Những thí nghiệm phi nhân

07/10/2010 23:15 GMT+7

Vụ thử nghiệm của các bác sĩ Mỹ tại Guatemala một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về đạo đức của những người mang đồng loại ra làm “chuột bạch”.

Hôm 1.10, Washington phải lên tiếng xin lỗi về việc khoảng 1.600 người Guatemala bị các bác sĩ Mỹ truyền lậu, giang mai và hạ cam trong giai đoạn 1946 -1948 để thử nghiệm tác dụng của penicillin đối với các bệnh lây qua đường tình dục. Hành động này được sự tài trợ của Viện Y học quốc gia Mỹ và Chính phủ Guatemala khi đó bật đèn xanh. Hơn 60 năm sau, vụ thử nghiệm phi nhân tính này mới bị giáo sư Susan Reverby thuộc Đại học Wellesley đưa ra ánh sáng. Đây không phải lần đầu tiên việc dùng người làm vật thí nghiệm bị phanh phui. Chúng không phải là sản phẩm điên loạn của các tay bác sĩ “đồ tể” phát xít Đức hay Nhật mà là các thử nghiệm của các bác sĩ “đàng hoàng” và những tập đoàn dược, bất chấp mọi nguyên tắc của y đức và pháp luật.

Vì “mục đích khoa học”

Để một liệu pháp điều trị hoặc một loại dược phẩm mới được áp dụng rộng rãi, các cơ sở nghiên cứu y dược bắt buộc phải thử nghiệm qua người. Nhưng những thử nghiệm này đều được quy định vô cùng chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, đôi khi một số hãng dược, phòng nghiên cứu “phớt lờ” luật pháp để đẩy nhanh tiến trình, bất chấp mọi rủi ro. Nạn nhân của những vụ thử nghiệm này thường là người nghèo khổ, ít hiểu biết, người có địa vị thấp và đặc biệt là người dân ở các nước thuộc thế giới thứ 3. Các đối tượng này sẽ khó khiếu nại hay kiện tụng một khi sự cố xảy ra.

Năm 2007, tờ Le Point kể lại vị đắng đằng sau những viên kẹo ngọt được trẻ em Thụy Điển dùng theo một thời khóa biểu rất khoa học. Trẻ em nước này được cha mẹ cho ăn kẹo “thả giàn” vào thứ bảy, những ngày khác thì hạn chế dùng. Hành động này dựa trên khám phá của các nhà khoa học Thụy Điển: ăn hết “khẩu phần” kẹo ngọt trong một ngày sẽ giúp giữ vệ sinh răng miệng tốt hơn là mỗi ngày nhâm nhi một ít. Một khám phá khoa học lẽ ra rất có ích cho cộng đồng nếu như mặt trái của nó không được sử gia Elin Bommenel phanh phui. Trong những năm 1950, các chuyên gia Thụy Điển đã bắt hàng trăm người thiểu năng trí tuệ “ngốn ngấu” hàng tá loại kẹo nhiều lần mỗi ngày, trong suốt 5 năm, để nghiên cứu tác hại của đường lên răng. Nhẫn tâm hơn, họ hoàn toàn không được phép chữa răng sâu khi giai đoạn thử nghiệm chưa kết thúc.

Trở lại Mỹ, một nghiên cứu về bệnh giang mai cũng phi nhân tính không kém từng được thực hiện tại thành phố Tuskegee, bang Alabama trong giai đoạn 1932-1972. Trong suốt 40 năm, các bác sĩ Mỹ theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của khoảng 400 người Mỹ da đen bị nhiễm giang mai mà không hề cho họ biết hay chữa trị gì cả. Hậu quả là khoảng 200 người thiệt mạng và hàng chục người bị lây nhiễm. Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, chính quyền phải ra nhiều đạo luật siết chặt hoạt động nghiên cứu có đối tượng là con người.

Nhân đạo trá hình

“Đại gia” ngành dược phẩm của Mỹ Pfizer cũng bị cáo buộc phạm luật khi thử nghiệm thuốc Trovan chống viêm màng não lên trẻ em Nigeria trong cơn dịch năm 1996. Theo Washington Post, cái chết của một bé gái Nigeria 10 tuổi nhiều khả năng do cách làm việc tắc trách đến nhẫn tâm của Pfizer. Người Mỹ chỉ biết đến em bé xấu số bằng một mã số: 6587-0069. Em chỉ nặng 18,6 kg và mắc bệnh viêm màng não khi dịch bệnh tràn vào thị trấn nghèo khổ Kano, bắc Nigeria vào năm 1996. Tại trạm y tế, “6587-0069” được các bác sĩ nước ngoài cứu chữa và cấp thuốc miễn phí. Gia đình em không biết rằng đoàn bác sĩ và nhà nghiên cứu này là của Pfizer.  

Đây là cơ hội bằng vàng để Pfizer thử nghiệm thuốc kháng sinh Trovan, theo phân tích của Wall Street Journal, có thể đem lại doanh thu 1 tỉ USD/năm nếu được phép bán ra thị trường. Tại Mỹ, Pfizer không kiếm đủ lượng người tham gia thử nghiệm nên đã gửi một nhóm chuyên gia sang Kano tham gia “cứu trợ”.

Các bác sĩ của Pfizer lấy mẫu dịch não tủy của bé gái kể trên và lưu thông tin của em là bệnh nhân số 0069 của thử nghiệm 6587. Họ chỉ định cho em uống 56 mg Trovan. Được 3 ngày thì bé gái tội nghiệp qua đời. Trong hồ sơ của Pfizer chỉ ghi ngắn gọn: “Liều không đổi” và “Kết quả: chết”. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về cách hành động của Pfizer, đặc biệt là việc áp dụng một loại thuốc chưa được công nhận lên trẻ em. Về nguyên tắc, khi thuốc thử nghiệm được áp dụng lên bệnh nhân tỏ ra không hiệu quả, cuộc thử nghiệm phải dừng ngay lập tức và bệnh nhân phải được chuyển sang dùng những loại thuốc đã được công nhận. Cho đến lúc qua đời, “6587-0069” vẫn chỉ được dùng thuốc thử nghiệm. Washington Post dẫn lời bác sĩ Evariste Lodi thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới từng chữa bệnh tại Kano nói: “Đó là một tội ác”. Bác sĩ người Nigeria Agwu Urondu bổ sung thêm: “Bé gái ấy chết vì các bác sĩ của Pfizer từ chối chữa trị đúng cách”.

Trong số 200 trẻ viêm màng não năm 1996 bị đem thử thuốc ở Kano, 11 em tử vong và nhiều em khác chịu những di chứng nặng nề: điếc, mù, đi lại khó khăn… Pfizer tuyên bố mục đích của cuộc thử nghiệm nhằm nghiên cứu tính hiệu quả của thuốc Trovan và “có thể chấp nhận về mặt khoa học, y học lẫn đạo đức”. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho thử nghiệm tại Nigeria chỉ diễn ra trong 6 tuần, ít hơn nhiều so với hơn 1 năm tại Mỹ. Không chỉ thế, trong khi phần lớn người tham gia ở Mỹ được tiêm tĩnh mạch thì các bệnh nhi Nigeria hầu hết phải uống thuốc viên, phương pháp mà chính Pfizer thừa nhận là chưa từng áp dụng trên trẻ em.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.