Nghịch lý từ các giải thưởng

11/10/2009 22:57 GMT+7

Nghe như một nghịch lý, khi các giải thưởng được trao không mang tới cho người nhận niềm vui sướng mà là điều ngược lại. Sự thật không vui này cần được gấp rút cải thiện trong hoạt động nghệ thuật của chúng ta hiện nay... > Nhạt nhòa hội diễn > Hạnh Thúy: Từ diễn viên tấu hài đến đạo diễn bi kịch > “Cây đa, cây đề” chưa chắc đã có giải! > Một nhóm kịch bị từ chối

"Cơn bão" huy chương

Đêm 7.10, tại Nhà hát TP.HCM diễn ra lễ trao giải và bế mạc Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Một đêm "bão huy chương" khi có đến 123 giải thưởng ồ ạt trút xuống 27 vở diễn sau 10 ngày hội diễn.

Cả khán phòng nhốn nháo, "chạy trời không tránh được... huy chương" (!). Ngạc nhiên. Ngỡ ngàng. Sốc. Từ diễn viên mới toanh vừa vào nghề cho đến những nghệ sĩ thâm niên, từ những vở diễn tiếng tăm lẫn những vở chỉ tham dự cho vui... tất thảy đều rủng rỉnh có vàng, có bạc.

Các nhà báo thảng thốt nói với nhau: "Hễ ai tham gia là bắt buộc phải lãnh... huy chương".  Có người nói tếu: "Bão số 9 ảnh hưởng đến hội diễn, gây ra... mưa huy chương". Trong lúc đó, tiếng thúc giục của ban tổ chức khẩn thiết gióng lên: "Đề nghị những người được nêu tên nhanh chóng bước lên sân khấu vì danh sách nhận giải thưởng vẫn còn... đông lắm" (!).

 
Những nghệ sĩ đoạt giải HTV Award 2009 - Ảnh: Đ.T

Lúc xướng danh nghệ sĩ đoạt giải, có những diễn viên trẻ nhảy cẫng lên vui sướng khi nghe tên mình, nhưng sau đó, lúc ngồi xuống thì ngơ ngác, không hiểu tại sao mình có huy chương. Còn những nghệ sĩ tên tuổi thì bước lên bục nhận giải cố giữ vẻ điềm tĩnh cần thiết cho tròn vai, cho đúng mực, dù rằng "người ngoài cười nụ người trong khóc thầm". Huy chương thì... vàng thật đấy, nhưng có tới... 42 huy chương vàng. Từ con số 42 huy chương đó, cả nghệ sĩ tên tuổi đến diễn viên mới tập tành vào nghề đều như nhau, đều được bỏ chung vô một "giỏ", ai cũng "vàng" như nhau...

Có lẽ đêm ấy, rất nhiều nghệ sĩ đã ra về với đầy tâm trạng. Huy chương vàng đúng ra chỉ dành cho người xứng đáng nhất, người đã đổ mồ hôi và tâm sức vươn đến sự sáng tạo nhất. Một ban giám khảo thật sự chuyên nghiệp sẽ phải nhận ra, phải tôn vinh xứng đáng và đúng người cho giá trị cống hiến đó. Một giải thưởng thuyết phục không chỉ mang đến vinh dự cho người nhận giải, mà còn là ước mơ để bao người phấn đấu vươn tới, bởi nghệ thuật đích thực luôn có những chuẩn mực khắt khe của nó. Đằng này, có đến 42 huy chương vàng và 63 huy chương bạc, tràn ngập tới mức có cảm giác là ban giám khảo vốc huy chương mà vãi xuống.

Về cơ cấu, nhiều giải thưởng được "đẻ" ra không hiểu từ những tiêu chuẩn nào. Ví dụ, giải Vở diễn có những tìm tòi trong loại hình kịch thơ, giải Vở diễn có những tìm tòi trong loại hình kịch lịch sử, giải Vở diễn có những tìm tòi về nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu nhỏ... là những cái tên mà khi nó chưa được ban giám khảo công bố thì không ai có thể hình dung đến.

Đêm 7.10, rất nhiều diễn viên trẻ, sinh viên trường nghệ thuật từng bỏ thời gian theo dõi suốt mùa hội diễn đã đến Nhà hát TP để được tận mắt chứng kiến giây phút tôn vinh những giá trị nghệ thuật mà các em đang ước mơ, đang theo đuổi. Thế nhưng sau cơn mưa huy chương đó, các em sẽ biết nhìn nhận thế nào, biết tin đâu là sự công bằng, đâu là sự cống hiến, đâu là những chuẩn mực nghệ thuật thực sự?  

