“Đội lái” thao túng thị trường

20/10/2010 23:48 GMT+7

Chiêu thức tinh vi, tiềm lực tài chính mạnh, mối liên kết rộng... các "đội lái" đang thao túng nhiều cổ phiếu (CP) trên thị trường. Không ít nhà đầu tư (NĐT) nhỏ, lẻ cũng lao theo đội lái để tìm kiếm lợi nhuận nhưng họ chính là đối tượng bị hớt bọt sóng.

"Bẫy" cả NĐT kỹ thuật

“Đội lái” có đủ kỹ năng và thông tin để tạo nên sự đột biến đủ sức thu hút được sự quan tâm của các NĐT. Khi đó, một kế hoạch chi tiết sẽ được đưa ra. Với những đội lái có kinh nghiệm còn đưa ra một số kế hoạch dự bị phòng ngừa diễn biến thị trường đi chệch với dự đoán. Kế hoạch tổng quát chung là sẽ thu gom số lượng lớn CP ở mức giá thấp. Sau đó tung hàng loạt tin tốt về doanh nghiệp để đẩy giá CP lên cao. Khi giá CP tăng đến mức mục tiêu thì đội lái bắt đầu xả hàng.

Việc lên kế hoạch đã hao tổn sức lực nhưng thực hiện được kế hoạch đó cần phải có những kỹ thuật khéo léo thuộc dạng bậc thầy trên sàn chứng khoán. Sẽ không có bất kỳ NĐT cá nhân nào thực hiện hiệu quả việc mua gom hay xả hàng bằng các đội lái với nhiều tài khoản và có sẵn trong tay số lượng lớn CP. Kỹ thuật muốn gom hàng hay xả hàng hiện dễ nhận thấy trên bảng giá điện tử như bán ra một khối lượng lớn chặn giá bán trên, trong khi tài khoản khác đón mua ở giá thấp... 

Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ để tạo nên một làn sóng quan tâm mạnh vào CP trong thời điểm giao dịch chung của thị trường không sôi động. Vì vậy một số “đội lái” cố tình vẽ đồ thị để những NĐT am hiểu kỹ thuật cũng tham gia mua vào. Đối với những NĐT theo trường phái kỹ thuật, đồ thị giá CP sẽ chỉ ra được đâu là thời điểm có thể bắt đầu mua vào. Có thể là khối lượng giao dịch của CP đó bắt đầu tăng lên mạnh sau những ngày giảm giá liên tục; hoặc CP đó có dấu hiệu bứt phá khi vượt lên đỉnh giá cũ hay vùng giá đã tích lũy trong lịch sử với khối lượng giao dịch cao... Và những NĐT kỹ thuật lọt "vào tròng".

Không dễ tố cáo

Lộ trình để xử lý một vụ “làm giá” CP là sau khi các sở giao dịch chứng khoán phát hiện sai phạm sẽ có đơn kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Sau đó UBCKNN sẽ tiến hành điều tra, thẩm định toàn bộ sự việc và sẽ cử đoàn cán bộ đến thanh tra các tổ chức có dấu hiệu vi phạm. Hoặc nếu NĐT bị hại có đơn tố cáo các hành vi làm giá CP thì khi đó, UBCKNN mới có cơ sở để điều tra.

Tuy nhiên, trong các phi vụ đẩy giá của “đội lái”, hiếm có khi nào NĐT tố cáo vì không có bằng chứng rõ ràng. Vì vậy việc xử lý các sai phạm là điều khá khó khăn. Đó là chưa kể mức xử phạt theo quy định hiện nay cho các vụ thao túng giá cao nhất là 300 triệu đồng không đủ răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm. Bởi trong các đợt đẩy giá thì lợi nhuận mà đội lái thu được lớn hơn nhiều so với mức phạt nếu bị xử lý.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, điều quan trọng nhất để hạn chế được việc làm giá CP của các đội lái là NĐT phải có kiến thức và bản lĩnh. Nếu các NĐT không bị tác động để phải bán CP với giá thấp hoặc chạy đua mua theo CP với giá cao thì các kế hoạch của đội lái sẽ bị phá sản.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng trường ĐH Mở TP.HCM - ngoài việc bản thân các NĐT phải tự cảnh giác, UBCKNN phải siết chặt việc công bố thông tin ở các doanh nghiệp niêm yết. Nếu có thông tin rò rỉ ra bên ngoài trước khi doanh nghiệp công bố chính thức thì ban lãnh đạo công ty và người được ủy quyền công bố thông tin phải chịu trách nhiệm và mức xử phạt cũng phải nặng đủ để răn đe.

Tuy nhiên, tâm lý thích chạy theo những CP có sóng để tìm kiếm lợi nhuận của các NĐT còn tồn tại thì các đội lái có thể vẫn còn đất sống trên thị trường.

Thuỷ Lưu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.