Học... chạy

18/11/2010 00:53 GMT+7

Tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất ở các trường ĐH-CĐ khiến sinh viên (SV) phải chạy nhiều cơ sở để học trong một ngày.

Động não để... tìm đường ngắn nhất

Học kỳ này, trong ngày thứ sáu, nhiều SV khoa Luật Hành chính trường ĐH Luật TP.HCM phải di chuyển 3 địa điểm khác nhau. Từ 6 giờ 40 đến 9 giờ 5, học thể dục tại Sân vận động Quân khu 7, Q.Tân Bình. Từ 9 giờ 15 đến 11 giờ 40, học Tiếng Anh ở cơ sở Nguyễn Tất Thành, Q.4 (từ Tân Bình về quận 4 khoảng 20 km, mất khoảng 30 phút di chuyển nếu không kẹt xe). Đến 12 giờ 30 phút lại phải chạy qua cơ sở Tân Thuận Đông, Q.7 để học tiếp môn Tin học.

SV Trần Hồng Ngọc, ngành Kế toán trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng gặp tình cảnh tương tự. Ngọc cho biết trường có 6 cơ sở giảng dạy, lịch học trong tuần của SV rải từ 4 đến 5 nơi. Đây là tình trạng thường xuyên diễn ra ở các trường có nhiều cơ sở khác nhau.

Nguyễn Hồng Nhật, SV ngành Tài chính Ngân hàng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng lịch học trong tuần của SV thường diễn ra nhiều nơi trong số 11 cơ sở của trường tại TP.HCM. Nhật nói thêm: “Lúc nào tụi em cũng trong tư thế sẵn sàng, đầu động não liên tục để tìm đường nào ít kẹt xe nhất, đi thế nào để đến trường nhanh nhất”. 

Không còn cách nào khác

Các trường đều cho rằng do SV đông, cơ sở vật chất thiếu thốn nên buộc phải sắp xếp như thế. Thạc sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Tùy từng đặc điểm môn học mà nhà trường sắp xếp giảng đường. Ví dụ môn Tiếng Anh phải chia SV thành từng nhóm học ở cơ sở có phòng nhỏ. Còn những môn đại cương học ở giảng đường, SV phải chịu khó di chuyển đến những cơ sở có phòng ốc lớn hơn”. Ông Vũ Quý Dương, phụ trách Phòng Quản lý giảng đường và thời khóa biểu trường này cho biết: “Không còn giải pháp nào khác vì phòng học rất thiếu nên bắt buộc phải xếp cho SV học nhiều cơ sở”.

Đề cập việc xếp thời khóa biểu ở nhiều cơ sở khác nhau trong cùng một ngày, một cán bộ Phòng Đào tạo trường ĐH Luật TP.HCM lý giải: “Trường đã tính toán kỹ lưỡng. Môn Thể dục bắt buộc phải học ở xa vì trường không có sân bóng. Học Anh văn thì tại cơ sở quận 4 là tốt nhất”.

Học xong hơn 2 năm vẫn chưa được thi

Việc thiếu phòng ốc không chỉ buộc SV chạy nhiều nơi để học mà còn khiến họ phải học cả cuối tuần. SV Lưu Thị Khuyên cho biết  vẫn phải đi học vào thứ bảy, chủ nhật vì giảng viên kẹt giờ mặc dù thời khóa biểu của trường ĐH Luật TP.HCM có ghi rõ là thứ bảy, chủ nhật được nghỉ.

Thậm chí vì thiếu phòng học nên nhiều môn đã được giảng dạy từ lâu nhưng trường chưa thể tổ chức thi hết môn cho SV.

Theo Trần Ly Lê, SV năm 2, hệ CĐ, ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì thời gian thi hết môn quá lâu, học xong khoảng 4-5 tháng mới thi. Thậm chí có môn học xong hơn 2 năm vẫn chưa được thi. Đó là trường hợp các lớp  hệ CĐ khóa 2007 - 2010, ngành Kế toán cũng của trường này.

Trần Thị Liên, một SV khóa này, cho biết: “Môn Lịch sử Đảng được dạy từ học kỳ II năm 1 nhưng mãi đến năm nay là năm học thứ 3 mà nhà trường vẫn chưa tổ chức thi hết môn. Lớp trưởng đã nhiều lần xin khoa cho được thi vì sợ để lâu, thời gian trôi qua sẽ không còn nhớ gì về bài học”.

Về vấn đề này, ông Phan Minh Vương, cán bộ phụ trách kế hoạch giảng dạy và thời khóa biểu  trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giải thích: “Vì chưa sắp xếp được phòng ốc, nhân sự nên chưa thể tổ chức cho các em thi hết môn được”.

Tuyết Vân - Thanh Quý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.