Nỗi sợ bỏ quên

04/10/2008 23:54 GMT+7

Tèo lên cơn đau bụng. Đối với tôi, việc ấy chả có gì lạ vì trong thời buổi này, khi mà gặp gì ăn nấy, có thứ bỏ vào mồm đã vui rồi thì đau bụng là một triệu chứng rất hồn nhiên.

Nên tôi không để ý, cũng không an ủi. Thú thực là tôi dạo này cũng không còn tốt như xưa nữa. Tôi lo cho cái bụng của mình còn chưa xong, sức lực đâu mà lo cho cái bụng thằng bạn như Tèo. Nhưng nào ngờ Tèo đau quá. Nó ôm bụng kêu như còi xe hỏa, nó uống những viên thuốc to bằng quả dưa hấu và chườm bằng những túi nước nóng to như bao tải. Nhưng bụng vẫn sưng lên, và cứng như chiếc bánh bao để khô một tuần.

Tôi đành chở Tèo đi bệnh viện. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ hôm nay mình chở nó, ngày mai ai chở mình? Cuộc đời sao mà còn nhiều gian nan thế.

Sau khi khám qua mười sáu phòng và làm đủ ba mươi lần xét nghiệm, bác sĩ tuyên bố: Tèo phải mổ.

Nghe mà lạnh toát xương. Tôi chưa thấy mổ người bao giờ, nhưng mổ gà thì chiêm ngưỡng thường xuyên. Tôi thấy các con gà nằm hớ hênh, ruột một nơi, gan một nơi và tất nhiên mề một nơi. Nhưng Tèo là một chàng trai dũng cảm. Nó hoàn toàn tin vào khoa học. Nó bảo tôi:

- Mổ thì mổ, tớ biết chắc chắn chẳng xảy ra chuyện gì đâu.

Tôi run run:

- Mình hy vọng thế.

Tèo mở vi tính, nghiên cứu cẩn thận rồi nói:

- Thống kê cho thấy mổ ruột thừa như tớ rất an toàn.

Tôi hùa vào:

- Này, nhân thể khi mổ ra, cậu bảo bác sĩ có gì thừa thì cắt luôn, chứ đóng ra đóng vào mệt lắm.

Tèo trợn mắt:

- Cái gì thừa nào?
Tôi cười:

- Bọn mình càng ngày càng ít ăn, nên khéo dạ dày cũng chẳng làm gì. Bọn mình không uống rượu, nên gan cũng chẳng có việc để làm. Còn phổi trước sau gì cũng cắt, vì thở khói bụi thường xuyên.

Tèo gắt:

- Thôi đừng đùa nữa. Tớ đang lo đây này.
Tôi ngạc nhiên:

- Cậu đã bảo mổ ruột thừa là an toàn, thì còn lo gì nữa hả?
Tèo đăm chiêu:

- Mổ không có vấn đề gì đâu, nhưng chả hiểu tại sao bây giờ, các bác sĩ hay để quên dao kéo trong bụng sau khi mổ.

Tôi kinh hãi:

- Thật không?

Tèo rầu rĩ:

- Chắc chắn. Nào dao, nào kéo, nào búa, nào kìm, thậm chí cả găng tay và khẩu trang nữa. Họ để quên đủ thứ.

Tôi hét:

- Vậy thì chết à?

Tèo nhăn nhó:

- Không chết. Chỉ mấy năm sau lại mổ ra lấy thôi.

Tôi khiếp vía. Dù có trí tưởng tượng tới đâu, tôi cũng hiểu rằng bụng người ta không là cái tủ, không thể cứ thích là mở ra. Nhưng tôi động viên Tèo:

- Chắc hàng trăm ca mới có một ca. Cậu đừng có lo.

Tèo trầm ngâm:

- Tớ biết vậy. Nhưng tớ lại không có hàng trăm cái bụng, mà chỉ có một thôi.
Tôi nhăn nhó:

- Biết làm sao bây giờ?

Tèo suy nghĩ:

- Tớ nghĩ ra sáng kiến này. Hôm trước khi mổ, mình sẽ tới bệnh viện. Mình kiểm kê tất cả dao kéo, rồi gắn vào đấy những biển số. Mổ xong, mình chỉ việc kiểm tra các con số là biết bác sĩ có quên gì hay không.

Sáng kiến ấy không phải tồi, nhưng bệnh viện không chịu. Họ bảo nếu các anh không tin tưởng thì thôi, không mổ các anh thì chúng tôi mổ đứa khác, thiếu gì đứa đợi ngoài kia.

May mà tôi có một ông bác, ông này ngày xưa là cấp trên của ông giám đốc bệnh viện, nên nói mãi kíp giải phẫu cũng chịu.

Trước ngày vào phòng mổ, tôi dìu Tèo đến gắn biển số cho tất cả dao kéo. Những tấm biển bằng mi-ca sáng loáng.

Rồi phút quyết định đã tới. Tèo được cho nằm xuống và chụp thuốc mê. Tôi bồn chồn đi lại ngoài hành lang, giống hệt như trong phim khi ông chồng có cô vợ nằm chờ sinh em bé. Nói cho ngay, chả khác gì hôm nay Tèo lại sinh ra.
Ba tiếng sau, bác sĩ thò đầu bảo:

- Ca mổ thành công. Cậu ấy tỉnh rồi.

Tôi chạy ào vào, thấy Tèo đang nằm thiêm thiếp. Rồi từ từ mở mắt, run run hỏi:
- Dao kéo có còn nguyên không?

Tôi đếm số dao, kéo, kìm và thốt lên:

- Dao kéo đầy đủ. Nhưng thiếu hai tấm biển cậu ạ!

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.