Những chuyện ma trong ký ức

08/11/2008 20:15 GMT+7

Cho đến năm lên bảy tuổi, tôi vẫn mắc chứng tè dầm. Đó là một trong hai điều rất đáng ngượng ngùng của tuổi thơ tôi (điều thứ hai là năm mười hai tuổi tôi lại phải cạo trọc đầu do bệnh trốc). Hệ lụy của chứng tè dầm thì không thể nào kể cho hết. Đêm đêm, mọi giấc mơ của tôi đều dẫn tới một kết cuộc là tôi vào nhà vệ sinh hoặc ngồi ngay trên cánh đồng mà tiểu thật đã đời. Và đêm nào cũng như đêm nào, đúng lúc tôi đang hồn nhiên “giải quyết bức xúc” thì tôi lại giật mình thức giấc bởi tiếng mẹ lật chăn lật chiếu.

Tôi hết sức xấu hổ nhưng không thể nào chủ động chấm dứt được những giấc mơ với hồi kết như vậy.

Ngày đó ở quê, nhà nghèo, làm gì có chuyện phòng riêng phòng chung. Cả gia đình tôi cùng chen chúc sắp lớp trên một cái giường mét tư, và mẹ tôi hễ đã thức giấc vì tôi thì thường bị mất ngủ luôn cho đến sáng.

Bố mẹ tôi đã tìm đủ mọi cách để chữa cho tôi khỏi bệnh. Nghe cụ Toan hàng xóm bảo ăn nhện nướng sẽ khỏi, mẹ tôi rình rình bắt được con nhện cái đang chửa, cái bụng tròn căng ôm một bọc tơ dày và trắng như một nhúm bông bé xíu. Mùi nhện nướng quả thật thơm lừng, nhưng tôi không cách gì bỏ những của ấy vào mồm. Tôi tưởng tượng ra những cái chân nhện lông lá nghễu nghện kia sẽ bò lổm ngổm ngay trong bụng mình và cả lũ nhện con sẽ túa ra khắp bốn phương tám hướng, chui ra từ miệng, từ mũi, từ rốn... Cuối cùng, do tôi không chịu món thuốc nhện, mẹ tôi đã phải lóc cóc đạp xe ra tận phố huyện để cắt thuốc Bắc về sắc cho tôi uống.

Đó là một buổi tối mùa đông rét mướt, tiếng gió xào xạc, u u cứ từ vườn chuối nhà ông Tường vọng sang nghe thật ma quái. Nhà tôi nằm cuối cùng trong một con ngõ nhỏ mà sâu hun hút. Ngõ đó đi qua nhà ông Trình. Mà nhà ông Trình lại có cây duối to đùng nghe nói là nơi chôn rất nhiều dân quân trong làng bị Tây bắn chết trong thời chống Pháp. Ngay cả người lớn như bố tôi, mỗi lần có việc đi đâu về khuya qua đó là lại chạy huỳnh huỵch y như bị ma đuổi. Chúng tôi còn nghe thấy tiếng hai con chó to như hai con bê nhà ông Trình sủa chồm chồm chẳng khác gì bị ma nhập.

Mẹ rót từ cái ấm đất ra một bát thuốc đen ngòm, bốc khói ngùn ngụt giữa trời đông lạnh cóng. Cái thứ nước đen sì đó tôi đã thử nếm lúc trưa, nó đắng nghê đắng nghét, gắt ghê cả cổ họng. Khi mẹ bưng tô thuốc tới trước mặt, tôi len lét chạy biến vào trong buồng. Mẹ vào buồng lôi tôi ra ngoài. Bố tôi cầm cây roi dứ dứ như sắp sửa đét vào mông. Anh trai tôi cũng đứng cạnh, vẻ rất hiếu chiến. Chắc anh có nhiệm vụ canh giữ, nếu cần, chắc anh sẽ kẹp cứng tay chân tôi lại và đổ thuốc vào mồm tôi...

Bố đã sốt ruột, giọng bắt đầu nghiêm trọng: “Có uống không? Hay là muốn ra đứng bên gốc duối nhà ông Trình?”. A, hẳn bố đã túm được gót chân Asin của tôi. Và có vẻ bố sẽ thực hiện ý định đó thật, trước một đứa con ngoan cố. Tôi nghe bố ra lệnh cho anh trai: “Bế nó ra!”. Lập tức anh bế xốc tôi lên. Tôi cố trườn xuống mà không cách gì làm được nên òa lên khóc. Anh đã mang tôi đi ra tới cổng ngõ. Tôi run lẩy bẩy khi thấy chân mình đã chạm xuống đất. Ngay lập tức, bố và anh biến mất vào bên trong và cánh cổng đóng sập lại.

