Lộ ra sau bão lũ

10/10/2009 23:51 GMT+7

Bão số 9 kèm theo trận lũ kinh hoàng giáng xuống các tỉnh miền Trung và bắc Tây Nguyên đã hơn 10 ngày rồi nhưng những gì mà nó để lại cho người dân thì thật ghê gớm. Cũng “nhờ” trận bão lũ ấy mà người dân và các cấp chính quyền có dịp chứng kiến những điều khó tin mà nếu không có nó thì vĩnh viễn những điều ấy sẽ được chôn vùi trong những góc khuất tăm tối.

Trước hết là các công trình xây dựng có dịp được “thử sức” về độ bền trước sự tàn phá của thiên nhiên. Bờ kè dọc đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng đã bị sóng biển vùi dập tơi bời; khi bão tan, người dân mới nhận ra rằng, hóa ra người ta không cho một tí cốt thép nào bên trong cái bờ kè vẫn được xem là “vĩnh cửu trước sóng biển” ấy. Hàng loạt các cột điện cũng bị gãy “ngang xương” mà dưới chân nó không hề có tí trụ móng nào. Dân thắc mắc thì nhà chức trách chỉ còn biết trả lời cho qua loa là “để xem lại thiết kế”. Những ngày qua, người dân cả nước cũng đã có dịp chứng kiến hàng loạt các bãi gỗ khổng lồ nằm dọc trên các triền sông ở Quảng Nam và Kon Tum được lũ “tập kết” về. Ống kính truyền hình đã “cận cảnh” những súc gỗ được cưa xẻ rất đúng quy cách của “gỗ hộp”, chứng tỏ các bãi gỗ này không phải là “gỗ trời” trôi nổi mà có sự sắp xếp của bàn tay con người.

Hàng ngàn khối gỗ được nước lũ “mang hộ” về đồng bằng, nằm la liệt ở chân cầu Quảng Huế trên sông Vu Gia của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ở Diên Bình trên dòng Pô Cô và chân cầu Đak Bla thuộc Kon Tum, không biết có làm rối ruột những cán bộ kiểm lâm mẫn cán bao năm nay vẫn được coi là những người sống chết với rừng? Xin được lưu ý: Những bãi gỗ khổng lồ này, có những súc gỗ to bằng hai ba người ôm chứ không phải nó là cây kim, cây đinh mà mắt thường không thể trông thấy được! Người dân có quyền đặt câu hỏi: Lực lượng kiểm lâm đã làm gì mà “không thấy” được hàng ngàn khối gỗ đã ẩn mình chờ lũ như thế? Và có bao nhiêu ngàn khối gỗ khác đã về xuôi trót lọt bằng xe ô tô trước cơn lũ vừa qua?

Những bãi gỗ khổng lồ ấy đã gián tiếp trả lời những câu hỏi mà người dân đang đặt ra: Vì sao lượng mưa không bằng năm Giáp Thìn 1964 mà mức độ tàn hại của lũ lại lớn hơn nhiều? Có phải những bãi gỗ này vô tình đã thành “đập ngăn” của các dòng sông khiến nước dâng lên nhanh đồng thời mức càn quét của nó cũng rất lớn một khi được “thông dòng”? Khó có thể tin rằng, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Đak Rông, tỉnh Quảng Trị có những nơi lũ ngập sâu 2 mét nước như phản ảnh của ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị với báo chí. Gỗ trôi về nhiều đến mức, ngày 29-30.9, tỉnh Kon Tum đã quyết định “phong tỏa” không cho người và xe qua cầu Đak Bla vì sợ gỗ sẽ đánh sập cầu! Có phải vì những cánh rừng cạn kiệt do nạn khai thác gỗ lậu đã khiến cho nước lũ tràn về nhanh và sớm nhấn chìm nhiều ngôi làng tái định cư của đồng bào thiểu số dọc Trường Sơn? Ngay cả một phường nội đô ở Kon Tum như phường Lê Lợi cũng bị lũ san bằng khiến dự án đô thị mới phía nam thành phố buộc nhà chức trách tỉnh này phải xem lại. Lũ đã làm méo mó, biến dạng nhiều ngôi làng nằm dọc các dòng sông lớn được bắt nguồn từ núi Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.

Bây giờ đi dọc theo các triền sông ấy, khó có thể nhận ra đâu là lòng sông và đâu là ngôi làng tái định cư của đồng bào. Lũ đã làm lộ sáng nhiều điều, buộc nhà quản lý phải “tư duy lại tư duy”: Đưa đồng bào vào các khu tái định cư nằm sát các dòng sông cho tiện “điện nước”, có khi mang họa vào thân nếu như có bão lũ như bão số 9 vừa rồi. Hoặc như việc độ che phủ của rừng “năm này tăng hơn năm trước”, hay “lực lượng kiểm lâm liên tục truy quét lâm tặc, hạn chế rõ rệt việc phá rừng” từ các báo cáo hằng năm thì cũng cần được “tư duy lại” vì cứ tin vào đó, đến khi bão lũ “nghiệm thu” thì chính quyền và người dân trở tay không kịp.

Thiên tai là điều không tránh khỏi, song người dân đã phải trả giá do những “góc khuất” được che đậy bằng sự thiếu trung thực qua các báo cáo là điều đáng tiếc. 

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.