Thế giới giấy của Peter Callesen

19/10/2009 12:09 GMT+7

Vũ trụ từ thời hồng hoang được tạo dựng từ nước, lửa và khí. Peter Callesen với niềm đam mê chất liệu giấy đã hình thành riêng cho mình một thế giới lạ

Không gian của những câu chuyện bằng hình luôn bao gồm vật chất,  tinh thần. Ở đó truyện được tái tạo bằng hình ảnh thay câu chữ, một phương cách hữu hiệu để giản lược cắt nghĩa mà vẫn khiến người xem tương tác được truyện kể. Thế giới giấy của Peter Callesen đang là thứ văn chương “tượng hình” ấy. Chúng là bản giao hưởng của phim và sách về những lâu đài, công chúa, hoàng tử cùng vô số sinh vật khác hòa quyện thành thứ nội dung “động” đủ để hiểu. Đồng thời, chất liệu “tĩnh” cũng được mượn để trình diễn cho khán giả cảm nhận. Đơn giản vì trước khi được Peter gấp, cắt, lắp ghép, chúng chỉ là giấy trắng.

Điêu khắc... giấy

Nói đến điêu khắc người ta thường nghĩ đến các chất liệu rắn: gỗ, kim loại, đá hay những nguyên liệu tổng hợp hiện đại. Nhưng khi chiêm ngưỡng các "công trình" Peter Callesen tạo dựng, có thể nói người nghệ sĩ còn điêu khắc được cả với … giấy. Công cụ của Peter thuần là thứ giấy trắng được biến đổi kỳ ảo thành các hình thể ba chiều nằm trong không gian nền phẳng nhờ các kỹ xảo gấp, cắt, lắp ghép và sắp đặt. Hầu hết tác phẩm của anh “mọc ra” từ thứ giấy A4 thông dụng.

Với Peter, mảnh cellulose này là chất liệu hoàn hảo để chuyển tải ý nghĩa nhờ khả năng dễ dàng biến đổi hình thể. Peter đã nhào nặn giấy, để nghệ thuật Origami tuy công phu nhưng ít chất thần, được nâng lên một mức nhờ đặt vào bối cảnh không gian kèm hiệu ứng ánh sáng để khoác thêm thứ nội dung mới cho tác phẩm. Tờ giấy trắng mỏng biến thành một tượng điêu khắc "sống" chung với không gian bao quanh. Nhờ đường cắt, vết gấp chúng có cả âm lẫn dương bản như phim, từ hai chiều biến thành 3 chiều hòa hợp tương phản sáng tối mà vẫn giữ được phần gốc kết nối với nền giấy ban đầu. Xem tác phẩm Ốc sên bò hay Trỗi dậy, cái thần giữa phần chìm (cẳng và bàn chân) đã khiến phần nổi (ốc sên, bộ xương) thực đến rợn người. 

Nghệ sĩ tạo hình 42 tuổi người Đan Mạch Peter Callesen với 12 cuộc triển lãm riêng và 14 lần tổ chức trưng bày tập thể đã đam mê giấy trắng học trò từ ngày còn bé. Những bộ truyện tranh Andersen được thiết kế đặc biệt, loại mở từng trang nổi hình lâu đài, thành quách, hoàng tử, công chúa… đã cuốn hút Peter từ rất sớm. Khi các trẻ khác chăm chú nghe cô giáo đọc truyện thì Peter ngồi lặng trước trang hình dựng ngang mặt, tay mân mê tờ giấy trắng, gấp gấp xé xé, bởi cô giáo đâu cho phép để kéo lên bàn tiết học này. Ai không biết cứ nghĩ thằng bé ngứa ngáy tay chân gấp xé giấy cho đỡ buồn. Lên trung học, óc tưởng tượng của Peter luôn bận bịu, cũng với chính những tập truyện hình nổi ấy, nhưng ở nhiều góc nhìn khác nhau. Có lúc cậu lật dọc, để nghiêng, treo ngược đầu sách mà tay cứ gấp gấp cắt cắt. Ngày anh vào đại học Goldsmith, London năm 1997, kho “đồ chơi” riêng đã là các tác phẩm hoàn chỉnh đủ cho vài cuộc triển lãm đầu tiên mang tên thật lãng mạn như Nhật ký trắng hay Bữa trưa trên cỏ. 

