Những ngành nghề của tương lai

11/11/2011 17:47 GMT+7

Hiện nay, nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tương lai. Người học các ngành này có rất nhiều cơ hội trong học tập và công việc sau khi ra trường.

Hiện nay, nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tương lai. Người học các ngành này có rất nhiều cơ hội trong học tập và công việc sau khi ra trường.

Phục vụ nhu cầu trước mắt

TP.HCM là nơi đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch triển khai một số dự án tàu điện ngầm (metro) từ năm 2007. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho quy hoạch trên, một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM đã bắt tay đào tạo ngành học này, như: ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải cơ sở II, ĐH Bách khoa TP.HCM, CĐ Giao thông vận tải… Ông Hà Ngọc Trường - chuyên gia cao cấp đường sắt, Chủ nhiệm bộ môn đường sắt metro, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Để đáp ứng nguồn nhân lực có kỹ thuật cao phục vụ cho công tác quản lý và khai thác các tuyến metro trên địa bàn TP.HCM, cần một lượng nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, việc đào tạo này cần phải có lộ trình qua từng giai đoạn. Theo đó, từ năm 2010 - 2030, cần có ít nhất hơn 5.800 người. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần có trên 4.000 người”.

Cũng theo ông Trường: “Nguồn nhân lực hoạt động trong hệ thống này được chia thành hai nhóm. Trong đó, nhóm các nhân viên kỹ thuật có trình độ cao sẽ đảm nhận các chức danh kỹ thuật chuyên nghiệp, có nhiệm vụ quản lý, xây dựng và đưa ra các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, bảo mật, an toàn có tác dụng đến hiệu quả của tuyến đường. Nhóm còn lại là các công nhân kỹ thuật, có kỹ năng sản xuất trực tiếp, lái tàu, vận hành thiết bị, xây dựng, sửa chữa bảo trì toa xe… tại cơ sở”.

Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành công nghệ để tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất… Trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công nghệ vũ trụ được xác định là một ngành trọng điểm, cần đầu tư nhân lực lớn để phát triển trong tương lai. Thêm vào đó, dự án xây dựng trung tâm vũ trụ tại khu công nghệ cao Hòa Lạc sắp tới cũng cần một nguồn nhân lực rất lớn. Đây sẽ là cơ hội cho sinh viên theo học các ngành này trong tương lai. Hiện ngành học này đang được đào tạo tại một số trường như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội…

Không mới, nhưng rất thiếu

Điện hạt nhân là một ngành như vậy. Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, đến năm 2008 cả nước chỉ có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân. Trong số đó, chỉ có 62 tiến sĩ trong độ tuổi trung bình là 50, 12 giáo sư và phó giáo sư thì có tới 4 người đã ở tuổi 60 - 62, số còn lại cũng ở tuổi từ 50 - 55. Ngành học này hiện có ở một số trường, như: ĐH Bách khoa HN, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HN), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực… Tuy nhiên, tiến sĩ Trương Thị Hồng Loan - Phó trưởng bộ môn vật lý hạt nhân, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nói: “Các sinh viên này ra trường số đông đều công tác trong lĩnh vực y khoa tại các bệnh viện, các viện nghiên cứu…”. PGS-TS Châu Văn Tạo - Trưởng khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin: “Với đề án thành lập 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất 2.000 MW tại Ninh Thuận sắp tới, Việt Nam sẽ cần một nguồn nhân lực lên tới cả ngàn người làm việc trong lĩnh vực này. Trong đó, lực lượng được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực hạt nhân từ bậc ĐH trở lên đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ nghiên cứu, quản lý và vận hành, khai thác đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân”.

Kỹ thuật y sinh cũng là một ngành tăng trưởng nóng, cần rất nhiều nhân lực. GS-TS Võ Văn Tới - Trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), cho biết: “Đây là một ngành học đang rất thời thượng của thế giới. Tại Việt Nam, ngành này cũng rất cần nhân lực để phát triển. Tại hội thảo “Nghiên cứu chế tạo, sản xuất thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và định hướng tới năm 2020”, Bộ Y tế cho biết có khoảng 80% các thiết bị y tế đang sử dụng tại Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Từ đó, vấn đề nghiên cứu chế tạo các trang thiết bị phục vụ sự phát triển ngành y tế trong nước được xem là một chương trình trọng điểm quốc gia và rất cần nhân lực”. Hiện nay, ngành này cũng chỉ được đào tạo ở một số trường như: ĐH Quốc tế TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội…

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.