Bão số 8 tàn phá miền Trung

01/11/2005 19:43 GMT+7

* Đến chiều 1.11 đã có 7 người thiệt mạng, hàng chục tàu thuyền bị chìm và mất tích * Quảng Nam: Cuộc di tản tránh bão lớn nhất từ trước đến nay Từ sáng sớm ngày 1/11, cơn bão số 8 bắt đầu đổ bộ vào miền Trung, tâm điểm ở Đà Nẵng gió giật cấp 11 và trên cấp 11, càng lúc càng lớn hơn. Hầu hết mọi phương tiện giao thông đều ngưng trệ. Các tỉnh trong khu vực dốc toàn bộ lực lượng khẩn trương thực hiện một cuộc di tản tránh bão lớn nhất từ trước đến nay. Tuy chủ động phòng tránh, nhưng cũng đã có 7 người thiệt mạng và nhiều người bị thương; hàng chục tàu thuyền bị chìm hoặc mất tích... • Toàn cảnh cơn bão số 8 • Bấm vào đây để xem video

Quảng Ngãi: 5 người thiệt mạng

Mặc dù chính quyền các cấp đã chủ động ứng phó với bão số 8, nhưng tính đến 14h chiều ngày 1/11, đã có 5 người thiệt mạng do lũ cuốn và nhà sập, gồm: Nguyễn Long Thành, 42 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi; Lương Thị Thiện, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (vẫn chưa tìm được xác); Nguyễn Thị Cây, 22 tuổi, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà; Đinh Văn Múi, 22 tuổi, người dân tộc H’Rê, ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây; Trương Đình Cường (52 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, chết tại xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà). Và nhiều người khác bị thương.

Mưa lớn đã làm mực nước ở các triền sông dâng cao. Hàng chục ngàn hộ dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa... bị ngập chìm trong biển nước; có ít nhất 100 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn. Tại các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây hệ thống giao thông đến các xã bị chia cắt do sạt lở đất đá và ngập nước; từ tối 31/10 đến 1/11, toàn bộ hệ thống điện lưới trên địa bàn các huyện này bị tê liệt. Tại huyện đảo Lý Sơn, hàng trăm hécta hoa màu bị hư hại nặng nề; 2 chiếc tàu đánh cá của ông Võ Tất và ông Nguyễn Thuận (cùng ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) bị mất tích (không thiệt hại về người); 18 tàu đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và huyện Bình Sơn bị sóng đánh chìm. Đường quốc lộ 1A đoạn qua một số huyện Bình Sơn, Mộ Đức... bị ngập từ 1 - 1,5m, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền trong suốt ngày 1/11.

Hàng ngàn chiếc xe bị mắc kẹt trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tàu đánh cá QNG 95888 của ông Nguyễn Khanh, ở xã Bình Châu (H.Bình Sơn) và tàu QNG 6398 của ông Dương Lúa, ở xã An Hải (H.Lý Sơn) sau 4 ngày mất tích đã nối được liên lạc với đất liền; hiện 2 tàu này cùng với 30 ngư dân đang trú ẩn an toàn tại đảo Trường Sa. Cũng trong ngày 1/11, học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh đều phải nghỉ học do mưa bão.

Thượng tá Phạm Quang Thoái - Phó phòng tác chiến Quân khu V cho biết: Ngay trong ngày 1/11, các lực lượng vũ trang Quân khu V đã tiếp tục huy động 9.074 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 2.027 bộ đội, 7.047 dân quân) khẩn cấp về các địa bàn xung yếu thuộc 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Các lực lượng vũ trang đã hỗ trợ di dời 730 hộ dân với hơn 2.000 người trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam và một số phường thuộc TP Đà Nẵng đến nơi trú ẩn an toàn. Tại Quảng Ngãi, lực lượng nói trên cũng đã vào cuộc với các đơn vị liên quan khắc phục sự cố sạt lở đất đá, khai thông các tuyến đường bị ách tắc. Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trước và trong suốt ngày 1/11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp về các địa phương trong tỉnh chỉ đạo khắc phục hậu quả và ứng phó trước tình hình bão lụt đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Tùy theo mức độ thiệt hại, tỉnh sẽ có biện pháp hỗ trợ nhân dân ở các địa phương vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống; kiên quyết không để bà con các vùng bị ảnh hưởng do bão lũ chịu cảnh thiếu lương thực, thuốc men. Ước tính thiệt hại do bão số 8 tại Quảng Ngãi khoảng gần 30 tỉ đồng.

