Giám đốc Pacific Airlines: “Máy bay không phải là chiếc xe buýt chạy trên trời”

08/09/2005 15:20 GMT+7

Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty vận chuyển, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành hàng không. Tuy nhiên, gần đây các hãng hàng không Việt Nam đều đưa ra nhiều chương trình giảm giá vé để thu hút khách hàng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Hoài Nam (LHN) - Giám đốc Pacific Airlines xung quanh sự kiện giảm giá vận chuyển hàng không.

* Xin ông cho biết, từ khi Pacific Airlines được cổ phần hoá đến nay, Công ty đã có những biện pháp như thế nào để ổn định hoạt động kinh doanh?

- Ông LHN: Sau khi được Bộ Tài chính tiếp nhận từ ngày 21/01/2005 theo Quyết định số 64/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản trị lâm thời và Ban điều hành của Pacific Airlines đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp ổn định hoạt động của Công ty, thực hiện triệt để tiết kiệm chi phí, từ các chi phí lớn nhất như thuê máy bay đến các chi phí nhỏ nhất như chi phí văn phòng. Ước tính trong cả năm 2005, bằng các biện pháp đó, Công ty giảm được chi phí khoảng 100 tỷ đồng so với năm 2004. Riêng về chi phí xăng dầu, năm nay ước tăng hơn năm trước khoảng 60 tỷ đồng. Pacific Airlines cũng là hãng hàng giảm cước phí bay nội địa đầu tiên, nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

* Xin ông cho biết lý do giảm giá vé (10%) tuyến bay HN-TP.HCM và 12,5% đối với tuyến TP.HCM-Đà Nẵng giữa mùa hè là mùa cao điểm về du lịch và trong tình trạng giá xăng tăng lên như hiện nay?

- Ông LHN: Việc đồng loạt giảm giá vé 10% (khứ hồi giảm 300.000 đồng) trên đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM, 12,5% (khứ hồi giảm 200.000 đồng) giữa TP.HCM và Đà Nẵng nhằm mục đích kích cầu, tăng hệ số sử dụng ghế trên từng chuyến bay. Trên thực tế, với giá vé giảm như vậy (và giá khuyến mại mua trước 7 ngày là 2.150.000 đồng khứ hồi giữa Hà Nội và TP.HCM), nhưng nhờ lượng hành khách bay tăng cao (Pacific Airlines đang đạt hệ số ghế nội địa kỷ lục trên 90% liên tục từ tháng 6/2005 đến nay), doanh thu của Công ty vẫn tăng mạnh so với năm 2004 (ước tính cả năm thực hiện kế hoạch đạt 830 tỷ đồng, so với 733 tỷ đồng trong năm 2004). Việc giảm giá vé như vậy là có lợi cho cả người tiêu dùng (hành khách) và cho bản thân Pacific Airlines.

* Việc giảm giá vé như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng tuyến bay hay không? Chúng ta được gì và thua thiệt gì khi giá vé giảm như vậy?

- Ông LHN: Giá vé giảm không không có nghĩa là chất lượng phục vụ giảm. Chúng tôi chỉ giảm, tiết kiệm những chi phí không cần thiết, bất hợp lý trong hoạt động khai thác vận tải hàng không. Trên thực tế thì các biện pháp tăng cường an toàn-anh ninh hàng không chỉ có tăng chứ không giảm. Nhiều dịch vụ mới cũng được bổ sung như vận chuyển miễn phí giữa Hà Nội và sân bay Nội Bài; dịch vụ đặt chỗ qua điện thọai và giao vé tận nhà 24/24 giờ, 7/7 ngày trong tuần; dịch vụ cho các khách hàng-công ty...

Việc không phục vụ ăn trên các chuyến bay giữa TP.HCM và Đà Nẵng, không phục vụ rượu bia và các đồ uống có cồn trên tất cả các đường bay nội địa theo quan điểm của chúng tôi cũng không có nghĩa là giảm chất lượng phục vụ. Đối với chuyến bay chỉ có 1 giờ bay giữa TP.HCM và Đà Nẵng, ăn không phải là nhu cầu thiết thực của hành khách, thậm chí còn gây phiền hà thêm. Tương tự, việc không phục vụ ruợu bia trên các đường bay nội địa làm cho không khí (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) trên chuyến bay trong lành hơn đối với tất cả mọi hành khách.

* Xin ông cho biết với tình hình xăng dầu tăng giá thì giá vé nội địa có điều chỉnh không?

- Ông LHN: Hiện nay, chúng tôi chưa có kế hoạch nào về việc điều chỉnh (tăng) giá vé nội địa của Pacific Airlines. Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến xấu, cần phải tăng giá hoặc ngừng các chương trình khuyến mại, chúng tôi sẽ thông báo trước cho khách hàng được biết.

* Trong tương lai Pacific Airlines sẽ triển khai mô hình hàng không giá hợp lý hay giá thấp, thưa ông? Và liệu chúng ta có cạnh tranh đựoc với dịch vụ hàng không giá rẻ của nước ngoài đã thâm nhập vào thị trường như Tiger Airways không?

- Ông LHN: Bộ Tài chính và Pacific Airlines lựa chọn mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý (value-based airline, giảm giá vé 15-30% nhưng vẫn duy trì nhiều dịch vụ giống như các hãng truyền thống), không phải là hãng hàng không chi phí thấp (lowcost airline, giảm giá vé 40-50% nhưng cắt hầu hết các dịch vụ). Tại Việt Nam, mô hình chi phí thấp chưa phù hợp vì nhiều lý do. Bản thân người tiêu dùng Việt Nam cũng không coi máy bay đơn giản như là “chiếc xe buýt chạy trên trời” như ở châu u, ở Mỹ... Nhưng mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý sẽ cho phép nhiều đối tượng người dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không dễ dàng hơn và rẻ hơn rất nhiều.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

 (Theo Hà Nội Mới)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.