Phó tổng thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng: Có thể xảy ra kê khai khống để hợp pháp hóa tài sản

23/09/2006 00:10 GMT+7

Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi xa đến mức đặt ra yêu cầu làm rõ nguồn gốc tài sản của cán bộ, công chức; phạm vi kê khai và mức độ công khai tài sản cũng còn nhiều hạn chế... Dù vậy, đây chính là những bước đi đầu tiên tiến tới một thể chế minh bạch trong tương lai - Phó tổng thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng tin tưởng chia sẻ với PV Thanh Niên.

* Thưa ông, nghị định này được xây dựng nhằm tạo ra một cơ sở nữa giúp cho việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn. Nhưng dường như, theo dự thảo thì yêu cầu về minh bạch tài sản, thu nhập ở ta vẫn còn rất hạn hẹp?

- Luật Phòng, Chống tham nhũng (PCTN) vừa được ban hành đặt ra yêu cầu quy định rõ việc minh bạch thu nhập, tài sản. Do đó, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn để triển khai. Đúng là yêu cầu về minh bạch tài sản, thu nhập mà Luật PCTN và rồi cả nghị định hướng dẫn nữa ở ta chỉ mới dừâng lại ở kê khai tài sản, thu nhập và xác định tài sản, thu nhập đó có trung thực hay không. Còn ở hầu hết các nước, khái niệm minh bạch bao hàm cả nội dung: nguồn gốc hình thành tài sản đó thế nào và một cơ chế quản lý để bảo vệ tài sản đó. Ở đây không đặt ra vấn đề làm rõ nguồn gốc tài sản, tài sản đó là đúng hay sai và xử lý tài sản đó thế nào vì nước ta trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời kỳ quản lý khác nhau..., tài sản cán bộ, công chức được hình thành khác nhau.

* Dự thảo nghị định giới hạn phạm vi kê khai từ phó phòng cấp huyện và tương đương trở lên. Nhưng trong ngành thuế hay ngành công an thì đội trưởng thôi cũng có thể tham nhũng và có những khối tài sản, thu nhập bất minh khá lớn...?

- Khi soạn thảo dự án Luật PCTN, tôi đã có suy nghĩ là việc kê khai càng bao quát hết được các đối tượng cần phải kê khai thì càng có giá trị với yêu cầu đấu tranh PCTN. Có thể phạm vi kê khai bị hạn chế do hạn chế về năng lực quản lý hoặc là xuất phát từ quan điểm cho rằng chỉ có những đối tượng đó mới có điều kiện tham nhũng. Ở ta còn hạn chế vấn đề công khai nhưng ở các nước, họ công khai cho toàn xã hội. Hay như ta quy định kê khai tài sản trị giá 50 triệu đồng trở lên thì cũng rất cảm tính. Có những tài sản như đồ cổ, rất nhiều và khó xác định giá trị... Từ đây sẽ có khe hở khiến việc chống tham nhũng sẽ khó khăn. Hiện nay, chúng ta không xác định được nguồn gốc tài sản, không phân biệt được người làm giàu bất chính với người làm giàu chính đáng, không xác định tính hợp pháp của tài sản nên đấu tranh PCTN có nhiều khó khăn.

Ở đây tôi muốn lưu ý một vấn đề nữa là tuy dự thảo nghị định có đặt vấn đề kê khai tài sản nhưng trong tư duy soạn thảo hình như mới nghĩ tới việc phòng ngừa người ta kê khai giảm bớt tài sản mà chưa quy định phòng ngừa việc người ta có thể kê khai tăng khống tài sản hiện có. Vì có những người lường trước được quá trình thăng tiến về chức vụ của mình, nên vô hình trung, việc kê khai lại giúp họ hợp thức hóa tài sản có thể sẽ là bất hợp pháp.

* Thưa ông, khi thảo luận góp ý cho dự thảo nghị định, cũng có không ít người cho rằng phải hạn chế phạm vi công bố công khai bản xác minh tài sản và kể cả các khoản tiền gửi ngân hàng và số tiền có ? Nhưng có ý kiến cũng cho rằng, nếu minh bạch hóa thì không việc gì phải giấu giếm những khoản thu nhập này?

- Theo tôi nên kê khai hết và điều đó càng dễ dàng hơn khi làm việc với dân. Nghị định này sẽ yêu cầu phải kê khai nhưng không phải là trên tài sản kê khai đó sẽ phải làm gì mà chỉ nhằm xác định thu nhập, tài sản hiện tại của người kê khai và để theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập đó trong tương lai để quản lý, giám sát. Ở một số cơ quan, người có thẩm quyền sẽ được giao việc ra quyết định xác minh tài sản, kiểm tra tài sản và công bố bản kê khai tài sản. Và theo tôi phải đề phòng có thể có những người, tổ chức lợi dụng việc kiểm tra tài sản, thu nhập mà làm trái quy định của pháp luật. Nếu giao việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập vào những người không có nhân cách thì sẽ rất nguy hiểm.

* Ông kỳ vọng gì ở nghị định có ý nghĩa rất quan trọng này?

- Tôi nghĩ rằng, qua việc kê khai, từng cán bộ, công chức sẽ đánh giá đúng được việc mình đang làm, biết kìm chế mình, dừng lại ở những hành vi không được pháp luật cho phép để vụ lợi, tham nhũng khi đang làm việc công. Đây sẽ là cơ sở để xác định các khoản thu nhập, tài sản mà cán bộ, công chức các cấp, các ngành sau này có được là chính đáng hay không chính đáng. Do đó, kê khai, công khai tài sản, thu nhập sẽ là một điều rất quan trọng để xây dựng một thể chế minh bạch trong tương lai.

Mạnh Quân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.