Đà Nẵng: Hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ

Sáng 1/11, bão số 8 đã ảnh hưởng trực tiếp đến TP Đà Nẵng, gió giật cấp 11 và trên cấp 11. Mưa to, gió lớn đã làm cho hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ, trong đó có hơn 127 cây to và trung làm tắc nghẽn giao thông nhiều tuyến đường. Mưa lớn đã làm hệ thống thoát nước ở Đà Nẵng bị tê liệt hoàn toàn. Hầu hết các tuyến đường trung tâm thành phố đều ngập nước, có nơi sâu hơn 0,7m. Đến 16h chiều nay (1/11), hầu hết các hãng taxi đều ngưng hoạt động. Ông Lê Thanh Minh - Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết, đã xảy ra 22 sự cố về điện khiến cho nhiều khu vực bị cắt điện, rất khó khắc phục trong điều kiện mưa bão như hiện nay.

Cây ngã đổ trên đường phố Đà Nẵng

Trong khi đó, tại các phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và quận Sơn Trà, chính quyền địa phương đã cho di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân sống ven biển ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong khu vực nội thành, UBND TP Đà Nẵng cho cho sơ tán các hộ dân sống tại hai chung cư đã xuống cấp là Khu tập thể Cảng Đà Nẵng, số 9 Lê Duẩn và đã di dời các hộ dân sống tại khu nhà tạm ở Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương đến nơi an toàn. Ngay trong sáng 1/11, gần 50 chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã giúp dân phường Hòa Hiệp Nam chằng chống nhà cửa, đắp bờ bao chống nước biển xâm thực. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đến chiều 1/11 đã có 2 tàu bị chìm, rất may không có thiệt hại về người. Nguy hiểm nhất là có gần 20 tàu thuyền còn nằm tại khu vực bãi ngang cần di chuyển đến nơi an toàn. Chiều 1/11, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp cưỡng chế các hộ dân và những người còn ở lại trên tàu thuyền. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính khẳng định sẽ tổ chức cưỡng chế những người còn ở lại trên tàu trước 17h chiều 1/11. Đồng thời, cưỡng chế 200 tàu thuyền còn neo đậu trên sông Hàn vào neo đậu tại u thuyền Thọ Quang để đảm bảo tránh lũ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận huyện tăng cường kiểm tra tại các vùng xung yếu, kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nếu cần có thể tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho người dân. Đến chiều 1/11, vẫn chưa thể thống kê hết số lượng nhà dân bị tốc mái, bị sập.

Đường phố ở Đà Nẵng biến thành sông

Tất cả các chuyến bay đến và đi tại sân bay Đà Nẵng và Phú Bài ngày 1/11 đều bị cắt. Trong khi đó, lãnh đạo Ga Đà Nẵng cho biết, tàu S4, S2, E2 đã bị kẹt tại Quảng Ngãi không thể ra Bắc. Tất cả các tàu đến và đi tại Ga Đà Nẵng trong ngày 1/11 đều rời khỏi ga an toàn. Tại TP Đà Nẵng, ngành giáo dục đã quyết định cho toàn bộ học sinh các cấp được nghỉ học trong hai ngày 1 và 2/11/2005.

Bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ngãi đến Nghệ An

Sáng sớm 1.11, bão số 8 đã di chuyển nhanh lên một ít, mỗi giờ đi được khoảng từ 10 đến 15 km, đi dọc vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh. Vị trí tâm bão vào lúc 7 giờ sáng còn cách bờ biển Thừa Thiên-Huế - Quảng Ngãi khoảng 250 km về phía đông đông nam, hướng di chuyển đã thay đổi, chuyển từ hướng tây bắc sang tây-tây bắc, tức là chếch nhiều hơn về phía bờ biển Trung Bộ. Do tốc độ di chuyển nhanh hơn nên đến 19 giờ cùng ngày, tâm bão đã vào sát vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão vẫn còn mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng từ 12 đến 17 km, tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, sau đó ảnh hưởng các tỉnh từ Quảng Trị đến Nghệ An.

