Người “An Nam” đầu tiên có xe hơi ở Việt Nam

12/09/2005 21:59 GMT+7

Ông Châu Văn Tú, có tên Tây Pierre Tú, biệt danh "Thầy Năm Tú", gốc gác Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) là người "An Nam" sắm xe hơi trước nhứt ở Nam Kỳ hồi năm 1907. Chuyện này ít người biết. Đến nay những bạn đọc ở vào lớp tuổi thất tuần chắc không xa lạ gì tên tuổi Thầy Năm tú.

Ông là người đầu tiên ở Mỹ Tho lập gánh hát cải lương mang tên “Ban hát Thầy Năm Tú - Mỹ Tho” một thời gây sôi nổi khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Trước khi kể chuyện mua sắm xe hơi của Thầy Năm Tú, xin phép bạn đọc cho tôi sơ lược đôi dòng về tài "quảng cáo" gánh hát của Thầy Năm mà nói theo ngôn ngữ kinh tế thị trường hôm nay, ông quả là "tổ sư" của ngành "tiếp thị".

Năm 1918, hãng dĩa Pathé của người Pháp đặt cơ sở sản xuất dĩa nhựa tại Sài Gòn. Và chính các nam nữ nghệ sĩ gánh hát Thầy Năm Tú được hãng Pathé mời thâu thanh đầu tiên. Đến nay nhiều bậc kỳ lão vẫn còn nhớ những bộ dĩa hát ra đời buổi ban sơ ấy mà phần "giáo đầu" lúc nào cũng khởi sự bằng câu: “Đây là tài tử gánh hát thầy Năm Tú tại Mỹ Tho ca trên dĩa hát pathé phono nghe chơi”.

Lối xướng ngôn vừa kể trên có người cho rằng ngô nghê, "quê mùa" quá. Nhưng xét cho kỹ thì Thầy Năm có dụng ý hết sức khôn khéo là bắt hãng dĩa phải trực tiếp quảng cáo cho gánh hát của Thầy. Cho nên thuở ấy, bất cứ ở đâu tiêu thụ dĩa hát Pathé đều phải biết danh gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Đến ngày nay người ta vẫn còn nhớ gánh hát này cũng nhờ vào loạt dĩa hát trên.
Bây giờ tôi trở lại chuyện chơi xe hơi ở xứ mình hồi đầu thế kỷ vừa qua.

Xe hơi nhập vào Sài Gòn đầu tiên là năm 1907. Chiếc xe thứ nhất xuất xưởng mang số 1 về tay một người Pháp. Chiếc số 2 là của Thầy Năm Tú. Tới chiếc số 7 và số 8 là của ông Nguyễn Minh Tho ở Gò Công. Kế đến số 10, số 11 và 12 là của ông Lê Phát Tân. Ông Tân là em ruột ông Lê Phát Đạt biệt danh "Huyện Sĩ", ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại.

Báo Phụ Nữ Tân Văn số 207 ngày 6.7.1933 viết: "... Coi bộ trong ba người "An Nam" sắm xe hơi trước nhứt thì cũng đã thấy nhà giàu Nam Kỳ ta xài lớn. Xe mới có mà ông Tho mua một lần hai cái, ông Tân lại mua tới 3 cái một lần, xài lớn thiệt".
"Xe hơi làm quen với vựa lúa Đông Dương trước nhứt là hiệu Clément rồi mới tới các hãng: Peugeot, Comtal, Griffon, Cottereau, Bolide, Panhard, Aleyon, Darracq, Diérich, Richard, De Dion, Berliet, Foullaren, Saving, Zidel...
"Cho đến năm 1920 thì hãng Citroen mới biết xứ nam Kỳ.
"... Năm mới có xe hơi ở đất Nam Kỳ thì trọn năm đầu bán được lối 14 cái. Năm thứ nhì lối 60 cái. Năm thứ ba lối 30 cái, năm thứ tư khoảng 50 cái. Mấy năm đầu thì cũng không lên xuống gì mấy. Qua tới năm 1919 là lúc vừa xong cuộc u chiến lần thứ nhứt, thì số xe hơi nhập vào Sài Gòn bốc lên như lửa cháy. Đang ở số mấy chục, bỗng nhảy lên số mấy trăm. Năm 1920 tại Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ tính chung bán cũng được khoảng ba bốn trăm cái. Đến năm 1926, thì toàn cõi Đông Dương (Việt, Miên, Lào) cũng chưa tới một ngàn chiếc xe.
"Còn năm nay, năm 1933, năm kinh tế khủng hoảng, nghe đâu tất cả mấy hãng ở Sài Gòn mà hai tháng đầu năm, chỉ bán được có 8 cái.
"Như  bạn đọc đã biết, kể từ năm 1907 Sài Gòn có xe hơi trước tiên. Trung Kỳ có xe hơi năm 1913. Người sắm xe trước nhứt là ông Nguyễn Văn Đương ở Thanh Hóa.
"Bắc Kỳ có xe hơi cũng vào năm 1913, mà người sắm xe trước nhứt là ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội. Năm mới có xe tại Hà Nội, số bán ra mấy tháng đầu cũng không tới 20 cái...".

Huỳnh Công Minh
(Theo tư liệu của Đinh Công Thanh - Hội Sử học Đồng Tháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.