 

Thế giới thần tiên của gấp và cắt

Từ năm 2000, thế giới tạo hình bắt đầu được nghe Peter Callesen kể chuyện bằng giấy theo từng giai đoạn, đi từ kho tàng cổ tích thần tiên xứ Đan Mạch đến khoảng trời tĩnh vật, tranh truyền thần các bản giao hưởng hoành tráng rồi thăng hoa hình tượng tôn giáo. Có những “bức điêu khắc” phức tạp mô tả đầu người nhô lên, chung quanh là tầng tầng chi tiết truyện huyền hoặc theo từng không gian cao thấp, tỏa theo nhánh suy tư của hệ thần kinh. Lưỡi lam, đầu ngọn kéo nhọn, dùi kim trong tay Peter đã tạo từ giấy trắng ra những hình dạng phức hợp liền mạch, chuyển tải những mơ mộng từ bộ não người. Nét kỳ khu tỉ mỉ ấy còn được lột tả trong các bộ tranh liên hoàn như Cây cầu, Tĩnh vật, Cái chết con thiên nga hay Vịt con xấu xí. Có tác phẩm giản đơn nội dung mà hoành tráng trong lắp ghép sắp đặt như bộ cầu thang toàn bằng giấy. Sự tương phản giữa chất liệu mỏng manh với hình thể tác tạo cứng cáp mạnh mẽ phả lên đầy cảm xúc.

Giấy trắng của Peter còn được dành nhiều cho thế giới trẻ thơ. Lũ thú gấp cắt bằng giấy trò chuyện với nhau. Mèo, chó, heo…tất cả đều nho nhỏ màu trắng càng sinh động khi làn gió nhẹ thoảng qua. Loài gia cầm và điểu cầm của Peter rất ấm ức: vỗ cánh mà không bay lên được, định sà xuống lại cứ phải đứng một chỗ. Tất cả do, lông cánh cũng vẫy đập đấy, nhưng chúng đang là giấy được cắt ra, gốc còn dính từ bản giấy nền. Tuyết quanh các lâu đài ai cũng nghĩ là thứ dễ thể hiện nhất bằng giấy vì mang chung màu trắng. Chưa hẳn! Peter cho biết, làm tuyết không dễ vì phải thao tác xử lý sao cho giấy trắng chuyển tải được cảm giác lạnh và bềnh bồng.

Năm 2006 Peter Callesen nhận trang trí cho nhà thờ Our Lady ở thủ đô Copenhagen. Khả năng tạo hình đặc trưng của anh đã khiến gian cung thánh bất ngờ trở thành một bảo tàng tranh giấy thu nhỏ. Các tín đồ, khách thập phương tấp nập đến xem cả một bộ sưu tập tranh điêu khắc giấy của Peter với các đề tài tâm linh như cầu nguyện, cám dỗ, hối hận, sa ngã, phép lạ, thiên thần, ác quỷ. Đặc biệt anh còn mời khách tham quan cùng sáng tạo với anh. Mỗi người được phát một mảnh giấy, trên đó họ viết ao ước, lời cầu để anh “phù phép” ghép chúng lại thành hình. Có lẽ đây là lần đầu nghệ thuật cắt, gấp, tỉa, lắp ráp giấy được ứng dụng vào trang trí thánh đường, nơi luôn trân trọng nghệ thuật Trung cổ, Phục hưng. Với Peter Casellen, đây không phải là một biệt ân. Vì chính giấy trắng đã luôn từng được xem là biểu hiện tinh khôi thanh sạch trong thế giới tâm linh.

 

An Nhiên (Theo  Le figaro magazine)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.