Nghệ thuật quản trò

08/10/2010 20:50 GMT+7

Người quản trò được ví như một nhạc trưởng, phải hiểu rõ mỗi nhịp trong bản nhạc cùng tài nghệ lẫn thiếu sót của các nhạc công để có thể thực hiện một bản hòa tấu du dương.

Đinh Phương Thảo - thành viên diễn đàn Olympian, chia sẻ: “Mình thường tham gia các buổi sinh hoạt, giao lưu giới trẻ, nhưng mỗi khi chuẩn bị tổ chức lại thấy lúng túng. Nếu lặp lại những trò chơi quen thuộc thì rất dễ nhàm chán, còn nghĩ ra những trò mới thì hơi... bị khó. Làm sao để hấp dẫn mọi người tham gia lại có thể dễ dàng tổ chức? Đó là câu hỏi mà việc tìm ra lời giải không dễ. Nhất là kỹ năng của người tổ chức, quản trò phải bao quát và làm chủ được chương trình để tất cả mọi người đều có thể hòa đồng”. Còn Thanh Bình - thành viên Action Club (AC), câu lạc bộ chuyên tổ chức các trò chơi tập thể, thì cho rằng: “Chơi tập thể không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn giúp người chơi gắn kết đồng đội, xây dựng các kỹ năng mềm. Nội dung trò chơi hay hoặc người chơi tham gia nhiệt tình nhưng quản trò lại không biết cách tổ chức thì cuộc vui chơi tập thể sẽ kém phần hấp dẫn và khó thành công”.

 
 Người quản trò phải biết cách bắt đầu cuộc chơi một cách dí dỏm, hấp dẫn - Ảnh: C.T.V

 Từ đó có thể thấy, người quản trò không chỉ biết áp dụng trò chơi mà còn phải suy nghĩ, tìm ra những trò chơi phù hợp với thể trạng, trình độ, môi trường của các thành viên. Biết bắt đầu cuộc chơi một cách dí dỏm, hài hước, hấp dẫn; điều hành trò chơi một cách linh hoạt, thông minh cũng như dự kiến những tình huống bất trắc và xử lý tình huống hợp lý. “Người quản trò còn là người vạch kế hoạch, điều phối viên, chuyên viên điều tra và phân bổ nguồn lực, chuyên viên thẩm định và giám sát, là thành viên thực hiện công việc, nhà ngoại giao, nhà cố vấn, chuyên gia và huấn luyện viên của đội nhóm”, ông Huỳnh Văn Toàn - Trưởng khoa Kỹ năng huấn luyện trường Đoàn Lý Tự Trọng TP.HCM, nhận xét.

 Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hoàng Sa - Trưởng phòng Thể dục thể thao, kỹ năng thực hành xã hội Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, thì: “Quản trò không chỉ dừng lại trong các trò chơi tập thể thể hiện tinh thần đồng đội mà còn mang lại những giá trị kinh tế không nhỏ khi thông qua việc vui chơi, các cá thể trong một tập thể được nâng cao kỹ năng giao tiếp, học hỏi được cách thức làm việc chung, cùng hướng đến mục tiêu chung của tổ chức, tăng cường sự hiểu biết, phối hợp nhịp nhàng, xử lý các tình huống và đạt hiệu quả cao trong công việc”. Cũng theo bà Sa, nghệ thuật quản trò nằm ở chỗ biết khai thác các giá trị mà trò chơi mang lại, đồng thời nghiên cứu một cách sâu sắc những giá trị đó đối với đời sống sinh hoạt tập thể của thanh niên. Người quản trò phải biết khai thác các giá trị đó một cách tuần tự, phải tự rèn luyện hoàn thiện mình ở lĩnh vực chức năng, ở cách sống để có thể gần gũi, tác động đến thanh niên từ những trò chơi đa dạng, vừa sức.

Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.