Thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2006

29/09/2005 17:03 GMT+7

Tập đoàn tài chính CitiGroup (Mỹ) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề "Chèo lái nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn" với mục đích cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam những thông tin mới nhất về xu hướng cũng như biến động của nền kinh tế thế giới. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn tổng quát để có thể lập ngân sách tài chính cho năm 2006.

Theo báo cáo của ông Sim Moh Siong, phó lãnh đạo Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường của CitiGroup tại Singapore, nhu cầu trong nước tăng cao do ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và đầu tư của khối nhà nước tăng (khoảng 2,3 tỉ USD ở cả 2 nguồn tính đến tháng 8/2005), phản ánh sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành bỏ vốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, đàm phán gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chất xúc tác quan trọng cho cải cách ở Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách những nước đã tiến hành cải cách đáng kể trong năm 2004.

Về tăng trưởng GDP của các nước châu Á, CitiGroup đánh giá nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng từ từ. Riêng tốc độ tăng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7,5%, năm 2006 so với dự đoán 7,1% vào năm 2005. Điều này do các cải cách kinh tế, tài chính và nhu cầu xuất khẩu của các nước châu Á đang có chiều hướng phát triển khả quan. Tuy nhiên, cũng như các nước khác, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi giá dầu trên thế giới tăng và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn, thể hiện qua tốc độ lạm phát của nền kinh tế. Nếu lạm phát năm 2004, tính theo chỉ số giá tiêu dùng là 9,5% là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao do ảnh hưởng của cúm gia cầm thì giá xăng dầu năm nay đã kéo lạm phát tăng, 7,3% vào tháng 8 năm nay. Mặt khác, chi phí sản xuất tăng do giá dầu tăng sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập. Là một nước phải nhập khẩu 100% sản lượng xăng dầu, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh giá xăng dầu cao tiếp tục được duy trì.

Bên cạnh đó, sự thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam là không đáng lo ngại vì cốt lõi của sự thâm hụt này là do Việt Nam nhập thiết bị máy móc đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong nước, phục vụ cho nhu cầu dài lâu chứ không phải thâm hụt do nhập các hàng hóa tiêu dùng. Đối với trường hợp cán cân thương mại 2 chiều của Việt Nam và Trung Quốc, vốn đang ở mức 1,4 - 1,7 tỉ USD thâm hụt về phía Việt Nam, cán cân này sẽ ít thay đổi trong thời gian ngắn hạn dù Trung Quốc đã nâng giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD vào ngày 21/7 do biên độ thay đổi tỷ giá hối đoái ở mức thấp (2%). Ngoài ra, FDI đổ vào Trung Quốc rất cao, khoảng 40 - 50 tỉ USD/năm và xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian sắp tới. Dù điều chỉnh tỷ giá NDT so với USD, nhờ vào các lợi thế về nhân công rẻ và chi phí thấp, ít có khả năng Trung Quốc làm rơi rớt các nguồn đầu tư nước ngoài vào tay các nước khác trong khu vực. Nhưng nếu Trung Quốc tăng giá dần NDT, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ giảm kỳ vọng vào nước này và về lâu dài, điều này sẽ có lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo ông Sim, điều cần thiết đối với Việt Nam hiện nay là phải tập trung vào những vấn đề cơ bản của nền kinh tế như là cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng, phát huy các thế mạnh truyền thống của Việt Nam như là dệt may, giày dép... Một trong số các câu hỏi được nêu trong buổi hội thảo là Việt Nam có nên tập trung hơn vào những ngành nghề truyền thống vốn là thế mạnh của mình nhưng không mang lại nhiều lợi nhuận, trong khi thu nhập trên đầu người còn thấp so với các nước trên thế giới. Trả lời cho câu hỏi trên, ông Sim cho biết tập trung vào thế mạnh ở đây không chỉ tăng về số lượng mà còn chất lượng cũng như phương thức sản xuất các mặt hàng trên. Ngoài ra, Việt Nam có thể đầu tư vào ngành mũi nhọn tiềm năng khác như là điện tử. Tuy nhiên, việc đầu tiên là phải tăng công tác đào tạo nhằm tạo ra đội ngũ kỹ sư lành nghề để có thể từng bước cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.