Vẫn còn được sống - Kỳ 3: “Diễn” kịch đời mình

12/11/2010 08:58 GMT+7

Mới chớm mùa đông, Nghiêm Thị Lan đã mặc gọn chiếc áo len màu đỏ, cười giòn tan như nắng để đón mọi người muốn nghe chuyện đời mình. Chín năm nhiễm HIV, năm năm kể chuyện sự sống của mình để mang niềm tin cho người khác, Lan háo hức khi thế giới thay đổi vì chính cô thay đổi. >> Kỳ 2: Trả ơn cuộc đời >> Kỳ 1: Tổ ấm của hai mảnh hồn lạc

Giữ sự sống cho con

Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 2001, năm nay học lớp 4, người dong dỏng cao như mẹ Lan. Khách đến nhà cu cậu khoanh tay chào, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của người xa lạ một cách nhẹ bẫng. Mới 4-5 năm trước đây, cậu bé đáng yêu này lúc nào cũng bị mọi người xua đuổi.

Năm 2001, chị Nghiêm Thị Lan lấy chồng ở thôn Kim Thịnh, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Chồng Lan cũng là con trai người bạn thân của cha mẹ. Hai người yêu nhau, thuận tình mà cưới.

 Bất hạnh đến ngỡ ngàng cũng như hạnh phúc. Lan phát hiện chồng chị đã nghiện ma túy trong những ngày đi Quảng Ninh từ nhiều năm trước. Chỉ hai năm sau, tháng 5-2003, chồng Lan mất vì AIDS. Tuấn Anh còn bé xíu trên tay mẹ đã phải cai sữa vội vàng trong sự hoảng loạn của mẹ.

Lan hi vọng hão huyền vào đứa con bé bỏng mình vừa sinh ra. Nhưng khi đủ 18 tháng tuổi, Lan nhận kết quả xét nghiệm cháu chịu chung số phận của bố mẹ.

Có những ngày Lan hoảng loạn đến mức đem vứt bỏ hết quần áo của mình, vội vàng khoác lên những bộ cánh mới tinh vì “sắp chết rồi, mặc cho hết đi!”. Lan cắt đứt hết quan hệ bạn bè, bỏ hẳn công việc. “Lúc đó nghe HIV là thấy xa vời lắm, tôi nghĩ chắc không phải mình, quyết không phải mình”.

Lan tìm đến nhóm Vì ngày mai tươi sáng ở Thái Bình khi cô bắt đầu sử dụng thuốc điều trị cho con. Cũng ở khúc quanh này của đời, lần đầu tiên Lan quên đi cảm giác chờ chết vì bị nhiễm HIV. Cô chăm chú tìm hiểu để giữ sự sống cho con mình.

Khi Tuấn Anh đi học mẫu giáo, nhiều phụ huynh tuyên bố nếu con Lan đi học thì họ cho con mình nghỉ hết. Cả thầy cô trong trường cũng quyết không nhận thằng bé. Lan tìm cách thuyết phục nhà trường cho thằng bé đi học. Tuấn Anh được đến trường nhưng vẫn không được cho ăn, cho uống cùng với các bạn. Mỗi trưa Lan phải quày quả đón con về. Tuấn Anh cũng không có bạn.

Có lần Lan thấy con trai thèm thuồng nhìn bạn ăn bữa quà vặt buổi chiều mà thầy cô không cho ăn, lòng người mẹ quặn đau. Cô nói với thầy cô: “Cái bánh, cái đậu thì mỗi đứa một cái, có lây được bệnh đâu”, cô giáo mới chịu cho cháu ăn chiều cùng bạn, nhưng quyết không cho thằng bé uống nước ở trường. Lan đưa con đi học là phải xếp bình nước theo cho cháu.

Không thể chịu đựng được cảnh con trai bị mọi người xung quanh hắt hủi, cô đề xuất ý kiến tổ chức các buổi tuyên truyền ở địa phương.

Vào thời điểm đó Lan vẫn làm phát thanh viên cho cái đài nhỏ ở xã. Có một cuộc truyền thông về HIV, Lan ngỏ lời xin đoàn về xã Quang Bình nhà mình để nói chuyện một buổi tối.

Lan tập huấn cho các thầy cô giáo ở địa phương về HIV và cách phòng tránh. “Tôi thắc mắc và cho rằng nên có tập huấn cho các thầy cô giáo, cả ở tiểu học và trung học. Mầm non lại càng cần thiết. Không phải cô giáo nào cũng hiểu”.

