Chuyện dở khóc dở cười trên đường “hành hiệp”

15/09/2005 22:58 GMT+7

Một vị giám đốc vừa mở công ty nhưng phải giao hết việc cho “phó” để đóng cửa phòng “luyện công”. Một giám đốc khác thì bắt nhân viên phải mua cho mình những đồ ăn… một tay (bánh bao, bánh mì…) bởi tay kia “bận” nhấp chuột. Một hội giám đốc khác thì gặp nhau chỉ bàn chuyện “giang hồ” mà bỏ bê công việc, bỏ cả đánh tennis, nhậu nhẹt, gái gú... Lại có ông giám đốc không biết game thì than thở: “Mình không dám chơi vì sợ… nghiện. Dạo này, bạn bè nó nhìn mình bằng ánh mắt khác. Có lên tìm, rủ làm ăn thì chúng nó kêu bận, không tiếp. Nhưng nếu ngỏ ý muốn “luyện công" thì gặp ngay, lôi kéo, bày vẽ tận tình, lại cho đủ thứ đồ xịn để “hành hiệp”…”.

 

Sau cánh cửa văn phòng của một số doanh nhân, chưa bao giờ không khí “giang hồ” lại trở nên sôi động đến thế, kể từ khi game võ lâm truyền kỳ du nhập Việt Nam...         

    

Chân dung “ông giám đốc võ lâm”

 


Ông Trần Tuyên Đức chơi Võ lâm truyền kỳ trên laptop sau giờ làm việc - ảnh: T.G

Ông Trần Tuyên Đức là phó giám đốc công ty cổ phần điện - điện tử tin học Sao Bắc Đẩu, TP.HCM. Trong giới làm ăn tin học, nhắc đến ông Đức, bạn bè, đối tác đều coi ông như một doanh nhân - game thủ "điều độ". Có nghĩa, ông Đức là một trong những ông giám đốc "nghiện" game võ lâm một cách chuẩn mực, biết phân phối cân đối giữa thời gian làm ăn và... chơi game. Hiện ông Đức đang "luyện" môn phái Thiên Vương bang trong võ lâm truyền kỳ và đang ở cấp 70, một thứ hạng tương đối "khủng". Võ công của môn phái này chia làm ba hướng khác nhau là đao pháp, thương pháp và chùy pháp. Theo "sử", đệ tử của môn phái này đa số sống bằng nghề canh nông, không chen vào chuyện giang hồ nhưng luôn là những cao thủ võ lâm với những đường thương gia truyền nức tiếng.

 

Ông Đức nói về cái "tên" trên giang hồ của mình: "Tôi lấy "nick" là J.L theo tên của diễn viên Lý Liên Kiệt (Jet Li) mà tôi hâm mộ". Ông kể vanh vách tên những bộ phim nổi tiếng do diễn viên này thủ vai như Nụ hôn của rồng, Cận vệ Trung Nam Hải, Anh hùng... và nói: "Ngay từ nhỏ, tôi đã được đắm mình trong những câu chuyện võ hiệp nhờ đọc những tiểu thuyết, truyện chưởng, phim chưởng của Tàu. Từ hồi ấy, tôi đã mong ước trở thành người hùng như trong các câu chuyện võ lâm". Ông Đức kể: "Làm kinh doanh, nhất là dính đến tin học thì không thể không biết đến game. Nhưng từ khi có Võ lâm truyền kỳ, tôi mới thật sự gặp được thế giới mà mình yêu thích. Ở đó, người chơi được đắm mình trong không khí trên giang hồ, được rèn luyện và cư xử như những kiếm khách giang hồ thật sự".

Ông Đức kể ông chơi game một ngày khoảng hai tiếng, từ 10 giờ tối đến nửa đêm. Ông nói, để có được khoảng thời gian "cân đối" này là cả một quá trình "phấn đấu", "lên kế hoạch": "Lúc mới chơi "nghiện" quá nên giờ giấc chưa cân đối được, dễ ảnh hưởng đến sinh hoạt của công việc, gia đình. Rồi tôi phải nghĩ lại. Chơi sao để sáng đưa được con đi học, sáng đến công ty không mắt nhắm mắt mở". Ông Đức nói: "Doanh nhân ở độ tuổi 30 - 45 chơi "võ lâm" nhiều. Với chúng tôi, chơi để xả stress, để học... quản lý, để luyện tính kiên nhẫn, để đối mặt với nhiều thách thức... Việc mua bán trên online cũng là môi trường tốt để rèn luyện tố chất kinh doanh ngoài thương trường".

