Vẫn còn được sống - Kỳ 5: Vì cuộc sống tiếp diễn

14/11/2010 10:46 GMT+7

“Nhà Toan siđa phải không?” - người đàn ông ở đầu thôn 6, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hỏi rồi chỉ đường. Sáu năm qua, người phụ nữ xinh đẹp này đã trở thành một người “nổi tiếng” như vậy.

Sự cố cuộc đời

Chị Vũ Thị Toan quê xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình. Như bao người con gái quê mùa khác, chị lớn lên, lấy chồng cùng làng rồi sinh con. Năm 2002, nụ cười của đứa con gái như quả ngọt của tổ ấm vừa xây làm chị hạnh phúc. Nhưng chỉ chưa đầy hai năm sau, những ngày tối tăm nhất ập đến.

Chồng chị bắt đầu bị những bệnh lặt vặt, bị zola, bị sốt... Ngay sau đó chị bị tiêu chảy và sốt liên tục, sụt cân nghiêm trọng, có lúc sụt đến 13kg. Thời gian đó chồng chị chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, người ta nghi anh nhiễm bệnh nhưng không hiểu sao anh cũng được tuyển đi. Người ở làng cũng đồn đoán mẹ con chị bị bệnh như thế.

Từ ngày chồng đi, chị Toan sống vật vã ốm yếu và có lúc đau đến quặn lòng vì lời dè bỉu của người xung quanh. Chị nhớ lại: “Người ta đồn mình mắc bệnh, đi ra đường lúc nào cũng bị soi mói”. Ở nhà bố mẹ chồng không biết nghe ai cũng tin chị đổ bệnh cho chồng, giận không nói một lời nào với chị. Chị như cái bóng trong nhà, đi về chào hỏi ông bà cũng không đáp. Hàng xóm người ác miệng đồn chị có thời lên Hà Nội bán hàng thuê cho bà dì là nói dối.

Người xung quanh nhìn chị và đứa con gái như thể đợi xem chị chết đến đâu rồi. Chị kể lại trong nước mắt: “Nhà nghèo quá tôi phải đi làm thuê, bán hàng đầu tắt mặt tối ở cửa hàng bà dì trên Hà Nội. Tuy ít học nhưng tôi cũng biết phải trái, làm sao có thể đi làm gái chơi bời kiếm tiền chứ”.

Có một lần chị cứ thế xăm xăm từ nhà bố mẹ chồng đi về TP Thái Bình, vừa đi vừa quyết nhảy xuống sông tự tử chết cho rồi. Nhưng người đàn bà có con ấy lại tỉnh ra để hiểu rằng: “Mình chết nghĩa là mình tự nhận mình đổ bệnh cho chồng.

Tôi không làm bất cứ gì sai. Tôi sống để đợi chồng về chứng minh cái bệnh ấy từ đâu ra, ai gây ra chuyện đó”. Cứ thế, chị Toan lầm lũi sống để chăm sóc con và đợi chồng về. Nhiều lúc nhìn con gái ra ngoài chơi rồi lại đi về mặt buồn so, chị thấy đắng lòng. Cháu bé chẳng bao giờ mách chị chuyện gì, nhưng là mẹ chị hiểu căn bệnh HIV mà cháu mang trong người cũng thành cái tội để người đời phán xét.

Một năm sau chồng chị bị công ty thải hồi về VN vì xác nhận nhiễm HIV. Hai vợ chồng đưa nhau đi xét nghiệm và lần đầu tiên hiểu rằng mình thật sự nhiễm bệnh. Chị ôm con lên phòng khám để nhận được tin sét đánh cháu bị nhiễm do từ mẹ lây sang lúc sinh. Chị không tin, cứ thế đưa con ra bệnh viện tỉnh, đi Hà Nội xét nghiệm tới lui mấy lần nữa để rồi phải chấp nhận sự thật vì ba lần cháu đều có kết quả giống nhau. Chị khóc: “Tôi đã hi vọng ở Thái Bình người ta xét nghiệm sai, cứ hi vọng cho con. Cha mẹ bệnh đã đành...”.

Vì ai cũng cần sống tiếp

Mãi sau khi người chồng thẳng thắn thú nhận với cha mẹ rằng bệnh tật do anh lây cho vợ con, bố mẹ chồng mới hết giận chị.

Từ ngày biết mình mắc bệnh, chị Toan và tám người bạn cùng cảnh khác lập thành nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” ở tỉnh Thái Bình.