M.Vọng

Quảng Nam: Di tản hơn 15.000 hộ dân

Đến 16h chiều nay 1/11 tại Hội An, do gió lớn và triều cường, nước biển đã tràn qua đường Thanh Niên khu vực biển cửa Đại. Lãnh đạo thị xã đã quyết định di dời gần 500 hộ dân tại Cù Lao Chàm, xã Cẩm An, Cẩm Thanh ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 60 hộ ở Bãi Làng (Cù Lao Chàm) và bắt buộc mọi thuyền viên đang trú bão phải lên bờ. Đã có 283 du khách được di chuyển đến các khách sạn an toàn, xa cửa biển và ven sông. 56 ngôi nhà cổ chưa trùng tu đã chằng chống và đưa người sang các nhà kiên cố lân cận. Đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng đã bị ngập sâu từ 0,5 - 1,5m và nước vẫn đang lên nhanh.

Tại Thăng Bình, nhiều đoạn sông Ly Ly khu vực Bình Nguyên bị sạt lở, hơn 748 hộ dân thuộc 6 xã ven biển và dọc sông Trường Giang đã được di chuyển đến các nhà kiên cố, trụ sở UBND các xã và 4 nhà bạt mới dựng. Mỗi xã được cung cấp 70 thùng mì tôm để sẵn sàng ứng cứu. Hồ Phước Hà đã bị tràn qua 40cm, nhưng chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Đến 17h chiều 1/11, đã có 36 căn nhà bị sập và 46 căn nhà khác bị tốc mái, siêu vẹo tập trung ở các xã ven biển. Tại huyện Đại Lộc, mực nước tuy còn ở mức báo động 2, nhưng dự báo sẽ vượt qua báo động 3 trong đêm 1/11. Hồ thủy lợi Trà Cân xã Đại Hiệp đã bị nước tràn qua đập trên 0,7m. 80 hộ dân ở ba thôn Phú Trung, Phú Hải và Phú Quý dưới chân đập đã được di dời khẩn cấp vào trưa 31/10. 20 hộ khác ở ven đường QL 14B thuộc xã Đại Hồng và 30 hộ quay về che trại sản xuất ở làng Phương Trung cũ đã bị bắt buộc sơ tán. Tại huyện Duy Xuyên, triều cường đẩy nước biển tràn qua chợ Bàn Thạch và toàn bộ thôn Bình Triều xã Duy Nghĩa ngập trên 1m. Đến 17h chiều nay (1/11), đã có 20 nhà tốc mái và bị sập tại các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa. Toàn huyện đã di dời trên 310 hộ thuộc vùng thấp ven biển và dọc sông Thu Bồn. UBND huyện đã chuẩn bị 20 tấn lương thực sẵn sàng ứng cứu.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc di dời dân

Cũng trong ngày 1/11, tại huyện Bắc Trà My có 27 nhà dân (gồm 108 nhân khẩu) bị sập ở thị trấn Trà My, xã Trà Dương. Tại huyện Núi Thành, lúc 8h sáng ngày 1/11, một chiếc đò chở 10 người bị chìm ở xã Tam Hải, một người bị nước cuốn nhưng đã cứu được. Toàn huyện đã có 1.570 ha hồ nuôi tôm bị ngập hoàn toàn. Tại thị xã Tam Kỳ, lượng mưa trong ngày 1/11 đo được gần 552mm đã gây ngập hầu hết các tuyến đường nội thị. Đến cuối ngày 1/11, nước sông ở các tuyến Vu Gia, Thu Bồn của Quảng Nam đang lên nhanh, riêng vùng hạ lưu Hội An gần đạt mức báo động 3. Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ huy PCLB tỉnh, địa phương kiên quyết di dời dân và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, không để dân đói; đồng thời tỉnh lập các đội xung kích ở tất cả các huyện, nhất là miền núi để canh gác không cho dân qua lại đề phòng lũ cuốn.

Đến 16h ngày 1/11, toàn tỉnh đã di dời hơn 15.000 hộ dân. Riêng tại huyện Núi Thành có 13 chiếc thuyền chìm, 2 người dân bị thương được đưa lên đồn biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà chăm sóc; có 550 nhà dân bị sụp trong đó 150 nhà bị sụp hoàn toàn... Ông Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, điểm đặc biệt là mặc dù bão to gió lớn nhưng toàn tỉnh đã chủ động ngay từ đầu để giảm thiểu các thiệt hại; tỉnh cũng đã bố trí lực lượng dân quân ngăn chặn ở các khe ngầm trên vùng cao, không cho dân qua lại để tránh rủi ro. Dự báo bão số 8 còn diễn biến phức tạp, mực nước trên các sông ở Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ lên báo động 3 trong ngày 2/11.