 

Theo tôi quan sát, hội diễn lần này là một cuộc chơi mà các nghệ sĩ từ Nam chí Bắc đều thể hiện tinh thần fairplay. Nhưng rất tiếc, chúng ta đã có một ban giám khảo và một ban chỉ đạo hội diễn không fairplay. Tôi thấy thương các đồng nghiệp của mình quá. Họ đã xả thân, nhưng tất cả đều bị lừa gạt. (NSƯT Thành Lộc

 

Tôi thấy chuyện mưa huy chương này có gì mới đâu. Lần nào cũng vậy mà. (NS Xuân Hương

Huy chương vàng, bạc tại các liên hoan sân khấu dường như chỉ để làm tiền đề xét danh hiệu NSƯT hay NSND. Còn nhiều giải thưởng sân khấu - truyền hình - điện ảnh - ca nhạc chỉ dành cho các nghệ sĩ giàu có, vì họ đủ điều kiện giúp các fan bình chọn qua điện thoại hay tin nhắn. Trước 1975, Thanh Tâm là giải thưởng sân khấu uy tín nhất ở miền Nam do những giám khảo rất uy tín và công tâm bỏ phiếu bình chọn.

 

Nghệ sĩ nào đoạt giải này đều được khán giả và xã hội thừa nhận. Khi đoạt giải Thanh Tâm, nghệ sĩ sẽ được nhiều đoàn mời ký hợp đồng với thù lao rất cao, bởi họ đã trở thành ngôi sao thực thụ. Vì thế, diễn viên luôn phải luyện hát và diễn thật giỏi để mong đoạt giải thưởng cao quý này, hòng thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận. (Diễn viên Lê Bình

 
Chúng ta không có một giải thưởng nghệ thuật danh giá vì không có được những giám khảo danh giá. Còn thế nào là một giám khảo danh giá thì cứ hỏi các BTC sẽ rõ. (Đạo diễn Lê Hoàng)

Còn không, những giải thưởng danh giá?

Được tôn vinh nghề nghiệp là ước mơ của người làm nghề, đặc biệt là giới nghệ sĩ. Thế nhưng...

Thử ngồi kể tên các giải thưởng dành cho âm nhạc VN thì... Cựu trào là Làn sóng xanh, tiếp đến là Mai Vàng rồi Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, và còn phải kể đến Giải cống hiến, Bài hát Việt, Album vàng, Bài hát tôi yêu, Ngôi sao bạch kim, Diva thế hệ mới, Ngôi sao tiếng hát truyền hình...

Truyền hình cũng trình làng một số giải thưởng: HTV Award, Bình chọn phim truyền hình VN được yêu thích nhất.

Điện ảnh cũng tung ra hàng loạt giải thưởng: Liên hoan phim quốc gia (Bông sen vàng), Cánh diều vàng, Ngôi sao điện ảnh triển vọng, Ngôi sao ngày mai... Chưa hết, trong đề án của Cục Điện ảnh trình Bộ VH-TT-DL thì VN sẽ có thêm giải điện ảnh mang tên Tre vàng vào năm 2010...

Nhiều BTC các cuộc trao giải nghệ thuật đã mời các chuyên gia, nghệ sĩ uy tín ngồi vào ghế giám khảo. Sau đó, lại thêm các nhà báo viết mảng văn hóa nghệ thuật. Nhưng dường như vẫn chưa đủ hấp dẫn, nên hiện nay một số giải lại phó mặc cho khán giả bình chọn qua điện thoại, tin nhắn... Còn kết quả có chính xác, minh bạch hay không thì chỉ... BTC biết.

Vấn đề nữa là tiêu chí. Quá nhiều giải thưởng chẳng mang tiêu chí nào rõ ràng. Tại giải Bình chọn phim truyền hình VN được yêu thích nhất đầu năm 2007, ở nhiều hạng mục như Vai diễn xuất sắc, Vai diễn ấn tượng, Diễn viên triển vọng đã được trao cho những nghệ sĩ mà tuổi đời, tuổi nghề đều sàn sàn nhau khiến khán giả phải... ngẩn ngơ. HTV Award cũng trao đủ loại giải cho diễn viên chính, phụ các thể loại, cả ca sĩ ở lĩnh vực âm nhạc, trong khi đó, biên kịch, quay phim, thiết kế sân khấu, hóa trang, phục trang, dựng phim... thì chẳng hề được nhắc đến. Với Cánh diều vàng 2008, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng việc BTC trao nhầm hạng mục. Kathy Uyên là diễn viên chính trong phim Chuyện tình xa xứ lại nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Có lẽ vì lý do này, các lễ trao giải nghệ thuật thường gặp phải sự hờ hững của người tham dự. Cứ đến đoạn kết thì chỉ còn lác đác vài người nán lại chỉ để chờ lên nhận giải của mình. Hầu hết nghệ sĩ dù đoạt giải hay không đều đã bỏ về nửa chừng. Ít có nghệ sĩ có giải nào được đồng nghiệp đến chia vui. Phải chăng danh hiệu được trao chẳng hề mang ý nghĩa quan trọng nào trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họ?

Đỗ Tuấn

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.