Trong những buổi tuyên truyền phòng chống AIDS, chị và chồng sắm hai vai trong vở chèo tự dựng, hát về nỗi niềm của mình, kể câu chuyện bi kịch gia đình mình. Sân khấu chèo của Câu lạc bộ văn nghệ Hương Lúa của người nhiễm HIV sôi nổi hơn với cả nhà chị Toan tham gia.

Lần đầu tiên lên sân khấu, chị Toan không ngần ngại cho tất cả người già, người trẻ bên dưới biết mình là người có HIV. Nhiều khi vở diễn của chị và chồng khiến người ta bật khóc. Ít ai biết chị đang diễn vở hát đời mình, cay đắng đau thương bao nhiêu cũng gom vào đấy cả.

Bây giờ chị là tư vấn viên ở phòng khám ngoại trú, khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Mỗi buổi sáng chị ngồi tiếp hàng chục bệnh nhân mới đến khám lần đầu hoặc nhận kết quả xét nghiệm. Chị đưa chính bản thân mình, căn bệnh, nỗi đau của mình để giúp những người nhiễm bệnh nhận ra cuộc sống không kết thúc ở tờ giấy kết quả xét nghiệm. Có ngày chị tiếp đến 30 bệnh nhân, nghe những bi kịch gia đình, nhìn những phụ nữ khóc ngất mà chị vẫn phải mỉm cười, nước mắt trôi ngược vào trong. Chị nhắc đi nhắc lại với những cô gái tuyệt vọng: “Chị đau thế này mà vẫn sống đấy em!”.

Có lần một cô gái tên Thủy đến khám lần hai tại phòng khám. Khi lấy máu xét nghiệm chị không dùng găng tay mà nắm lấy tay Thủy. Thủy giằng ra hét lên: “Chị mặc em!”. Ngồi ở phòng đợi Thủy khóc không ngớt. Chị Toan chỉ nói được mấy lời: “Bạn nhìn Toan đây, Toan có cuộc sống đau khổ thế nào, chồng qua đời, con thì bệnh, thất bại điều trị bậc 2. Toan vẫn phải cố sống đấy thôi”.

Chị lấy nỗi đau của mình để người bệnh khác biết dù có tuyệt vọng hơn nữa người ta vẫn có thể sống được. Lần khám sau đó, Thủy đến nói với chị: “Không có Toan hôm ấy thì Thủy sẽ tự tử vì chẳng biết phải sống thế nào nữa”. Giờ đây Thủy vẫn khỏe mạnh với các đợt điều trị và trở thành người bạn rất thân của chị Toan.

Chị Toan mỉm cười kể về công việc của mình: “Toan thấy thái độ của bệnh nhân thay đổi theo chính cuộc sống của mình. Toan cố gắng sống tốt, người ta nhìn thấy thế sẽ lạc quan và thay đổi suy nghĩ rất nhiều. Chuyện càng buồn Toan càng phải làm người ta vui. Cuộc sống này của Toan đã buồn rồi, phải có cách nào đó làm cho người mới phát hiện bệnh khác đi chứ”.

Bây giờ chị Toan lấp đầy thời gian của mình bằng những ngày làm việc ở bệnh viện, những buổi đi tuyên truyền, nói chuyện về HIV, những buổi chiều hoặc giữa khuya đến chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bố mẹ chồng hiểu con dâu nên dành những khoảng thời gian quý giá để chị có thể làm được những việc tốt mà chị yêu thích.

Con gái Hà Kiều Anh của chị năm nay học lớp 3, cháu rất xinh và học giỏi nhất lớp. Trường học đã thôi ghét bỏ đứa trẻ nhiễm HIV. Cô giáo chủ nhiệm lúc nào cũng chăm sóc cháu, còn các bạn không còn ghét bỏ, xa lánh. Mỗi buổi sáng cháu đi học rồi về nhà ông bà ngoại ăn cơm, ngủ trưa. Thời gian còn lại trong ngày cháu sống trong sự săn sóc, thuốc men của ông bà nội.

Chị Toan nói nhẹ bẫng về cuộc sống của mình: “Chẳng ai muốn mình như thế, không may mình rơi vào hoàn cảnh thì chịu. Mình sống tốt những ngày còn lại, không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng”. Có lẽ người phụ nữ với đôi mắt ướt mềm ấy kiên cường trước mọi thứ cũng vì có được suy nghĩ này.

Chị Toan sống hơn tám năm với HIV và thấy mình có ích hơn mỗi ngày trong cuộc sống đầy trăn trở của làng quê bé nhỏ nhiều bi kịch mà chị đang chứng kiến.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.