Yêu thời hi-tech: cả thèm chóng chán?

08/11/2008 09:49 GMT+7

Có phải tình yêu thời công nghệ cao thì không đẹp và bền bằng tình yêu thời “xe đạp ơi”? Câu hỏi được một cô gái trẻ đưa ra và lý giải bằng bài viết thú vị dưới đây...

Thỉnh thoảng, có thể vào một khoảng nhàn rỗi ngắn ngủi ở cơ quan, giữa đám chị em tụm năm tụm ba ta bỗng nghe đôi lời phàn nàn: “Sao hồi xưa các cụ yêu nhau lý tưởng thế, tình cảm trải qua bao năm xa cách vẫn sắt son bền chặt, mà lớp trẻ bây giờ thì...”.

Bạn cứ để ý mà xem, người mới buông ra cái câu đầy hương vị cảm thán thế sự ấy hẳn phải là một phụ nữ đứng tuổi. Và hẳn người đó chắc phải có con, em đang độ tuổi cập kê. Nếu bạn ngây thơ hỏi lại “Lớp trẻ bây giờ sao cơ?”, bạn sẽ được nghe cả một bài kể tội cái kiểu yêu đương thời hi-tech.

Này nhé, lớp trẻ bây giờ đến với nhau nhanh quá. Ngày xưa, phải mất bao nhiêu công sức, thời gian qua lại ướm hỏi đặt vấn đề, thậm chí còn phải xin phép tổ chức cho đôi bên gặp gỡ tìm hiểu, thanh niên nam nữ mới dám đi chơi tối, ngồi bên nhau cách tới cả gang tay mà mặt mũi vẫn đỏ nhừ. Còn ngày nay thì sao? Vừa gặp được nửa tiếng đã thấy nắm tay nắm chân xưng hô thân mật, chưa kể còn táo tợn ôm ấp hôn hít nhau trước bàn dân thiên hạ nữa chứ!

Nói thế kể cũng hơi oan cho lớp trẻ. Việc họ đến với nhau có vẻ nhanh hơn xưa không hẳn do họ dễ dãi hời hợt hơn xưa, mà phần lớn vì công nghệ phát triển. Chưa cần hẹn gặp trực tiếp đã biết mặt nhau qua ảnh hay webcam, đã biết giọng nhau qua điện thoại hoặc voice chat, đã hiểu tính tình nhau qua những lời tâm sự trên blog và forum, đã cảm mến rồi quan tâm đến nhau qua từng file đính kèm trên mail và từng ký hiệu riêng trong sms. (Nếu muốn, ngay cả vị trí nhà hay quán cà phê yêu thích của nhau cũng có thể xác định ngay bằng ảnh vệ tinh Google Earth ấy chứ!).

Những phương tiện hiện đại không kể xiết ấy khiến mọi việc thuộc công đoạn xác minh, tìm hiểu đối tượng trở nên “đơn giản như gõ văn bản”. Vì vậy, cuộc gặp mặt thường không phải là điểm khởi đầu cho tình cảm mà là cột mốc quyết định những bước ngoặt, phần nhiều là từ thích sang yêu nhưng cũng không loại trừ những trường hợp đặc biệt như từ yêu sang... động phòng hoặc (đáng buồn hơn) từ yêu sang... bỏ.

Đến đây những người theo trường phái tình yêu cổ điển có lẽ sẽ à lên một tiếng rồi túm luôn chi tiết “từ yêu sang bỏ” mà công kích. Đấy đấy, lớp trẻ bây giờ tìm hiểu bằng hi-tech kiểu gì mà chán nhau nhanh thế, chia tay chia chân cứ nhoay nhoáy. Tuần trước vừa nồng nhiệt ca ngợi anh chàng (cô nàng) như thể hoàng tử (công chúa) bước ra từ cổ tích, tuần sau đã lạnh tanh tuyên bố không hợp nên tan, lời lẽ nhẹ tựa lông hồng, rõ là lũ hời hợt!