 

Tại công ty ông Đức, có một quy định ngầm là cấm mọi thành viên không được chơi game trong giờ làm việc. Riêng ông Đức, những đợt đi công tác xa ông đều đem theo máy tính xách tay, đêm về nối với internet để lên mạng. Ông nói: "Kể cũng hay. Thay vì tìm tới nhậu nhẹt, bù khú chơi đêm thì tối lên mạng để đắm mình trong không khí giang hồ. Vừa giải trí, vừa đỡ tốn tiền, chơi bời đêm hôm mệt mỏi". Từ game online, ông nảy sinh ra được những mối quan hệ và "ngộ" được những "triết lý giang hồ": "Tôi gặp được những em rất dễ thương, có học, chơi giỏi. Có em đang học ĐH nhưng đã viết được phần mềm, am tường về game. Có em ngày hè chơi thường xuyên nhưng qua khai giảng là "nghỉ" được để tập trung học hành. Có những em tôi quen tận ngoài Hà Nội, mỗi lần bay ra công tác lại gặp nhau uống cà phê, bàn chuyện game, chuyện đời. Gặp gỡ mới biết, tính cách ngoài đời và tính cách nhân vật trong võ lâm của họ... giống nhau”.

 

Những kiếm khách... doanh nhân

 

Có chuyện một chủ doanh nghiệp. Ông này lúc đầu rất dị ứng với game. Có lần bắt  gặp nhân viên chơi game trong giờ làm việc, ông la lối om sòm, mắng nhân viên tơi bời vì không chú tâm công việc. Thế rồi ông... tình cờ biết "võ lâm". Lúc đầu, ông nói với nhân viên chơi để... giải trí. Quan hệ "thầy trò" lập tức trở về mặn nồng. Trong giờ làm việc, lúc lúc lại nghe sếp và nhân viên kêu ré lên: "Cứu cứu cứu!"; "Chết mẹ, nó đánh anh!"; "Chết rồi tao mất cái áo!"; "Chết rồi, nó đánh mình rớt cái quần!"... Cứ thế, ông giám đốc mải mê hành hiệp võ lâm rồi "nghiện" lúc nào không biết. Hôm sếp làm... đám cưới với một nữ ma đầu, đôi tình nhân - hiệp khách giang hồ đi xa phu đến gặp Nguyệt Lão. Nguyệt Lão ưng thuận, đôi tình nhân được tặng một bộ nhẫn rồi dắt nhau ra thành Lâm An mua đồ cưới. Nhân viên đi theo tung hô "vạn tuế", pháo, hoa rải đầy đường... Rồi đùng một cái, nữ ma đầu kia "ly dị" giám đốc. Vị này buồn nhân tình thế thái bỏ đi lang thang. Đến lúc ấy, dư luận công ty đã nháo nhác lên về chuyện giám đốc mải mê game, bỏ bê công việc. Lúc này, ông giám đốc không nói mình chơi game công khai nữa mà khóa cửa phòng, luôn luôn ở trong tình trạng bận họp, bận nghiên cứu... dự án. Nhân viên có vào thì giám đốc "out" nhưng với vẻ khó chịu, nếu có đưa hợp đồng, giấy tờ thì ký qua quýt rồi đuổi nhân viên ra.

 

Câu chuyện sau sẽ nói rõ "bản chất" và "tầm nhìn" của một doanh nhân - game thủ khác với cánh gamer choai choai: Người trong giang hồ không lạ gì H.X, một ông chủ tiệm net ở ngoài đời. Có điều, giới game thủ nói chung không ưa nhân vật này, họ gọi ông là H.X "buôn ngựa"! Từ buổi mới gia nhập võ lâm, kiếm khách này đã nổi tiếng chăm chỉ về chuyện nhặt đồ rơi vãi, xin xỏ, sau bán lại. H.X có ưu điểm là chịu khó chơi và chịu khó kinh doanh nên giờ trở thành một trong những người giàu nhất server Hoa Sơn. Có chuyện H.X mua được con Xích Thố, một trong năm con ngựa quý nhất trong game. Ban đầu, dân giang hồ không biết mua ngựa quý ở đâu (bây giờ thì ai cũng biết là ở Nam Nhạc trấn). Chỉ duy nhất H.X tìm được một game thủ tuổi trẻ tài cao, người sở hữu con Xích Thố. Mặc dù trẻ, giỏi và am tường chuyện mua - bán trên giang hồ nhưng gamer này đã đổ gục trước lời thuyết phục tỉ tê của H.X. Kết quả là H.X đã mua được con ngựa Xích Thố với giá rẻ là 1.000 vạn lượng (giá trong shop là 1.500 vạn). Lập tức sau đó, H.X bán lại con ngựa với giá 2.000 vạn lượng. Sau khi nổi danh "buôn ngựa", H.X lao vào buôn bán những mặt hàng khác và giờ thì được đánh giá là một trong những "lái buôn" nổi tiếng nhất trên giang hồ.

