Cuộc chiến lớn giành đảo nhỏ

07/11/2007 23:46 GMT+7

Tòa án quốc tế The Hague (ICJ) của Hà Lan đang xét xử vụ tranh chấp một hòn đảo nhỏ giữa hai nước Malaysia và Singapore trong suốt 28 năm qua.

Bé nhưng chiến lược

Người Singapore gọi tên hòn đảo theo tiếng Bồ Đào Nha là Pedra Branca, còn người Malaysia gọi là Pulau Batu Puteh. Cả hai đều có nghĩa là "Đá trắng", xuất phát từ quá trình đông cứng của phân chim trên bề mặt hòn đảo có diện tích không lớn hơn một sân đá bóng.

Từ thế kỷ 16, các thương thuyền của Hà Lan đã ghi nhận tên tuổi hòn đảo này, khi đó thuộc địa phận bang Johor, phía nam Malaysia do lãnh chúa Alauddin Riayat Shah lập nên vào năm 1528. Nằm ở điểm giao eo biển phía đông bắc Singapore, Pedra Branca là nơi thuyền bè ra vào đất nước Trung Quốc. Pedra Branca cũng bao gồm cả dải đá Middle Rocks cách nó 0,6 hải lý (khoảng 1,14 km) và dải South Ledge chỉ nhìn thấy khi mực triều thấp, cách đảo chính 2,1 hải lý về phía nam. Nơi đây cũng từng xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc trong lịch sử ngành hàng hải thế giới.

Năm 1847, người Anh, khi đó đã áp đặt ách thống trị lên một phần eo biển Malacca, đã cho xây dựng cột hải đăng Horsburgh (tên một thuyền trưởng người Scotland) trên hòn đảo này. Đến năm 1851, cột hải đăng hoàn thành và được chuyển giao cho Singapore, lúc bấy giờ là thuộc địa của Anh theo Hiệp ước Anglo-Dutch năm 1824, vận hành và quản lý. Về sau, Singapore tiếp tục xây dựng trên hòn đảo này nhiều công trình khác như: nhà máy lọc nước biển, trạm điều khiển hàng hải... Ngày nay, mỗi ngày có khoảng 900 tàu thuyền quốc tế qua lại hòn đảo này, mang lại cho quốc gia hiện đang sở hữu nó là Singapore một mối lợi lớn.

Tranh chấp

Năm 1979, Malaysia bất ngờ cho xuất bản 2 tấm bản đồ chính thức của quốc gia, trong đó gộp luôn hòn đảo Pedra Branca vào lãnh thổ nước mình. Lập luận của nước này là khi lãnh chúa bang Johor trao phần đất về sau là đảo quốc Singapore cho người Anh theo Hiệp ước năm 1824, đảo Pedra Branca không đi cùng phần lãnh thổ bị cắt, và phần biển thuộc về người Anh chỉ trong bán kính 10 hải lý (khoảng 19 km). Trong khi đó, Pedra Branca cách Singapore đến 25 hải lý và cách Johor chỉ có 7,7 hải lý. Malaysia cũng nói rằng, năm 1944, chính lãnh chúa Johor cho phép người Anh xây cột hải đăng Horsburgh trên đảo.

Trong khi đó, Singapore đã chính thức đưa ra thông cáo phản đối vào đầu năm 1980. Chính quyền đảo quốc sư tử cho rằng người Malaysia đã không đưa ra được bằng chứng về việc lãnh chúa Johor cho phép người Anh xây cột hải đăng, và rằng Singapore đã sở hữu hòn đảo này trong hơn 150 năm qua với việc xây dựng nhiều công trình quan trọng, trong khi Malaysia đã không có "động tĩnh" gì.

Cuộc chiến tranh giành đảo diễn ra ngấm ngầm và như một "ung nhọt" trong quan hệ giữa hai quốc gia từng là ruột thịt kéo dài cả thập kỷ. Năm 1989, Singapore đề nghị người láng giềng cùng đưa vụ tranh chấp lên ICJ. Malaysia chấp nhận đề nghị này vào năm 1994. Năm 2003, hai bên ký một "Thỏa thuận đặc biệt" mở đường cho mỗi bên đưa các lập luận và chứng cứ của mình lên ICJ trong hai năm 2004, 2005.

Vừa qua, trong phiên tòa kéo dài gần 3 tuần khai mạc hôm 6.11 ở La Haye, Singapore được dành cho 4 ngày để trình bày chứng lý của mình. Trong phần mở màn, phía Singapore gồm hơn 30 nhà hành pháp và tư pháp hàng đầu đã đưa ra trước 16 thẩm phán của phiên tòa những chứng cứ gồm: văn bản, bản đồ, hải đồ, tranh vẽ, thư tín và băng ghi âm. Đặc biệt là băng ghi âm phát biểu của cố Thủ tướng Malaysia Tun Hussein Onn tại một buổi họp báo năm 1980 có đoạn nói rằng: "Chủ quyền của Malaysia đối với đảo Pedra Branca là không rõ ràng lắm". Đoàn Malaysia ngoài những người đứng đầu trong nước còn có những "thầy cãi" quốc tế cũng sẽ có 4 ngày (từ 13-16.11) để trình bày. Sau đó, tòa sẽ dành 4 ngày cho các bên tranh luận. Sau phiên tòa, các thẩm phán sẽ họp kín và bỏ phiếu biểu quyết. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6.2008 và sẽ không có kháng án.

Thục Minh (từ Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.