Trường THPT chuyên: Phải là nơi liên thông đào tạo tài năng giữa các bậc học

16/09/2007 22:41 GMT+7

Thời gian qua, hệ thống các trường THPT chuyên đã có những đóng góp lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Song gần đây, các trường chuyên đang "chới với" trước những thông tin chưa được thống nhất về việc phát triển hệ thống này. Ngày 14.9, Hội nghị toàn quốc các trường THPT chuyên tại TP Hải Phòng với sự tham dự của 64 tỉnh, thành và các trường ĐH có khối chuyên THPT đã mở ra một hướng đi mới….

Những hạn chế

Năm 1974, lần đầu tiên đoàn học sinh giỏi Toán của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế và đạt được kết quả cao. Tiếp nối, các lớp chuyên Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Địa lý được mở rộng, tiến đến việc thành lập các trường, khối lớp THPT chuyên tại hầu hết các tỉnh, thành phố và một số trường ĐH, tạo nên hệ thống các trường THPT chuyên. Từ đó đến nay, hệ thống trường THPT chuyên ngày càng phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đến năm học 2006-2007, đã có 7 trường ĐH, 63/64 tỉnh, thành phố cả nước có trường THPT chuyên. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, với sự đóng góp chủ yếu của các trường THPT chuyên, đoàn VN luôn trong tốp dẫn đầu về số huy chương, đặc biệt là huy chương vàng, góp phần nâng vị thế giáo dục của nước ta trên trường quốc tế. Hầu hết các trường ĐH có lớp cử nhân tài năng và kỹ sư chất lượng cao đều nhận tuyển thẳng những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Tuy vậy, những năm qua, hoạt động của hệ thống trường THPT chuyên cũng vấp phải một số hạn chế như: việc xác định mục tiêu của trường THPT chuyên chưa rõ, dẫn đến việc tập trung cao cho kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi vào ĐH, chưa thật chú trọng đúng mức giáo dục toàn diện; chương trình, sách giáo khoa, tài liệu cho môn chuyên còn thiếu, chưa cập nhật và chưa có sự liên kết, trao đổi giữa các trường... Bên cạnh đó, chính sách đặc thù cho hệ thống trường chuyên chưa đủ mạnh, đặc biệt là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thiếu chính sách đồng bộ để liên thông từ THPT đến ĐH, sau ĐH đối với học sinh THPT chuyên ...

Hướng phát triển mới

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng khẳng định mục tiêu chung trong thời gian tới là xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành hệ thống chủ lực phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, khá giỏi nhiều môn học, bồi dưỡng và đào tạo các em thành nhân tài để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ nay đến năm 2020, mỗi tỉnh, thành có ít nhất 1 trường THPT chuyên, số học sinh THPT chuyên của các địa phương duy trì ở mức ổn định từ 0,07% đến 0,15% dân số; từng bước nâng cấp trường THPT chuyên thành trường THPT đạt chuẩn quốc gia có chất lượng cao; nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đến năm 2020, 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, thông thạo tin học, 50% sử dụng được ngoại ngữ. Đặc biệt, phải tạo được sự liên thông giữa đào tạo, bồi dưỡng tài năng ở cấp THPT với ĐH; quản lý, lựa chọn những học sinh tốt nghiệp THPT chuyên vào học tại các lớp, các trường ĐH chất lượng cao trong và ngoài nước; mở rộng quy mô đào tạo cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao.  

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Văn Lập (Chủ nhiệm khối chuyên Sinh, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho rằng cần có lộ trình điều chỉnh về thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Để việc tuyển chọn được chính xác, cần chú trọng tổ chức thi thực hành như các cuộc thi quốc tế vẫn áp dụng (điểm thực hành chiếm 50% tổng số điểm). Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh thì đề nghị: cần xây dựng diễn đàn (website, tạp chí...) riêng cho hệ thống trường chuyên; hình thành ngân hàng dữ liệu gồm những tư liệu cần thiết cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi (đề thi, đáp án) để giáo viên các trường chuyên có điều kiện nghiên cứu tiếp cận với chương trình dạy bồi dưỡng. Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM Võ Anh Dũng kiến nghị thành lập một số ít trường chuyên năng khiếu (nên trực thuộc các ĐH) với mục đích bồi dưỡng đội tuyển thi quốc tế và mục đích lớn hơn là phát hiện, nuôi dưỡng, phát triển những năng khiếu đặc biệt; các học sinh này phải có chế độ học tập đặc biệt, được liên thông với ĐH, có thể học nhanh các kiến thức và sớm được nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, theo ông Dũng, nên trả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hiện nay về phổ thông đúng nghĩa và nội dung ra thi chỉ trong chương trình phổ thông.

Chương trình quốc gia bồi dưỡng nhân tài giai đoạn 2008-2020 gồm 9 chương trình cụ thể cũng được công bố. Theo đó, ngoài các chương trình truyền thống, còn có chương trình đổi mới công tác tuyển sinh và phương thức tuyển chọn học sinh vào các trường THPT chuyên sao cho chọn được học sinh có tư chất thông minh; xây dựng 10 trường THPT chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia (mỗi vùng 1 trường, Hà Nội 2 trường, TP.HCM 2 trường); đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo, tăng số lượng học sinh THPT chuyên được học các lớp cử nhân tài năng và kỹ sư chất lượng cao để đến năm 2015 đạt 6.000 - 8.000 SV đến năm 2020 đạt trên 10.000 SV...

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.