Cần có chiến lược bảo vệ thương hiệu Việt

24/10/2011 01:25 GMT+7

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ), hiện có hơn 800 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống của VN có uy tín, nổi tiếng không chỉ ở VN mà trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một thương hiệu tập thể nào của VN đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.

Thanh Niên đã phỏng vấn ông Trần Hữu Nam, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về vấn đề này.


Đắk Lắk - Thủ phủ cà phê, trong đó cà phê Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ CDĐL tại VN - Ảnh: Diệp Đức Minh

Thưa ông, sự việc một số thương hiệu nổi tiếng trong nước gần đây bị một số tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký ngày càng tăng, ở VN việc bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế chưa được quan tâm. Vì sao? 

Các doanh nghiệp (DN) ở VN cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Cục SHTT đã từng đưa ra cảnh báo, khuyến cáo về đăng ký bảo hộ thương hiệu thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn hằng năm. Tuy nhiên, với những thương hiệu thuộc sở hữu của tập thể, cộng đồng thì chưa được quan tâm. Những thương hiệu này thường trực thuộc hội, hiệp hội các nhà sản xuất. Muốn đăng ký thì tất cả các thành viên trong hiệp hội phải đồng lòng, thấy được tầm quan trọng. Mình không đăng ký tức là mình chịu thiệt. Những thương hiệu này sẽ bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu tại những nước đã bị đăng ký bảo hộ.

Hiện các địa phương đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) trong nước mới chỉ có 30 nhãn hiệu tập thể. Chưa có thương hiệu nào đăng ký ở nước ngoài. Cục SHTT đang giúp nước mắm Phú Quốc đăng ký ở cộng đồng châu u (đang chờ xem xét công bố), mặc dù thương hiệu này đã đăng ký chỉ dẫn trong nước từ lâu. 

Phải chăng việc đăng ký quốc tế khó khăn và tốn kém? 

Có hai hình thức, một là DN, các tổ chức đăng ký trực tiếp tại nước sở tại thông qua các tổ chức đại diện SHTT. Cách thứ 2, đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều là đăng ký thông qua hệ thống nhãn hiệu quốc tế Madrid mà VN là thành viên. Nếu đăng ký theo hệ thống Madrid, chỉ cần một bộ hồ sơ trực tiếp thông qua Cục SHTT. Cục sẽ thông báo và chuyển hồ sơ cho văn phòng quốc tế để chuyển về các nước xin đăng ký. Kinh phí để đăng ký bảo hộ độc quyền trên toàn hệ thống hiện mất khoảng 1.000 - 2.000 USD, thủ tục cũng rất nhanh gọn, bảo hộ trong thời gian 10 năm, sau đó kinh phí gia hạn sẽ rẻ hơn. Thời gian xem xét hồ sơ đăng ký SHTT trong nước là 1 năm. Nếu đăng ký ra nước ngoài ít nhất từ 14 - 16 tháng.

Để không tiếp tục xảy ra những vụ việc như với cà phê Buôn Ma Thuột, theo ông cần phải làm gì?

Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, cũng như CDĐL không thuộc quyền sở hữu cá nhân cụ thể mà là của cộng đồng, các nhà sản xuất kinh doanh trên địa bàn đó hoặc các chủ thể là cơ quan nhà nước. Do đó, chính quyền địa phương và các hội, hiệp hội là chủ sở hữu của thương hiệu tập thể cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ thương hiệu và phải nhanh chóng có chiến lược đăng ký bảo hộ.

Việc đòi lại những thương hiệu đã mất, theo ông, có khả thi?

Điều này còn tùy thuộc vào cơ sở mà mình có khả năng đòi. Chẳng hạn với thương hiệu Vinataba, ngoại trừ một số nước xung quanh khu vực, còn lại chúng ta vẫn chưa đòi được (ngay cả tại Trung Quốc, dù Cục SHTT đã hỗ trợ). Có một điều chắc chắn, muốn đòi lại thương hiệu không hề đơn giản, cần rất nhiều thời gian và chi phí. Hầu như tất cả các nước, thủ tục đòi lại nhãn hiệu không phải bằng con đường ngoại giao, hay thông qua cơ quan SHTT mà đều phải ra tòa. Các vấn đề giải quyết đều phải thông qua đại diện pháp lý tại nước sở tại. Tùy từng nước, chi phí thuê luật sư được tính từ 300 - 500 USD/giờ.

Trách nhiệm chính là của Nhà nước

Theo luật sư Nguyễn Minh Hương - Phó chủ tịch Hội SHTT TP.HCM, để yêu cầu hủy bỏ CDĐL đã được cấp ở nước ngoài, cách làm ở một số nước là gửi công hàm qua đường ngoại giao, thông báo những mặt hàng mang CDĐL của nước họ, để cơ quan SHTT các nước khi thẩm định sẽ hủy bỏ những đơn yêu cầu có mang CDĐL đó. VN cũng nên làm như vậy. Tuy nhiên, trước khi làm động tác này, cũng nên tìm hiểu kỹ những quy định về SHTT của các nước. Mặt khác, các địa phương hiện là chủ sở hữu quyền CDĐL cũng cần có động tác yêu cầu cơ quan SHTT của nước ngoài xem xét lại những giấy chứng nhận nhãn hàng mang CDĐL của VN đã được cấp. Việc này, theo thông lệ quốc tế, phải thông qua một tổ chức đại diện về SHTT của nước sở tại. Việc đăng ký CDĐL ở nước ngoài không phải là trách nhiệm của DN, mà đây là trách nhiệm của chủ sở hữu quyền, tức là chính quyền địa phương. Bởi CDĐL là tài sản trí tuệ của quốc gia và Nhà nước đã giao cho địa phương làm đại diện chủ sở hữu.

M.V

Sẽ đăng ký bảo hộ Cà phê Buôn Ma Thuột tại 16 nước

Ông Đoàn Kim Ca - Thư ký Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, hiệp hội sẽ chọn một công ty luật trong nước tư vấn pháp lý để khiếu kiện hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị bảo hộ tại Trung Quốc. Theo ủy quyền của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là tổ chức đại diện chủ đơn khiếu kiện trong vụ việc trên; đồng thời đứng ra đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài theo đúng luật pháp quốc tế. Ông Ca cũng cho biết, trước mắt hiệp hội sẽ đăng ký bảo hộ CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột ở 16 nước, gồm: Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Singapore, Canada, Hàn Quốc và Thái Lan. Theo ông Ca, dự kiến kinh phí cho việc khiếu kiện và đăng ký bảo hộ khoảng 30.000 USD. 

T.N.Quyền

Thu Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.