Nghệ sĩ, tâm & tiền

17/10/2009 17:55 GMT+7

(TNTS) Bây giờ ti vi có nhiều kênh, tuồng như thời điểm nào cũng có một nghệ sĩ đang nói chuyện trên màn hình, không kênh này thì kênh khác. Toàn nghe nói chuyện về nghề, về tình yêu nghề, sự khổ luyện, về cái tâm, về vân vân… tuyệt không thấy ai nói chuyện đứng đắn về đồng tiền.

Làm nghề thì phải yêu nghề, tất nhiên. Phải khổ luyện, tất nhiên. Phải có cái tâm sáng… lại càng tất nhiên. Suốt ngày nói mấy cái tất nhiên đó thế mà cũng có lắm người nghe, mới hay thiên hạ cũng lắm kẻ cả tin.

Chưa thấy ai nói về đồng tiền cho nó nghiêm chỉnh, về nhuận bút mình cần phải có, về cát-sê mình cần phải thu. Nói thế ngượng lắm, đồng tiền được liệt vào diện xấu xa, ở ngoài tha hồ nâng lên đặt xuống còn lên ti vi nhất định chỉ nói cái tâm.

Mà chẳng cần lên ti vi, đồng nghiệp với nhau cũng một mực nói đến cái tâm. Nghe nói lắm khi rớt nước mắt, cái tâm sáng tựa sao Khuê không ai không cảm động. Chỉ khi động đến đồng tiền mới biết tay nhau.

Ông Vương Đức xưa làm phim Cỏ lau, tìm trợt mặt một diễn viên đóng vai nữ phụ, mừng hơn cha chết sống lại. Cô này nói em từ chối nhiều vai rồi, nhưng vai này hay lắm, khổ mấy em cũng làm. Vương Đức như mở cờ trong bụng. Cô này lại nói Quảng Trị là chiến trường ba em sống và chiến đấu, bao nhiêu đồng đội của ba em hy sinh ở đó, giờ có cơ hội được đóng phim nơi ấy, chết em cũng đi. Vương Đức nghe suýt trào nước mắt.

Đến khi nói chuyện tiền nong, cô đòi một đống tiền cao ngất, gấp đôi vai diễn viên chính, Vương Đức cũng cắn răng nghe theo. Tưởng thế là xong xuôi, đến ngày vi hành cô gọi điện đòi thêm một đống tiền cao ngất nữa, nói tiền bảo hành cho bộ giò của cô. Vương Đức nghe suýt té xỉu, đành thank and bye người đẹp cùng với cái tâm nước bọt của cô.

Một trăm anh đạo diễn nhận phim, có đến chín chục anh tính nhẩm xem quả này mình thu được bao nhiêu trước khi tính xem mình phải làm thế nào cho nó hay. Nhưng khi nói chuyện với nhà sản xuất thì hăng hái lắm, nói phim này dứt khoát phải hoành tráng, có phải bán nhà tôi cũng làm cho kỳ  được. Khổ, đến bữa cơm cũng tính ăn bớt của anh em, nói gì đến phim với pheo.

Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mấy ông bà diễn viên cũng không phải tay vừa. Mới nhận phim thì bắt tay cụng ly nói anh em mình làm với nhau một phim kỷ niệm thôi, tiền nong là cái gì, bao nhiêu cũng xong, đừng nói chuyện tiền nong mà mất tình mất nghĩa.

Đến nửa phim mới làm reo. Mày không tăng cát-sê thì còn khuya mới xong phim con nhé. Bố mày mà cáo ốm bỏ về một phát chúng mày tính sao nào.

Tất nhiên số người đòi tiền trắng trợn cũng hiếm, đa số đều đem cái tâm ra để đòi tiền. Mới đây thôi, cái phim ti vi mấy chục tập, đạo diễn kiếm được người đẹp vào phim, cô này trả lời phỏng vấn cô làm phim vì cái này, vì cái kia, toàn mấy cái vì cao cả, nghe mà rưng rưng nước mắt.

Đến một phần ba phim thì kêu mẹ ốm nặng, em không về mẹ em chết mất, vừa nói vừa sụt sùi khóc. Đạo diễn tăng cát-sê lên gấp rưỡi là mẹ hết ốm liền. Đến quá nửa phim thì kêu bệnh, hết chóng mặt lại nhức đầu, em ráng không được nữa rồi anh ơi. Đạo diễn tăng cát-sê lên gấp đôi thì nói cười phe phé, bệnh tất cũng sạch mất tiêu. Ôi giời là vui.

Tiền bạc là thứ xấu xa, cho nên để có nó người ta phải nhân danh những gì cao cả, những gì tốt đẹp. Một ông trưởng đoàn hễ nhắc đến tình trạng sân khấu bao giờ ông cũng khóc, đau lắm các đồng chí ơi. Thế nhưng bất kỳ vở nào ông cũng đạo diễn, kiêm luôn tác giả, kiêm luôn âm nhạc, kiêm luôn họa sĩ thiết kế, kiêm luôn phục trang. Đến khi ra vở chỉ mỗi mình ông xem, ông khen hay chứ chẳng có ma nào xem. Ông lại khóc, lại nói đau lắm các đồng chí ơi.

Cũng đau lắm các đồng chí ơi nhưng ông đạo diễn khác còn cao thủ hơn, ông nói được nửa câu thì nghẹn lại, cố ghìm không trào nước mắt, ông nói các đồng chí có biết không, chỉ cần một phần triệu số tiền bọn tham nhũng ăn cắp của Nhà nước, chúng ta có thể dựng được nghìn vở kịch có chất lượng.

Ông nói đến tiếng chất thì nghẹn lại uất hận, mãi sau mới trút được  tiếng lượng. Mọi người nghe ông nói cứ lo ông uất quá, tăng xông mà chết. Ai biết nhiều lần dựng vở ông mang theo cả đống áo quần cũ của vợ con bán cho đoàn với giá gấp đôi, gấp ba giá mua cái mới, bởi vì ông là giám đốc sở, người cấp tiền dựng vở cho đoàn.

Đã đành tiền bạc Nhà nước cấp cho nghệ thuật còn “bèo”, thù lao cho văn nghệ sĩ không ra sao, đa số không nuôi sống được bản thân và gia đình bằng chính cái nghề của mình, nhưng núp bóng cái tâm, mạo danh cái tâm để bòn mót tiền bạc của Nhà nước, của đồng nghiệp thì thật không ra sao, vô cùng xấu hổ.

Cho nên dạo này mình rất ngại xem ti vi. Sợ chẳng may mình lại nghe mấy ông bà nghệ sĩ lại ngâm nga cái tâm. Người ta nói thiếu cái gì hay nói về cái ấy, khắp bảy ngành nghệ thuật không nơi nào các nghệ sĩ không ngâm nga về cái tâm, thật sợ quá đi mất. Ối tiền ơi, mày là cái gì mà làm cái tâm lao đao đến vậy, lao đao nửa thế kỷ rồi vẫn còn lao đao, và cũng chả biết bao giờ cho hết lao đao.

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.