Bóng tối đen kịt trong ngõ sâu thăm thẳm. Tôi có cảm giác mình đang đứng giữa cánh đồng đầy ma. Chao ôi, một lũ ma đang tụ tập phía cây duối nhà ông Trình, cười lên khành khạch. Nước mắt tôi trào ra ướt sũng cả cái khăn quàng cổ. Tim tôi đau thắt lại khi hai con chó to như hai con bê và quái dị như hai con quỷ nhập tràng nhà ông Trình bắt đầu huỳnh huỵch leo lên bờ tường, sủa ồm ồm như bò rống. Tiếng xích va đập vào nhau xoang xoảng nghe thật rùng rợn. Mắt tôi mờ đi, cổ tắc nghẹn không thở được... Từng bóng ma đội gốc duối chui lên, đang tiến lại phía tôi, mặt đen sì, những hốc mắt trắng dã, vừa đi vừa lướt...
Mẹ ơi... Tôi gào lên đầy thương tâm, rồi không biết trời trăng gì nữa...

Kể từ hôm đó, tôi ngoan ngoãn chịu uống thuốc. Với tôi, bát nước dù có đắng nghét thì dẫu sao cũng còn dễ chịu hơn nhiều so với việc phải đứng một mình cô độc trong ngõ tối đầy
ma hãi hùng...

***

Làng tôi ngày đó đất rộng người thưa, cây cối um tùm, đi tới đâu cũng có cảm giác là có cả một đám những con ma đang bám theo sau. Những khóm tre, bụi chuối đêm đêm bị gió đẩy đưa nghiến vào nhau tạo ra những âm thanh kẽo kẹt, đầy hoang vu, đe dọa. Bao quanh làng là những cánh đồng, những thửa bãi có những cái tên nghe rợn tóc gáy: Mả Bính, Mả De, Hố Soi, Dốc Quỷ... Nghe nói xưa kia những nơi đó toàn chôn kín người chết.

Ao hồ thời đó cũng nhiều. Thỉnh thoảng cả làng lại xôn xao vì tin trẻ con bị trượt chân chết đuối dưới ao hoặc đi tắm hồ bị ma dìm... Kho tàng chuyện ma của bố tôi thì thật bao la bát ngát. Tối nào ăn cơm xong cả nhà tôi cũng quây quần quanh cái bàn gỗ, vừa tẽ ngô dưới ánh đèn dầu vừa nghe bố tôi kể chuyện. Mà toàn những chuyện về các nhân vật có thật trong làng.

Giọng bố làm ra vẻ dặt dìu, hồi hộp: “Một buổi chiều cuối năm, bà Biên dắt cháu nội là chị Mai đi ra bãi trồng ngô. Tối mịt hai bà cháu mới dắt nhau về. Về đến nhà bà Biên mới hốt hoảng vì chẳng thấy chị Mai đâu. Rõ ràng là bà đã nắm chặt tay chị Mai suốt quãng đường dài về nhà cơ mà... Bà tá hỏa báo cho đội dân quân và cả xóm làng biết.

Mọi người bèn tỏa đi khắp nơi, người chạy xuống Mả Bính, Hố Soi, người vòng ra sau núi, người thì ra mấy cái hồ ở ven đê gọi tên chị Mai vang dội cả làng. Cuối cùng, ông Cả Dính đã dắt được chị Mai về, lúc đó là gần 1 giờ sáng. Ông kể, run rủi thế nào mà ông cứ đi lần mò xuống tận Mả De, cách làng phải đến 2, 3 cây số. Rồi ông chạy băng băng qua những ruộng mía cao quá đầu người ra đến tận bờ sông Đáy. Chợt ông muốn bay cả hồn vía khi nghe đâu đó có tiếng khóc rấm rứt. Ông vội soi đèn pin khắp nơi. Khi nhìn ra giữa dòng sông thì thấy chị Mai đang vật vờ ở đó, nước đã ngập đến cổ.

Người ta nói rằng chị Mai đã bị ma rủ. Nhưng vì chị cao số nên ma không thể dìm chết chị. Cũng may khúc sông này hẹp, nước lại cạn. Ông Cả Dính đã
bế chị Mai chạy thục mạng về làng. Lúc đó chị Mai mới dần tỉnh khỏi cơn mộng du và ôm chặt lấy bà nội mà khóc nức khóc nở”...

