Đừng phạm vào "chỗ thiêng"!

12/11/2006 00:14 GMT+7

Việc cứu trợ thiên tai ở Việt Nam là việc thường xuyên hằng năm, vì thiên tai có thể giáng xuống bất cứ chỗ nào trên đất nước này và có thể ở những thời điểm chúng ta ít ngờ tới nhất. Cứu trợ nạn nhân thiên tai cũng gấp như cứu nhà cháy. Dĩ nhiên trong những việc lớn như thế đều phải có tổ chức, có cách thức để việc cứu trợ đạt hiệu quả cao nhất.

Nhưng những hoạt động cứu trợ sau bão Chanchu và bão Xangsane vừa qua đã cho thấy rõ, cách thức tổ chức, kêu gọi, quyên góp và mang hàng cứu trợ đến đúng địa chỉ trong thời gian nhanh nhất của nhiều tờ báo, nhiều cơ quan truyền thông có uy tín cao trong nước là rất hữu hiệu và được nhân dân vùng bị thiên tai rất cảm động và hoan nghênh.

Tình nghĩa của đồng bào cả nước khi gom góp từng khoản tiền nhỏ, từng thùng hàng, tấm tôn đã được những đơn vị cứu trợ rất chuyên nghiệp của nhiều tờ báo mang đến tận tay những người cần cứu trợ một cách kịp thời nhất và đúng địa chỉ nhất. Chính nghiệp vụ cộng với tấm lòng của những người làm báo đã thuyết phục được những tấm lòng từ thiện và mang lại niềm tin cho những nạn nhân thiên tai. Xin nói rõ, nếu không có Báo Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng,… đã lập tức về xã Nghĩa An (Quảng Ngãi) ngay sau thảm họa bão Chanchu, thì những gia đình nạn nhân ở Nghĩa An cho tới bây giờ cũng chưa thể có những ngôi nhà vững chắc và những trợ giúp cần thiết cho đời sống của họ đến như thế! Và cũng nói thật, trong những lần đi cứu trợ ấy, chính uy tín của tờ báo và nhà báo đã thúc đẩy các quan chức cấp xã ở địa phương có thiên tai hoạt động tích cực hơn trong việc cứu trợ cho chính đồng bào mình. Không thể nói như ông Nguyễn Xuân Lập - Phó vụ trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) là những hoạt động cứu trợ trên "tinh thần tương thân tương ái" của nhiều tổ chức và cá nhân đã "gây khó khăn cho địa phương trong việc đón tiếp, gây ra sự xáo trộn không cần thiết cho các địa phương” (dẫn theo nguồn Tiền Phong Online).

Thế nào là "gây khó khăn" gây "xáo trộn" cho những địa phương có thiên tai, khi chúng ta luôn kêu gọi chính tinh thần "tương thân tương ái" của toàn dân tộc để đùm bọc giúp đỡ những đồng bào của mình đang bị thảm nạn? Nếu có lãnh đạo địa phương nào than phiền là những hoạt động cứu trợ "gây khó khăn" cho họ, gây "xáo trộn" cho địa phương họ, thì tốt nhất là họ nên rời khỏi chức vụ tại địa phương đó, vì họ đã vừa vô cảm trước nỗi đau của đồng bào mình, vừa không hoàn thành chức trách mà nhân dân giao phó cho họ.

Nhân đây cũng xin nói, như qua chuyện xà xẻo tiền cứu trợ lũ quét ở Hà Tĩnh, chính những nhà báo, những người tình nguyện cứu trợ là những người trực tiếp lăn lộn vào những nơi nguy hiểm để mang hàng cứu trợ của bà con cả nước đến cho bà con bị nạn ở Hà Tĩnh, trong khi chính một vài quan chức ở các địa phương ấy đã không giúp gì cho bà con địa phương mình, mà còn nhẫn tâm "bớt xén, quơ quét" tiền cứu trợ cho vào túi, gây nên những cú sốc cho đồng bào cả nước.

Tôi đồng ý là trong việc cứu trợ cũng như trong các hoạt động khác đều phải có tổ chức, phải hợp lý và khoa học, nhưng phải hiểu cái đặc thù của cứu trợ thiên tai là cần kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và phải huy động được mọi nguồn nhân ái trong cộng đồng, trong xã hội, phải chắt chiu, tôn trọng, nâng niu từng vật phẩm cứu trợ dù nhỏ nhất, bởi đó là tấm lòng nhân dân, là tình nghĩa dân tộc. Khi có những người hảo tâm tình nguyện mang hàng cứu trợ đến cho đồng bào mình, không thể lấy bất cứ lý do nào để ngăn cản họ, vì như vậy là bất nhân, bất nghĩa. Và trong chuyện cứu trợ này, phải tôn trọng sự tin cậy của người dân vào những tổ chức cứu trợ khác nhau. Nếu không có sự kêu gọi và những hoạt động hết mình của báo chí thì người dân ở Nông Sơn đã không thể có chiếc cầu vĩnh cửu như bây giờ, nếu không có sự kêu gọi của báo chí thì cũng sẽ không có chiếc cầu ở Chôm Lôm sắp tới. Và còn bao hoạt động âm thầm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân khác nữa cho những việc làm thiện nguyện hằng ngày trên khắp đất nước này.

Hãy hết sức thận trọng khi chạm vào chỗ nhạy cảm là cứu trợ thiên tai. Đó là một "chỗ thiêng", một nơi thể hiện cụ thể nhất lòng nhân ái Việt Nam mà chúng ta luôn hết mực tôn vinh. Hãy để mỗi người Việt Nam được thanh thản và hoàn toàn tự nguyện mỗi khi tham gia vào các hoạt động cứu trợ thiên tai.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.