Thừa Thiên - Huế: 2 người chết, nước biển tràn qua đập Hòa Duân

Sáng 1/11, Đại học Huế và Sở GD&ĐT cho toàn bộ học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh nghỉ học. Trước đó, khoảng 22h đêm 31/10, gió biển đã mạnh dần lên cấp 7, trên cấp 7 đẩy triều cường dâng cao gần 2m, tràn qua đập Hòa Duân đổ vào thôn Hải Thành và băng qua phá Tam Giang, đe dọa tính mạng của hơn 300 hộ dân đang sinh sống tại đây. Ban chỉ huy PCLB huyện Phú Vang đã phải di dời khẩn cấp 350 hộ với hơn 1.000 khẩu tại vị trí xung yếu gần đập Hòa Duân đến nơi an toàn. Các lực lượng ứng cứu tại chỗ gồm 1 đại đội chiến sĩ biên phòng của Hải đội 2 và Đồn Biên phòng cửa biển Thuận An cùng với 40 lực lượng tăng cường của Sở Thủy sản và hơn 300 thanh niên, ngư dân địa phương... đã đào đắp hơn 10.000 bao tải cát, rọ sắt để ngăn nước biển.

Nước biển đã tràn qua đập Hòa Duân

Đến 15h chiều 1/11, gió biển tiếp tục mạnh lên khiến nguy cơ vỡ lại cửa biển Hòa Duân càng cao. Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều thêm 1 đại đội chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và 40 chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tăng cường xuống Hòa Duân đắp đê chắn nước biển. Trong khi đó lượng mưa tiếp tục tăng lên với mức phổ biến từ 140mm - 200mm, đặc biệt ở Thượng Nhật (Nam Đông) đã lên đến 291mm. Mực nước trên sông Hương đã vượt báo động II, là 0,27m, sông Bồ xấp xỉ báo động 2. Đến cuối giờ chiều ngày 1/11, tại Thừa Thiên - Huế đã có 2 người chết, trong đó có một học sinh lớp 3 là Trần Thị Ly Sa, ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền) bị chết đuối và một người đàn ông cao 1,67m chưa rõ tung tích trôi dạt vào bãi biển xã Phong Hải, huyện Phong Điền. Trong tỉnh, đã có hơn 1.000 hộ dân đã được di dời khẩn cấp, trong đó, Hương Trà 74 hộ, Phú Vang 427 hộ, Phú Lộc 133 hộ và Phong Điền 240 hộ...

Dự báo bão số 8 còn diễn biến phức tạp, mực nước trên các sông sẽ lên cao gây lũ lớn trong ngày 2/11.

Lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão số 8


Dư âm bi thương do cơn bão số 7 tại các tỉnh phía Bắc vẫn chưa dứt hẳn thì miền Trung lại oằn mình hứng chịu cơn bão số 8. Hiện nay, bão đang tràn vào đất liền các tỉnh miền Trung, gây mưa lũ dữ dội. Theo dự báo, bão sẽ còn diễn biến phức tạp và gây nhiều thiệt hại trong những ngày tới.

Với tinh thần tương trợ, "một miếng khi đói bằng gói khi no", "lá lành đùm lá rách", Báo Thanh Niên khẩn thiết kêu gọi bạn đọc trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp… tham gia đóng góp tiền bạc, lương thực thực phẩm, thuốc men... để chia sẻ với những khó khăn thiệt hại mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu.

Mọi đóng góp xin liên hệ với tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1; tại TP Hà Nội: 218 Tây Sơn, Q.Đống Đa; và các văn phòng đại diện của Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng: 114 Bạch Đằng; tại TP Cần Thơ: 99 Trần Văn Hoài; tại Lâm Đồng: 22 Hùng Vương, TP Đà Lạt; tại Bình Định: 76B Trần Phú, TP Quy Nhơn; tại Khánh Hòa: A3 chung cư 26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang.

BÁO THANH NIÊN

Tổ PV VPMT & VPBĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.