Mấy chị em tôi ôm chặt lấy nhau, đứa nào đứa nấy cố rúc người vào phía trong. Lại còn chuyện ông Bùn hàng xóm nhà tôi cuốc phải một ngôi mộ ở Mả Bính – nơi chôn toàn trẻ em chết vì bệnh tật. Đó là ngôi mộ của cháu nội cụ Kế. Ông Bùn đã cuốc tung cả cái nắp sành lên nhưng lại không lấp đất lại, cứ thế bỏ về. Sau ít ngày, ông Bùn chết hết sức đột ngột. Các cụ trong làng nói ông Bùn sau khi chết đã đầu thai làm con chó nhà cụ Kế, chuyên đi hầu hạ dọn phân cho những đứa cháu được sinh ra sau này ở nhà cụ. Hễ đứa cháu nào của cụ ị là
con chó lập tức đến liếm sạch cả đít và ăn sạch cả phân.

Sau khi trả xong nghiệp chó cho những tội lỗi trong kiếp người, nó cũng già và chết đi, lại thành con ma chó chuyên sủa ăng ẳng trong đêm. Những buổi trưa hè oi bức, chúng tôi thường chơi trốn tìm. Tôi và chị gái đã vài lần loáng thoáng nhìn thấy bóng một con chó đen sì thoắt ẩn thoắt hiện sau đống rơm. Rồi nó đứng khuất ở đâu đó sủa nhấm nhẳng rất kỳ lạ. Đúng là nó có gương mặt giống hệt ông Bùn.

Chúng tôi luôn tin sái cổ tất cả những câu chuyện ma đó. Biết được cái thóp này, bố mẹ luôn dọa chúng tôi là phải học giỏi và ngoan thì mới không bị ma rủ. Quả thật nhờ những con ma nhà ông Trình mà tôi đã khỏi được bệnh đái dầm một cách kỳ diệu.

Lớn thêm vài tuổi, tôi nghịch như giặc. Có lần tôi tham gia một vụ hái trộm hoa ở vườn hoa mẫu giáo cùng với mấy đứa trong xóm. Hái được hoa xong thì trời tối mịt. Cả bọn vừa đi vừa chạy cho mau về nhà. Về ngang bụi tre nhà bà Toản thì đứa nào đứa nấy cố chạy thục mạng. Bố tôi bảo bụi tre này là nơi tụ tập của rất nhiều oan hồn. Ai đi qua đó vào ban đêm đều nhìn thấy một cây tre ngã xuống chắn ngang đường. Người nào không biết mà bước ngang qua là cây tre lập tức vụt thẳng đứng lên, nhấc bổng người đó lên không trung. Trong bụi tre lúc nào cũng có tiếng lợn con kêu eng éc.

Cả bọn tôi đang chạy, bỗng có đứa ngã lăn quay ra. Thần hồn nát thần tính, cả lũ vấp nhau ngã theo dúi dụi. Máu từ cánh tay tôi túa ra đau rát nhưng tôi không cách gì vùng dậy được, chỉ còn biết nằm im chờ ma đến bắt đi. Bên tai tôi văng vẳng tiếng rầm rì rầm rì như tiếng trò chuyện ở cõi âm. Rồi một bàn tay lay lay vai tôi. Mở mắt ra, tôi khóc thét khi thấy trước mặt mình là chú Ngà. Tôi giãy giụa, vùng vẫy để cố vuột khỏi bàn tay cứng như thép của chú. Người ta bảo chú Ngà bị ma nhập từ năm mười sáu tuổi. Chú cứ nói chuyện lầm rầm một mình suốt ngày suốt đêm, mò mẫm đi lại khắp làng khắp xóm, lang thang ở những bãi ngô bãi mía không kể đêm ngày. Người ta còn đồn mẹ chú trước đây
đã đẩy một người từ trên núi ngã xuống vực chết ngay tại chỗ. Từ đó, con ma đã về nhập vào chú để trả thù.

Tôi cảm nhận được chú Ngà, à không, con ma, bế bổng tôi lên rồi đi phăng phăng về phía ngõ nhà tôi. Tới cổng nhà ông Trình, dù có nhắm tịt mắt thì
tôi vẫn biết rõ cái gốc duối tối đen tối đặc, đầy âm khí ấy. Nhưng thật lạ, hai con chó ngồi chồm hổm trên bờ tường ngoan ngoãn nhìn chú đi qua, không nhảy lồng lên sủa tán loạn như mọi khi. Rõ ràng tôi thấy chú Ngà có thì thầm gì đó với chúng, như thể chú ra lệnh cho chúng vậy.

