Bài học cho các doanh nhân tương lai

21/09/2005 21:22 GMT+7

Ngay từ khi còn ở ghế nhà trường, nhiều cuộc thi, tọa đàm… đã giúp cho sinh viên (SV) rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm thực tế, để sau khi ra trường bớt bỡ ngỡ và có thể vận dụng vào công việc của mình.

Học cách đàm phán

Với chủ đề "Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh", buổi tọa đàm do Câu lạc bộ SV nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Ngoại thương tổ chức tại Hà Nội đã thu hút rất đông SV tham gia. Chương trình đã đem lại nhiều bất ngờ thú vị.

Đàm phán là một cuộc đua

Diễn giả đầu tiên của chương trình là ông Nguyễn Thành Biên, Chánh văn phòng Bộ Thương mại, một người đã từng nhiều lần tham gia đàm phán những hiệp định quan trọng để bảo vệ lợi ích cho quốc gia trong lĩnh vực kinh tế. Ông Biên cho biết: Đàm phán như một cuộc đua và là một cuộc đấu sức rất cam go, đôi khi cần phải đánh đổi, phải nhượng bộ để có thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Một bài học mà ông Biên cho là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công của cuộc đàm phán là phải xác định được mục tiêu của cuộc đàm phán và lên các phương án dựa trên sự hiểu biết về đối tác đàm phán. Khi biết được cái đích và ý đồ của đối tác càng sát bao nhiêu thì việc chuẩn bị các phương án càng hiệu quả bấy nhiêu. Công việc tiếp theo là lựa chọn phương án để đàm phán. Ông Biên nhấn mạnh: "Thường thì những phương án đã chuẩn bị sẵn sẽ không thay đổi, nhưng tùy từng tình huống có thể phải thay đổi hoặc phải đánh đổi một lợi ích nào đấy để đạt được kết quả cao hơn (mục tiêu chính). Đặc biệt, trong khi đàm phán không được để lộ cho đối phương biết mục đích hoặc đấu pháp của mình quá sớm, như thế sẽ dẫn đến những bất lợi cho việc thực hiện ý đồ cuối cùng". Tiếp theo là việc chọn cách tiếp cận đối phương thế nào cho có duyên nhất và tạo được thiện cảm...

Với một chuỗi những kinh nghiệm cùng những dẫn dụ cụ thể trong từng lần đàm phán, ông Biên đã cung cấp cho SV những bài học bổ ích về nghệ thuật đàm phán. Một câu hỏi khá hóc búa đã được một bạn SV nêu ra: Khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã chọn phương án đàm phán từ nước lớn đến nước nhỏ và đã thành công sau 15 năm, nhưng tại sao Việt Nam lại chọn phương án ngược lại là đàm phán từ nước nhỏ đến nước lớn mà không học tập Trung Quốc? Tuy nhiên, ông Biên cho biết có những nghệ thuật trong đàm phán không thể tiết lộ. Đó cũng là những bí quyết mà người đàm phán cần phải biết lúc nào mới hé mở được!

Cô Phạm Song Hạnh, giảng viên môn Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương của Trường Đại học Ngoại thương cũng có một bài giảng hóm hỉnh và sinh động về đàm phán trong kinh doanh quốc tế.

SV học được gì?

"Tất cả mọi thành công đều phải có nghệ thuật". Đó là bài học mà Nguyễn Thị Thùy Linh, tân SV K44 vừa nhập trường, khoa Kinh tế đối ngoại tự rút ra cho mình. Linh cho biết: đến với buổi tọa đàm, Linh đã hiểu thêm về những khó khăn trong kinh doanh, biết rằng Việt Nam đàm phán để gia nhập WTO đã hơn 10 năm nay chứ không phải mới bắt đầu như bạn đã tưởng. Và điều quan trọng là Linh đã biết được khi đàm phán có bao nhiêu chiến lược, cần vận dụng chiến lược nào để thành công. Những bài học hôm nay cũng giúp Linh vận dụng ngay trong cuộc sống đời thường. "Khi đi chợ, họ thường hay nói thách, mình phải "đàm phán" thế nào để mua được đúng giá mà cả hai bên đều thoải mái” - Linh hóm hỉnh.

Nguyễn Thúy Hà, SV năm thứ hai của trường thì tâm đắc: "Em đã rút ra được nhiều bài học thực tế cho mình, nó khác hẳn với những buổi học trên lớp. Sau khi ra trường em có thể vận dụng được vào công việc của mình".

Phát biểu của Linh và Hà phần nào khẳng định được sự thành công của buổi  tọa đàm vì đó cũng chính là mong muốn của người tổ chức. Trước đó, bạn Đỗ Thùy Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ SV nghiên cứu khoa học của trường đã nói với tôi: "Mục đích của việc tổ chức buổi  tọa đàm là muốn mang đến cho SV một cách học mới".

