Đặc sản sứa nước lèo

25/10/2007 19:46 GMT+7

Tại các tỉnh duyên hải miền Trung, sứa được chế tác thành rất nhiều món ăn khoái khẩu: bún sứa, nộm sứa, gỏi sứa, sứa cuộn thịt bò, sứa trộn mít non...

Vào mùa hè, chọn món ăn để "hạ nhiệt" thì có lẽ không món nào sánh bằng sứa. Thông thường, ngư dân phân biệt sứa thành 2 loại theo mức giá khác nhau: sứa biển và sứa sông. Nói là sứa sông chứ thật ra nó sống ở các đầm với nguồn nước sà hai (nước lợ). Tỉnh Bình Định có đầm Thị Nại rộng lớn, nguồn thủy sinh phong phú, trong đó có loài sứa xuất hiện quanh năm. Sứa sinh trưởng ở đầm Thị Nại nhỏ độ bằng cái chén ăn cơm, nhưng rất nhiều chân. Theo cách gọi của dân tại đây là sứa gạo. Mỗi con nặng chừng 3 lạng, riêng phần chân nặng khoảng 1 lạng. Sứa gạo ngon đặc biệt vì độ giòn, trong suốt.


Loài sứa

Những người sành ẩm thực thường chọn chân sứa để chế tác món ăn. Một số nhà hàng ở Bình Định cũng chọn chân sứa để làm món sứa nước lèo với hương vị độc đáo. Nhà hàng Hoa Hoa trên đường Phan Chu Trinh, TP Quy Nhơn rất nổi tiếng với món ăn này. Thường thì có cả thương gia, khách Tây... tìm đến quán cũng chỉ mong được thưởng thức đặc sản sứa nước lèo. Món ăn này được chế tác rất công phu. Sứa sau khi vớt lên từ đầm được cắt lấy phần chân ngâm với một ít phèn chua, nước biển. Phơi nắng liên tục 2 ngày rồi bỏ vào bọc ni-lông ướp đá. Mỗi công đoạn đều phải kỹ càng, đảm bảo vệ sinh để tránh mùi tanh. Nước lèo được pha chế từ thịt ba chỉ tươi, tôm đất và cua gạch còn sống băm nhuyễn. Thời gian chưng nước lèo kéo dài đến 4 giờ đồng hồ để các loại phụ gia thấm đều, quanh quánh vào nhau.

Chén sứa nước lèo là sự pha hợp của nhiều hương vị. Vị thơm của rau húng hắng. Vị béo của dừa sợi. Vị bùi của đậu phụng rang. Vị chan chát của chuối, bắp chuối. Vị chua cay của xoài, ớt xanh. Đặc biệt nhất là vị giòn, ngọt thơm của sứa và nước lèo. Có dịp đến đất võ Bình Định, bạn hãy thử thưởng thức một lần món sứa nước lèo, hẳn sẽ nhớ mãi!

Bài, ảnh: Bình An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.