Đến cổng nhà tôi, chú nhẹ nhàng đặt tôi xuống. Ngay lập tức tôi chạy ào vào sân, lao đến ôm chặt lấy mẹ khóc nức nở. Sau khi nghe tôi tiếng được tiếng mất kể lể sự tình, mẹ liền trấn an: “Chú Ngà dù bị ma nhập, dù bị điên nhưng mà chú hiền lắm, chẳng làm gì hại ai bao giờ. Chỉ có những người khôn thì lại làm hại chú ấy”.

***

Tôi đi học biền biệt rồi đi làm xa làng biền biệt. Mỗi lần trở về, lại thấy nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Ngày xưa nhà đá ba gian tuềnh toàng, đường đất đầy phân bò phân trâu, bây giờ là những ngôi nhà ba, bốn tầng xây theo kiểu thành thị. Đường đất đã được đổ bê tông phẳng phiu sạch sẽ. Đáng nói nhất là đất ruộng đất bãi quanh làng đã được quy hoạch thành những khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng. Mỗi gia đình đều phấn chấn vì có được khoản tiền bán đất kếch xù so với thu nhập èo uột từ việc “bán mặt cho đất bán lưng cho giời” trước kia. Mả De, Mả Bính, Hố Soi, Bãi Hoang... đều mọc lên nhiều trang trại trồng trọt chăn nuôi, hoặc được  xây tường bao quanh từng miếng một, không hề còn vẻ xa xôi hoang vắng.

Cô Mai bị ma rủ xuống sông năm nào, giờ đã có cháu nội cháu ngoại. Cô bảo: “Hồi đó tao chơi với ma hoài. Giờ thì người sống còn chả có đủ chỗ mà ở, huống gì ma. Mà những hồn ma đó chắc cũng đã đi đầu thai hết rồi. Dưng mà, bây giờ trẻ con người lớn chẳng còn con ma nào để sợ thì cũng mất vui...”.
Chú Ngà đã chết cóng từ cách đây mấy năm. Người ta đã tìm thấy chú nằm chết cứng đơ ở dưới Hố Soi. Vậy là có người ngang nhiên đến sống trong căn nhà tuềnh toàng của chú, khỏi mất công tranh chấp, tai tiếng. Ao, hồ cũng đã lấp hết rồi, trẻ con chả còn lo bị chết đuối. Làng bây giờ cả đêm lẫn ngày cứ tấp nập, huyên náo. Những quán karaoke hát oang oang cả ngày đêm ở khu Chợ Dầu. Quán cà phê cứ dập dìu những chàng trai cô gái đến tuổi cập kê. Internet, game online cũng đã mò về tới làng khiến lũ trẻ không còn ham chơi thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, đánh bi đánh đáo như chúng tôi hồi nhỏ...

“Chẹp, dân nghiện hút bây giờ nhiều lắm mày ạ. Trộm cắp như rươi. Giờ đi đêm chẳng còn sợ ma mà chỉ sợ có thằng nghiện nào cầm dao xông ra đâm cho một nhát là toi đời” – cụ Nhót năm nay đã tám hai tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, kể lể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện dời đổi ở làng.

Tôi lững thững đi lòng vòng về chỗ ngôi nhà cũ. Ngang qua bụi tre thuở tôi bị ngã chảy máu rồi được chú Ngà bế về, tôi không còn thấy lạnh gáy nữa, dù cũng đã 11 giờ đêm. Bởi thay vào chỗ bụi tre um tùm nghiến kẽo kẹt năm xưa giờ là nhà cửa san sát, đèn điện sáng choang từ trong ra ngoài.

Tự dưng, tôi bỗng thèm cảm giác được chạy thục mạng như có ma đuổi. Lơ ngơ ngó quanh ngó quất khắp nơi, tôi bỗng giật thót người vì có tiếng rầm rì rầm rì thật lạ từ trong góc khuất ở tam cấp một ngôi nhà. Tôi vừa toan lấy đà vọt cho nhanh thì nghe tiếng khúc khích: “Chị My phải không? Chị về bao giờ đấy? Chị gan thật, dám đi đêm một mình không sợ mấy đứa nghiện nó bắt cóc sao?!...”.

Thì ra là bé Dư con chú Đốc đang ngồi tâm tình với bạn trai.

Tôi hít một hơi thật sâu rồi thở ra thật dài. Tụi chúng nó bây giờ chắc chẳng còn biết sợ ma như chúng tôi ngày xưa nữa. Và chắc hẳn chúng cũng có một ký ức tuổi thơ rất khác...

Truyện ngắn của Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.