyền kiểm tra tất cả các khâu trước khi ký hợp đồng mua sản phẩm. Năm nay, công ty có 50 ngàn tấn nguyên liệu sạch. Sang năm 2006 sẽ có trên 100 ngàn tấn...

Trong mô hình sản xuất "cá sạch", những ngư dân nghèo có quy mô 5-7 chục tấn, ở những vùng nước đạt chất lượng (chứ không phải ở bất kỳ đâu) tất nhiên phải liên kết lại thành HTX hoặc nhóm sản xuất, có đầu mối quản lý, chỉ đạo và kiểm tra chất lượng cá nuôi, thực hiện các giao dịch với các công ty. Những nơi không có điều kiện môi trường tốt thì phải tìm thị trường khác, nhất là thị trường trong nước, mà thị trường trong nước cũng không phải hẹp. Tất cả ngư dân dù sản xuất lớn hoặc nhỏ, đều phải đi học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã và đang hợp tác với SGS tổ chức mở lớp và cấp chứng nhận. Từng nhóm trong Liên hợp, thậm chí từng hầm cá cũng phải được chứng nhận là đủ điều kiện để nuôi cá sạch.

Với sự quản lý khắt khe của các nước nhập khẩu, những nhà nhập khẩu một thời "đục nước béo cò" nhờ sự chưa từng trải của doanh nghiệp và công tác quản lý của VN nay sẽ không còn làm ăn theo cách cũ và doanh nghiệp nào của VN xuất khẩu theo kiểu "nhất thời" như xưa sẽ còn rất ít cơ hội.

Mô hình tổ chức lại sản xuất của Agifish là sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò "bốn nhà" ở đây rất rõ, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, hạt nhân của mô hình sản xuất như: Vinamilk (TP.HCM), nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hóa), công ty rau quả Antesco (An Giang), công ty mía đường Hậu Giang... mà chúng ta biết đã có sự liên kết "bốn nhà" khá thành công. Phía trước còn dài nhưng với đội hình đã được tổ chức lại, nhất định Liên hợp sản xuất cá sạch Agifish sẽ hội nhập thành công, góp phần đưa ngành sản xuất và chế biến cá tra, basa lên quy mô công nghiệp và hiện đại, thành mặt hàng chiến lược của ngành thủy sản VN.

Nguyễn Minh Nhị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.