Đường dây tham nhũng ở Bộ Thương mại: Ông Mai Văn Dâu trong thị trường "đen" quota

12/09/2005 00:53 GMT+7

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tham nhũng tại Bộ Thương mại sang Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố nguyên Thứ trưởng Mai Văn Dâu cùng 17 bị can khác ra tòa. Theo tài liệu điều tra, chúng tôi tiếp tục trở lại vấn đề với những nội dung xoay quanh các hành tung của ông Dâu trong thời gian làm thứ trưởng.

 

Mặc dù trong các buổi kiểm điểm tại Bộ Thương mại trước ngày bị bắt giữ, ông Dâu vẫn phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của mình và khẳng định không vi phạm pháp luật, nhưng cơ quan điều tra đã có bằng chứng về việc ông Dâu ký nhiều văn bản sai với quy định của Chính phủ trong việc cấp hạn ngạch. Đó là việc ông Dâu đã chỉ đạo và yêu cầu lãnh đạo và chuyên viên của Vụ Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Thương mại giải quyết cấp hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ trái với quy định, như: quyết định cấp sai tiêu chuẩn trong khi hồ sơ chưa đủ hóa đơn hợp pháp; bút phê của ông Dâu xét duyệt vào hồ sơ xin cấp quota của doanh nghiệp (DN) khi chưa có dấu văn thư của Bộ Thương mại. Ông Dâu đã trực tiếp nhận hồ sơ không đúng quy định và đã yêu cầu Vụ XNK cấp hạn ngạch cho các DN không đủ điều kiện. Ngoài ra, ông Dâu còn có dấu hiệu "cố tình" buông lỏng quản lý cho Vụ phó XNK Lê Văn Thắng và Bùi Hồng Minh, Nguyễn Việt Phú là các chuyên viên của vụ này lợi dụng việc xét cấp quota để nhận hối lộ, dẫn đến tình trạng tiêu cực, mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch trái pháp luật ngang nhiên tại Bộ Thương mại, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế của nước ta trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may.

 

Sai phạm lớn nhất là ông Dâu đã cho phép DN quyền chuyển nhượng quota. Lợi dụng việc này, một số DN không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đã chạy "mua" quota và sau đó đem bán lại để hưởng chênh lệch. Khi Bộ Thương mại phát hiện ra những sai trái này và đề nghị ông Dâu thu hồi quota đã cấp, thì ông Dâu vẫn bỏ qua và tiếp tục trực tiếp giải quyết. Có nhiều loại quota DN không đề nghị nhưng cũng được ông Dâu cho phép cấp, hoặc DN đề nghị ít lại được ông Dâu chỉ đạo "cấp" nhiều. Một số lần đoàn kiểm tra về việc cấp quota đã phát hiện nhiều DN không đủ tiêu chuẩn xuất hàng và kiến nghị thu hồi quota đã cấp, nhưng ông Dâu không chỉ đạo thu hồi. Bởi thế đã tạo điều kiện cho các DN này biến việc buôn bán quota thành một thị trường "chợ đen", gây náo loạn công tác xuất khẩu hàng dệt may và làm giàu cho một số quan chức có thẩm quyền trong lĩnh vực xét cấp hạn ngạch. 

 

Một kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND tối cao cho biết: "Trước khi bắt tạm giam ông Dâu, tôi đã trực tiếp bay vào TP.HCM để cùng với cơ quan công an phúc cung một số bị can quan trọng trong đường dây này, và tôi thấy có đầy đủ chứng cứ, tài liệu để khởi tố bắt tạm giam ông Dâu về hành vi nằm trong nhóm tội phạm về tham nhũng". Cũng đồng tình với quan điểm trên, một chuyên viên của Viện KSND tối cao đặt câu hỏi: "Những năm gần đây, dư luận xã hội và thông tin báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng "vô chính phủ" trong lĩnh vực phân bổ quota, không lẽ những người trực tiếp phụ trách công việc này như Thứ trưởng Mai Văn Dâu (và một số cán bộ khác) không hề hay biết gì sao?".

 

Thực tế, sau khi phía Mỹ (năm 2001) áp đặt chế độ quota cho một số mặt hàng dệt may VN, liên bộ Thương mại và Công nghiệp bắt đầu phân bổ quota xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Chớp cơ hội này, Vụ phó XNK Lê Văn Thắng và các cộng sự đã tổ chức đường dây mua bán quota. Sau khi bị bắt giữ, bị can Mai Thanh Hải (con trai ông Dâu) khai đã nhận 560 triệu đồng để "chạy" quota cho Công ty liên doanh Qualitex; còn bị can Lê Văn Thắng thì khai đã nhận tiền, quà của Trần Kim Dung trị giá 3.000 USD để xét duyệt và đề nghị Thứ trưởng Mai Văn Dâu cấp quota cho Công ty TNHH QMI Industrial VN. Thời điểm đó, khi phát hiện việc Công ty QMI phạm quy (qua báo cáo của cấp dưới), Vụ phó Lê Văn Thắng không xử lý mà còn gọi điện thoại cho Trần Kim Dung sửa chữa hồ sơ xin cấp quota. Không những thế, Thắng còn tự ý chỉnh sửa, duyệt cấp quota cho Công ty QMI, nâng số lượng từ 1.632 tá cat các loại lên tới 20.000 tá (đúng bằng số quota phía Công ty QMI muốn có); đặc biệt loại cat "nóng" 338/339 tuy chuyên viên Nguyễn Việt Phú không đề xuất, nhưng Thắng vẫn duyệt cấp cho QMI 12.000 tá. Và những hoạt động bất hợp pháp này đã diễn ra ngay tại "tổng hành dinh" cấp quota là Vụ XNK ở 21 phố Ngô Quyền, Hà Nội. Thời điểm ấy, việc mua bán quota sôi động tới mức một số công ty nước ngoài khi ký hợp đồng với các công ty VN, họ thường giao luôn cho phía VN chạy quota.

 

Những việc làm sai trái nói trên của Vụ phó XNK Lê Văn Thắng và các chuyên viên Bùi Hồng Minh, Mai Thanh Hải, Nguyễn Việt Phú có thể tồn tại và kéo dài được là do sự buông lỏng trách nhiệm, làm trái công vụ của Thứ trưởng Mai Văn Dâu. Việc ông Dâu lợi dụng chức vụ, quyền hạn và thiếu trách nhiệm để một số cán bộ Vụ XNK, Bộ Thương mại nhận hối lộ gây rối loạn trong phân bổ hạn ngạch dệt may năm 2004 gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đã rõ. Song cũng không thể bỏ qua sự liên đới trách nhiệm của một số cán bộ khác mà cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ.

 

Tổ Phóng Viên Thời Sự

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.