Ngay sau đó tỉnh có những chương trình mời các thầy cô ở trường học trong khu vực trọng điểm có HIV về tập huấn. Trong nhiều buổi như thế, phụ huynh có con em nhiễm HIV cũng được mời đến. Lan nói chuyện và đối thoại với những bậc cha mẹ và cả những thầy cô đã tìm cách đẩy con trai cô khỏi trường học.

Lan kể chuyện của mình, nói về hoàn cảnh của mình, nói về căn bệnh AIDS. Ánh mắt buồn và hình dáng gầy nhom cô đơn của con trai Tuấn Anh làm cô không ngừng lại. Cô căng mình ra như tấm lá chắn để che chở đứa con.

Tuấn Anh được ăn ở và chăm sóc như những đứa trẻ bình thường tại trường.

“Cháu diễn đời cháu đấy!”

Khi đã yên tâm về con trai cũng là lúc Lan nhận ra mình gắn bó quá nhiều với công tác tuyên truyền cho người nhiễm bệnh. Lan tham gia Câu lạc bộ Hương Lúa, nhận 550.000đ/tháng để đi diễn khắp 20 xã huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Bình. Những vở kịch câu lạc bộ dàn dựng là những tiếng khóc thầm của phận người nhiễm HIV.

Nhiều đêm thắp đèn sân khấu tù mù ở một làng miền núi xa xôi, Lan và mấy cô bạn trong vở kịch làm người già người trẻ bật khóc. Có người quên cả sợ bệnh tật, chạy lên sân khấu ôm lấy cô gái đang “diễn” nỗi đau đời mình.

Sau những buổi diễn là những cái bắt tay, nắm tay, có khi là cả buổi được bà con mời về nhà uống nước chè mà không sợ hãi do dự. Vở kịch đi với trò chuyện tương tác của nhóm Hương Lúa đã tạo cơ hội cho bà con hiểu chi tiết về HIV, về lây nhiễm, về săn sóc người bệnh.

Có lần Lan đưa cả mẹ chồng đi xem diễn ở làng. Người ác miệng bảo mấy cô diễn là cán bộ khung, giả làm bệnh nhân HIV diễn thế thôi. Chính lúc ấy mẹ chồng Lan ngồi dưới lên tiếng: “Tôi là mẹ chồng cháu. Cháu đang diễn đấy. Cháu diễn đời cháu đấy!”. Người ta càng hiểu về bệnh thì càng tin và thương mấy cô diễn viên lặn lội từ tận xa đến làng chỉ dẫn họ về bệnh tật.

Bây giờ, cả năm Lan đi diễn khắp nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh. Từ người đàn bà chui vào xó ngồi khóc một mình, Lan công khai bản thân trên truyền hình, sân khấu. Lan tự tin hơn khi bố chồng khuyến khích cô phải sống cho mình, khi ông hàng xóm bảo bây giờ người ta trân trọng việc cô làm lắm.

Lan nhẹ lòng khi con trai của cô đã lớn, ý thức bệnh của mình mà tránh cho bạn bè. Cậu bé lúc nào cũng nhớ giờ uống thuốc, biết khi chảy máu phải tự băng để không lây cho bạn.

Thằng bé học bài tuyên truyền cũng từ mẹ ra cả. Cách đây nửa năm, trên truyền hình Thái Bình có chuyên mục “Nỗi đau chung”, người ta thống kê số người tử vong trên số người nhiễm HIV, thằng bé ngồi trước tivi rồi bảo mẹ: “Mẹ ơi, còn thiếu. Ở đây còn hai ca nữa!”. Sao lại còn hai ca? “Mẹ một ca, con một ca, chẳng hai ca là gì. Nhưng bây giờ chẳng sao nữa mẹ ạ. Mình cứ uống thuốc vào, con vẫn đi học, vẫn được điểm 10”. Nghe thằng bé nói mà Lan trào nước mắt.

Lan xoa đôi tay lạnh cóng rồi trầm ngâm nói: “Một vết bỏng, nhưng người nhìn vào vết bỏng thì chỉ biết là nó rất đau, rất rát, người ta không thể biết đau rát cỡ nào như chính người đang bị bỏng. Người ngoài chỉ có thể xuýt xoa nhìn thấy thôi. Chỉ những người như chúng tôi mới có thể hiểu được những mất mát đau thương của người trong cuộc” - cô khẽ khàng cười, ôm chặt đứa con trai cao dong dỏng vào lòng.

Mùa đông của họ năm nay chắc đã bớt lạnh rồi...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.