Lợi cả đôi bên

03/11/2006 23:28 GMT+7

Chưa lần nào như lần này có nhiều vị đứng đầu nhà nước và chính phủ của các nước châu Phi đến Bắc Kinh dự cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và châu Phi. Lý do chính cho cuộc thượng đỉnh là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước châu Phi, nhưng trên thực tế lại là những chủ đề hợp tác hiện tại và tương lai.

Chính những lợi ích đó mới khiến Trung Quốc và châu Phi gắn bó nhau chứ không phải quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao thuần túy. Đối với Trung Quốc, châu Phi là nguồn cung cấp năng lượng và nguyên vật liệu mà Trung Quốc còn có thể tranh thủ được hoặc còn có thể cạnh tranh được với các cường quốc và các nước công nghiệp phát triển khác. Đây cũng là nơi Đài Loan hoạt động rất tích cực cả về chính trị  ngoại giao lẫn kinh tế, đầu tư và thương mại. Lợi thế của Trung Quốc ở châu Phi là không có trở ngại chính trị gì, không có vướng mắc nào trong quá khứ lịch sử. Bên cạnh đó, các nước châu Phi "thích"  hợp tác với Trung Quốc vì Trung Quốc gần như không đặt điều kiện chính trị - trừ điều kiện không được có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của họ, lại sẵn sàng hợp tác trên những lĩnh vực, trong những dự án và ở những khu vực mà phương Tây vắng bóng vì lý do này hay lý do khác. Đến nay Trung Quốc đã đầu tư nhiều  cho châu Phi thông qua viện trợ, cho vay lãi suất thấp, xây dựng và nâng cấp đường sá, đường sắt, hải cảng, sân bay, nhà máy điện và những công trình cơ sở hạ tầng khác, kể cả không ít lĩnh vực mà phương Tây không tham gia vì cho rằng rất rủi ro.

Cách thức phát triển quan hệ với châu Phi như vậy đã giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng và được coi trọng của châu Phi. Thương mại hai chiều tăng gấp 10 lần kể từ năm 1995. Châu Phi đã trở thành thị trường quan trọng của Trung Quốc. Sự ràng buộc lợi ích được đi cùng với sự gắn kết lợi ích với nhau. Hội nghị cấp cao này vừa là bằng chứng, vừa là dấu mốc mới.

T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.