Học sinh giỏi “chê” các kỳ thi

13/10/2010 22:24 GMT+7

VN đang mất dần vị thế của mình trong các kỳ thi Olympic quốc tế, trong khi đó, học sinh (HS) chuyên cũng không còn thiết tha với các kỳ thi HS giỏi quốc gia.

Tụt hạng thê thảm

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, kết quả dự thi của VN trong 5 năm gần đây có phần chững lại hoặc đi xuống. Trong khi đó, kết quả của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á lại tiến bộ rõ rệt. Năm 2010, VN chỉ đoạt 2 huy chương vàng ở 5 môn, thua xa các nước như Indonesia và Singapore mỗi nước 6 huy chương vàng, Thái Lan 12 huy chương vàng.

Ngay cả môn Toán - vốn là thế mạnh của đội tuyển VN tại các kỳ thi Olympic quốc tế, cũng không nằm ngoài tình trạng trên. GS-TS Hà Huy Khoái, Viện Toán học, chỉ ra rằng: kể từ khi tham gia Olympic Toán quốc tế, đội tuyển VN luôn được xem là một trong những đội mạnh và thường đứng trong top 10 của bảng xếp hạng thành tích toàn đoàn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tương quan giữa thành tích của đội tuyển nước ta với một số nước khác đã có nhiều thay đổi. Nếu như năm 2000 đoàn HS VN đứng thứ 5 thì đến năm 2010 đã tụt xuống thứ 10. Trong khi đó, Thái Lan từ hạng thứ 29 của năm 2000 đã vươn lên hạng 5 trong năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ từ hạng 18 lên 8...

Như vậy, ngoại trừ thành tích cao của năm 2007, khi Olympic Toán quốc tế lần thứ 47 được tổ chức tại VN, kể từ năm 2005 đội tuyển của chúng ta đã rơi vào tốp 11-15. “Nếu không được cải thiện, có lẽ trong tương lai gần, chúng ta sẽ ở trong tốp 16-20, đội tuyển VN sẽ ra khỏi tốp những đội tuyển mạnh về toán học quốc tế” - GS Khoái nhận định.

PGS-TS Nguyễn Thế Khôi (trường ĐH Sư phạm Hà Nội), người thường giữ vai trò trưởng đoàn HS VN tham dự Olympic Vật lý quốc tế cũng nêu thực tế: cách đây khoảng 5 năm, thành tích của đoàn HS VN vào loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, dần dần chúng ta bị các nước như Indonesia, Thái Lan và Singapore đuổi kịp và vượt qua.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, các đội tuyển khác như Sinh học mới có một HS đoạt huy chương vàng quốc tế năm 2000. Đội tuyển Tin học từng gây tiếng vang toàn cầu (năm 1999, có 3/4 HS đoạt huy chương vàng, đạt vị trí số 1 nếu tính điểm đồng đội), nhưng trong 7 năm gần đây lại không có huy chương vàng nào, năm 2010 chỉ có 1 HS đoạt huy chương đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, chủ yếu là do không có được nguồn HS giỏi dồi dào để tuyển chọn vào tuyển quốc gia.

Nản lòng vì chính sách đãi ngộ

Nếu không được cải thiện, có lẽ trong tương lai gần, chúng ta sẽ ở trong tốp 16-20, đội tuyển VN sẽ ra khỏi tốp những đội tuyển mạnh về toán học quốc tế

GS-TS Hà Huy Khoái, Viện Toán học

Nhiều ý kiến cho rằng, một số thay đổi về chính sách đối với HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia đã làm giảm sự nhiệt tình của số đông HS giỏi. Điển hình là việc bỏ chế độ tuyển thẳng HS giỏi quốc gia vào ĐH từ năm 2007 đến nay. Theo GS Khoái, phụ huynh cũng đã hướng con em mình đến những mục tiêu dễ dàng hơn như học để đạt điểm cao trong các kỳ thi ĐH, để tìm cơ hội du học hơn là cố gắng đi theo con đường thi HS giỏi đầy khó khăn.

Giáo viên trường chuyên là những người hiểu rõ hơn ai hết khó khăn của việc động viên HS giỏi tham gia các kỳ thi trong những năm gần đây. TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Nhiều phụ huynh chọn trường chuyên cho con em mình chỉ vì môi trường học tập, sau đó tập trung tối đa cho tiếng Anh để du học chứ không hào hứng tham gia thi HS giỏi quốc gia như những năm trước kia. Điều này là do quyền lợi của HS đoạt giải không tương xứng với công sức mà các em phấn đấu để đạt được”.

TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nói: “Chính vì HS không mặn mà với các cuộc thi HS giỏi nên thầy cô các trường chuyên cũng mất dần tâm huyết giảng dạy các lớp chuyên, các đội tuyển”. TS Hùng cho biết một thực tế có HS đoạt huy chương bạc Tin học quốc tế khi đang học lớp 11, nhưng đến lớp 12 thì bỏ không thi để tập trung học tiếng Anh chuẩn bị đi du học.

Trước thực trạng này, GS Khoái tâm tư: “Cũng giống như thể thao, không thể có thành tích của thể thao đỉnh cao nếu không có phong trào thể thao rộng khắp. Vì thế, việc giảm sút nhiệt tình của HS đối với các kỳ thi HS giỏi quốc gia tất yếu dẫn đến sự giảm sút của chất lượng đội tuyển quốc tế”.

Chính từ nguyên nhân này, hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội thảo về vấn đề thi HS giỏi quốc gia và tuyển chọn HS đi thi quốc tế (kết thúc hôm qua tại Hà Nội) đều kiến nghị Bộ GD-ĐT nên sửa đổi quy chế thi HS giỏi và khôi phục lại chế độ tuyển thẳng đối với HS đoạt giải quốc gia như trước kia.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.