Dị ứng khi ăn hải sản

20/10/2010 16:36 GMT+7

Nhiều người bị dị ứng da (ửng đỏ, nổi mề đay, ngứa...) chỉ độ 15-20 phút sau khi ăn hải sản; trong đó có người chưa từng bị tình trạng như vậy trước kia.

Cơ chế gây dị ứng sau ăn

Hải sản, trong đó có cá biển, là những thực phẩm quý, giàu chất dinh dưỡng. Nhưng đây cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng sau khi ăn uống. Rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng cho người có thể tạng không hợp với hải sản (thường gọi là đồ biển) như: cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ...

Chất gây dị ứng có trong đồ biển (hay thức ăn nói chung) khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn cảm. Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể đặc dị, được gọi là protein miễn dịch IgE. Nếu tiếp tục ăn thức ăn ấy, chất gây mẫn cảm sẽ thúc đẩy IgE kết hợp với tế bào phì đại của hệ thống miễn dịch để tạo ra histamine. Histamine sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (cụ thể: histamine phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm khó nuốt, khó thở; phóng ra ở ruột thì gây đau bụng; nếu phóng ra trên da sẽ gây ngứa, nổi mụn...).

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), rất ngứa, nôn nao khó chịu. Thường vài giờ sau triệu chứng sẽ lặn. Trường hợp nặng thì ngoài nổi ban và ngứa, còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở... Cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong.

Phòng và trị

Để đề phòng dị ứng hải sản, những người đã bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó nên tránh dùng lại nó trong thời gian gần (nghĩa là loại trừ tác nhân gây dị ứng).

Về điều trị, ngoài việc loại trừ thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt (bằng cách kích thích gây nôn), thì với những trường hợp dị ứng nhẹ, có thể dùng bài thuốc dân gian chữa dị ứng thức ăn do tôm, cua, cá, như sau: Nguyên liệu: Gừng sống 10g, đậu xanh 100g, lá tía tô và rễ cây lau tươi mỗi thứ 15g. Cách làm: Rửa sạch gừng, rễ cây lau và lá tía tô, giã nát, vắt lấy nước. Cho nước này với đậu xanh vào nồi, thêm nước sạch lượng vừa đủ, nấu cho đậu xanh chín nhừ để ăn.

Các thuốc kháng histamin có tác dụng tốt với các triệu chứng ở da, niêm mạc như  nổi mề đay, ban đỏ, phù mặt, thuốc có thể ngăn chặn được các triệu chứng dị ứng nhẹ ngoài da, niêm mạc, nhưng không ngăn chặn được các phản ứng dị ứng nặng như sốc phản vệ, khó thở nếu có xảy ra.

Với các trường hợp nặng, phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện, không được tự ý sử dụng các loại thuốc chống dị ứng.

Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.