Nói thế kể cũng lại hơi oan cho lớp trẻ. Việc họ chia tay nhau vội hơn xưa đâu hẳn đã vì họ dễ dãi hời hợt hơn xưa, trái lại, họ còn có phần khắt khe, kỹ lưỡng hơn các cụ ấy chứ. Với kiểu yêu cổ điển, ngại ngùng và khép kín, nhiều khi cưới nhau về rồi người ta mới phát hiện những khuyết điểm tày trời như tính tình lăng nhăng, cư xử hỗn hào...

Dù chẳng vui vẻ gì, nhiều người vẫn tặc lưỡi chịu đựng người kia suốt cả quãng đời dài còn lại trong bức xúc và thất vọng, bởi làm gì còn lựa chọn nào khác. Với kiểu yêu hi-tech, tình trạng ngậm đắng nuốt cay vì chọn lầm giảm đi trông thấy.

Chứ còn gì nữa, những thiết bị hi-tech không chỉ đóng vai trò kết nối mà còn như chiếc kính chiếu yêu tinh nhạy giúp người trong cuộc sớm nhận ra những nét xấu của đối phương. Một anh chàng bắt cá hai tay sẽ nhanh chóng bị vạch mặt với những bằng chứng hùng hồn lấy ra từ chiếc điện thoại có quay phim chụp ảnh. Một cô nàng vô lễ với người lớn sẽ không thể chối cãi trước một đoạn cãi cọ thô tục của chính cô được ai đó ghi âm bằng usb. Bên cạnh đó, các tiện ích thời hi-tech cũng khiến việc giải quyết các mâu thuẫn trở nên triệt để hơn.

Có các phần mềm có chức năng lưu lại cuộc chat (message archieve), nhiều cuộc cãi vã không còn là lời nói gió bay để bỏ qua dễ dàng. Có các dịch vụ blog hay diễn đàn tâm sự nở rộ như nấm trên Internet, nhiều tổn thương, nghi hoặc hay trở ngại không còn được những người đang yêu giữ cho riêng mình mà còn được đem ra giãi bày cho nhiều người để nghiền ngẫm, phân tích, khuyên nhủ. Người trong cuộc bỗng chốc được nghe bao nhiêu ý kiến khách quan, thậm chí được (bị) hối thúc trong việc quyết định số phận tình yêu ngay.

Kể cũng lạ, tình yêu kiểu hi-tech chứa đựng những biểu hiện xem ra đầy toan tính, thực dụng và trần trụi như thế, vậy mà muốn phán xét nó sai hay đúng sao khó quá chừng! Nếu nó sai, tại sao bao nhiêu người trẻ vẫn yêu theo lối ấy mà không quay về với tình yêu kiểu cổ điển cho được tiếng trong lành? Còn nếu nó đúng, tại sao bao nhiêu người trước kia cũng từng trẻ lại không ngớt phàn nàn, chê trách hay lên án? Thôi thì đành lý giải chung chung rằng muôn đời nay cái mới và cái cũ có bao giờ chịu được nhau...

Một đặc điểm hết sức quan trọng của tình yêu thời công nghệ phát triển, ấy là tính cạnh tranh gay gắt. Môi trường giao tiếp luôn rộng mở khiến người ta dễ dàng gặp gỡ quen biết những đối tượng mới không kém phần đáng yêu, nếu không muốn nói là còn hay ho thú vị hơn đối tượng đang có. Những mối quan hệ tươi rói, những cơ hội tình cảm mới toanh luôn bày ra trước mắt cho người ta cảm giác của một người đứng trước kệ hàng đầy ắp nơi siêu thị.

Nếu không muốn bị đem ra so sánh hay lựa chọn như món hàng trong siêu thị, những người yêu nhau buộc phải hoàn thiện mình không ngừng nghỉ. Bởi chỉ cần lơ là chút thôi, họ sẽ rơi vào tình cảnh của một phần mềm lạc hậu, bị gỡ đi để dành chỗ cho một thứ cập nhật hơn.

Theo Trần Thu Trang (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.