Nhà sản xuất và cơ quan chức năng nói gì ?

24/10/2005 23:50 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đưa tin về việc Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ ngay việc lưu hành mặt hàng "Knorr đảm đang - sản phẩm nêm nếm đa dụng" vì có nhãn không đúng quy định và chỉ lưu hành sau khi đã điều chỉnh lại tên gọi của hàng hóa, chúng tôi đã tiếp tục nhận được ý kiến của nhà sản xuất cũng như của các cơ quan chức năng về vụ việc này.

Các cơ quan chức năng: "Thông tin không đúng với bản chất hàng hóa sẽ gây nhầm lẫn, đặc biệt bất lợi cho người mẫn cảm với bột ngọt"

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, để đi đến kết luận về việc Công ty Unilever Bestfood & Elida P/S Việt Nam vi phạm nhãn hiệu hàng hóa mặt hàng "Knorr đảm đang - sản phẩm nêm nếm đa dụng", 4 cơ quan gồm: Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại), Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có nhiều buổi làm việc với đại diện nhà sản xuất. Theo kết luận, "tên hàng hóa ghi trên nhãn chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa; trên nhãn còn có thông tin không đúng với bản chất hàng hóa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt bất lợi cho người mẫn cảm, dị ứng với bột ngọt/mì chính khi sử dụng sản phẩm này do bị nhầm lẫn; các sai phạm trên nhãn nói trên phải được sửa đổi bổ sung, khắc phục theo quy định".

Theo phân tích của cán bộ Phòng Pháp chế (Cục Quản lý thị trường), thành phần chính có trong sản phẩm trên bao gồm: 53,8% là muối, 30% bột ngọt, cho nên ngoài nhãn hiệu "Knorr đảm đang" nhà sản xuất cần nêu rõ sản phẩm này thuộc mặt hàng "bột canh gia vị" (theo Tiêu chuẩn Việt Nam 7396:2004, bột canh gia vị là sản phẩm được sản xuất từ muối ăn, có bổ sung mì chính hoặc chất thay thế mì chính và các gia vị thực phẩm khác).

Theo TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, ở  các nước, việc quảng cáo các sản phẩm như bột ngọt, hạt nêm hay các sản phẩm tương tự  đều không được phép đề cập quá mức chức năng của sản phẩm đối với sức khỏe vì có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng dẫn đến sử dụng quá mức cần thiết. Về khía cạnh dinh dưỡng, đây là các sản phẩm không được khuyến khích dùng nhiều. Nên sử dụng với tính chất như gia vị: ít và bổ sung cho bữa ăn về hương vị chứ nó  không trực tiếp tạo ra chất dinh dưỡng, không thay thế cho các loại thịt hay trứng.  (Liên Châu ghi)

Trên thị trường hiện đã có nhiều loại bột canh gia vị với các thành phần cơ bản giống nhau là: muối, bột ngọt, đường, nếu ghi nhãn chính xác, đầy đủ, thì người tiêu dùng mới có thể mua sản phẩm bột canh gia vị phù hợp túi tiền và đúng với giá trị thực. Việc trên bao bì của "Knorr đảm đang" có ghi "tự nhiên hơn bột ngọt" và "dùng đảm đang thay thế bột ngọt/mì chính khi nấu để món ăn luôn luôn đủ vị, hài hòa và tự nhiên" dễ gây hiểu lầm cho người sử dụng, đặc biệt với những người dị ứng với bột ngọt, rằng "Knorr đảm đang" là sản phẩm thay thế bột ngọt/mì chính.

Tuy nhiên, tại văn bản ngày 21/10 do Thứ trưởng Phan Thế Ruệ ký, Bộ Thương mại đã chỉ đạo "tạm dừng thực hiện Quyết định số 395/QLTT về việc kiểm tra xử lý vi phạm ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm Knorr đảm đang". Ông Nguyễn Đức Thịnh cho biết, Cục Quản lý thị trường sẽ sớm làm việc với đại diện nhà sản xuất trên nguyên tắc việc xử lý sẽ phải đảm bảo cả về pháp lý và đạo lý, "không gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam".

Một cán bộ của Phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: "Chúng ta không có quyền chỉ lo cho thiệt hại, tốn kém của doanh nghiệp mà quên rằng hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Những người có trách nhiệm giải quyết sự việc này đang hưởng lương của người dân, do sức lao động của người dân. Vì vậy, cần làm hết trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân".

Nhà sản xuất: Đang khiếu nại !

Chiều 24/10, tại Tòa soạn Báo Thanh Niên, đại diện Công ty TNHH Unilever Bestfoods & Elida P/S Việt Nam (UBEV) cho biết sản phẩm "Knor đảm đang" do công ty sản xuất, trước khi lưu hành ra thị trường đã được công ty tiến hành công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định hiện hành và được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế xác nhận. Mẫu mã và những thông tin về sản phẩm in trên bao bì sản phẩm đang lưu hành trên thị trường đều đúng với mẫu đăng ký đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xác nhận. Vì vậy, kết luận của Bộ Thương mại trong Công văn 5138 ngày 21/10/2005 rằng: "Những vi phạm về nhãn hàng hóa nói trên chủ yếu là không ghi nhãn hàng hóa như đăng ký ban đầu" là không chính xác. Đại diện của công ty này cũng khẳng định ngay trên bao bì sản phẩm có ghi thành phần của "Knor đảm đang" bao gồm cả "chất điều vị" (bột ngọt) và chất điều vị chiếm khoảng 25% trong sản phẩm. Cũng theo đại diện UBEV, tên hàng hóa "Sản phẩm nêm nếm đa dụng" được đặt theo Điều 6, Khoản 4 của quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế ghi nhãn hàng hóa. Việc các cơ quan chức năng viện dẫn Khoản 1, Điều 6 của Quyết định 178 để cho rằng UBEV vi phạm là không phù hợp và áp đặt.

Cùng ngày, UBEV cũng cho biết, đã có công văn gửi Bộ Y tế khiếu nại về Công văn 757 của Thanh tra Bộ Y tế.

Nam Sơn - Đ.Trung - B.Đương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.