Cuộc thi là một thương trường

Ngay từ trước khi trận chung kết cuộc thi "Thắp sáng tài năng" (do Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội) diễn ra, bạn Hồ Anh Dũng - gương mặt đoạt giải nhất cuộc thi đã nói: "Cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ không chỉ mang tới một sân chơi kinh tế cạnh tranh lành mạnh, quyết liệt mà còn thực sự là một thương trường cho những ai mơ ước tiến bước trên con đường kinh doanh, mà trên con đường ấy chỉ có những tâm huyết, say mê và tài năng mới thành công". Dũng đã đoạt giải nhất với giải thưởng là 20 triệu tiền mặt và 1 suất học bổng toàn phần chương trình HSB MBA tại khoa Quản trị kinh doanh HSB - Đại học Quốc gia Hà Nội (tổng giá trị là 100 triệu đồng).

Cuộc thi "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ" diễn ra trong vòng 6 tháng. Đây mới chỉ là bước đầu của quá trình 3 giai đoạn: tìm kiếm tài năng; đào tạo bồi dưỡng tài năng (chương trình học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội kéo dài 2 năm); tạo cơ hội phát triển tài năng với 5 năm làm việc dưới sự hướng dẫn của các doanh nghiệp bảo trợ.

Quả vậy, 6 bạn vào vòng chung kết đã phải vượt qua 33 thí sinh của vòng 4 đều có học lực khá, giỏi và đều có khát vọng thành đạt trên con đường kinh doanh. 4 vòng thi sơ khảo gồm: kiến thức và năng lực cơ bản, thi TOEFL, IQ, GMAT; tố chất cá nhân: thi viết luận, phỏng vấn, các trò chơi thể thao và nghệ thuật; kế hoạch kinh doanh: viết và bảo vệ kế hoạch kinh doanh; năng lực vượt trội.

Tham dự cuộc thi, bạn Trần Hồng Dương - SV Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội "trình làng" bằng câu nói ưa thích: "Tại sao không làm chiếc bánh to hơn mà cứ phải giành bánh của nhau?". Dương lập dự án kinh doanh về đề tài "Trường mẫu giáo chất lượng cao" vì qua tiếp xúc, tìm hiểu bạn nhận thấy một khoảng cách rất lớn về kiến thức, sự tự tin, khả năng tiếp cận, xử lý tình huống... giữa học sinh các nước phát triển và học sinh Việt Nam.

Bạn Trần Nguyên Khôi còn tự tin hơn. Bạn bảo: "Tôi sinh vào ngày 26/3/1982, có lẽ do sinh vào ngày này nên tôi rất thích tham gia các hoạt động phong trào. Tôi đã tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chuyên ngành kinh tế biển cách đây 1 năm, sắp tới tôi sẽ tốt nghiệp khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên chuyên ngành thống kê. Tham gia cuộc thi, phần thi lý thú nhất đối với tôi là business game, bởi nó đòi hỏi tinh thần đồng đội, kỹ năng làm việc nhóm rất cao”.

Đề tài dự thi của Khôi là "Công viên nghĩa trang chôn cất người chết". Khôi tiết lộ: "Sở thích lớn nhất của tôi chính là đi thi, vì các cuộc thi chính là nơi rèn luyện tốt nhất bản lĩnh, kiến thức của mình. Tôi còn có những cảm xúc thật hồi hộp, khó tả khi tham gia những cuộc thi như vui mừng, thất vọng, buồn chán". Mục đích dự thi cũng nhiều: tìm kiếm giải thưởng và các cơ hội học tập về sau, giao lưu, trao đổi với các bạn trẻ khác, ứng dụng các kiến thức ở nhà trường vào thực tế, thử nghiệm các ý tưởng của bản thân, giao lưu, học hỏi với các nhà doanh nghiệp khác, học tập các kinh nghiệm ngoài thực tế, rèn luyện bản thân về kinh nghiệm và kiến thức.

Bạn Hồ Anh Dũng luôn coi cuộc thi là một cơ hội thực sự, đặc biệt là để thử sức và rà soát lại mình, như một đợt kiểm tra quan trọng để tiến ra đến cửa ngõ của nghiệp kinh doanh. Với Dũng thắng thua không thật quan trọng và trong cuộc sống Dũng đã gặp rất nhiều khó khăn cả về tài chính và tình cảm. Dũng nhận xét, chất lượng thí sinh dự thi đều rất "nặng cân" nên cuộc thi rất quyết liệt, lý thú, như một môi trường kinh doanh ảo khiến ai cũng phải thể hiện tất cả những gì mình có: từ hiểu biết kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử đến việc bộc lộ những tố chất nổi trội, lòng đam mê kinh doanh.

Hồ Anh Dũng - giải nhất cuộc thi "Thắp sáng tài năng"

Vũ Thơ - Kiều Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.