 

Vợ “hành thích” chồng

 

Giám đốc một công ty cung cấp game tại TP.HCM kể câu chuyện nửa khóc nửa cười: Ông có một cô bạn khá thân, chồng cô này làm ăn ngoài nên phải "ngoại giao" nhiều, thường xuyên phải tiếp khách bằng bia rượu và luôn về nhà lúc nửa đêm với tình trạng say khướt. Cô vợ dùng mọi chiêu để động viên, can ngăn, thậm chí dọa nạt ông chồng nhưng vẫn không hề suy chuyển. Cô bèn tìm tới ông giám đốc cung cấp game, nhờ ông "giới thiệu" cho chồng mình một trò chơi để chồng bỏ bia rượu, chấm dứt cảnh đi đêm về hôm say khướt. Chừng nửa tháng sau, ông giám đốc game sững sờ khi được cô bạn đến... bắt đền: "Anh làm hỏng hết chồng em rồi!". Ông hỏi: "Sao hỏng, dạo này chồng có nhậu không?". Cô bảo: "Không!". Ông hỏi: "Thế có say khướt không?". Cô nói: "Cũng không!". Ông bực mình: "Thế thì tốt, sao cô bảo tôi làm hỏng chồng cô?". Cô này "bức xúc": "Trước ảnh có say khướt nhưng vẫn... "trả bài" được. Giờ ảnh mải chơi game, không còn biết "trả bài" là gì!". Té ra, từ lúc biết "võ lâm", ông chồng này đâm "ngoan", cứ hết giờ hành chính là về nhà đóng cửa luyện võ. Luyện đến mức quên ăn quên ngủ, đầu tóc bù xù, mặt mày hốc hác, mệt mỏi bơ phờ  nên đêm về không thể... chăn gối cùng vợ!

 

Còn chuyện một ông làm phường đội tại quận B.T, TP.HCM. Công việc của phường đội thì vốn không nhàn, hồi chưa biết tới võ lâm thì ông này làm ca kíp tối mặt tối mũi. Đùng một cái ông vào giang hồ với nick "độc_tăng". Thế rồi ông "chết" trên online cả tháng trời, thời gian chơi liên tục từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Nếu có tiền, buổi trưa, buổi tối ông mua tạm cái bánh mì, tô hủ tiếu để "dằn bụng" chớp nhoáng. Hết tiền, ông kêu con mang cơm đến quán net cho ba ăn. Bà vợ buôn bán ngoài chợ của ông sinh nghi, thấy chồng đi miết, lúc nào về cũng thấy mệt mỏi, thiếu ngủ. Bà mới truy được đứa con và bắt nó chở tới tiệm net. Lần đầu bắt gặp, bả mặt mũi hầm hầm. Đến lần thứ hai, thứ ba, dứt chồng khỏi game không được, bả nổi cơn tam bành, chửi tung cả quán bằng những ngôn ngữ "đời" nhất. Lần cuối, không "giáo dục" được chồng bằng lời nói, bà đi bộ tìm tới quán game. Giấu sau lưng là một cây... gậy. Xộc tới quán, chẳng nói chẳng rằng bà kéo tay chồng lôi khỏi ghế và vụt túi bụi. Sau lần bị vợ "xách cây đánh như đánh con", ông chồng lủi ra quán khác và... tiếp tục chơi. Ông than với bạn bè: "Trót chơi phải theo anh em giang hồ đến cùng, không thể bỏ anh em mà đi được". Một số người biết về ông này cho hay: Hiện ông gần như là nghỉ không lương để chơi game. Ông tìm tới chơi ở những quán xa nhà, chơi trong thời gian vợ phải buôn bán, không rảnh để xách cây đi tìm chồng "hành thích"... 

 

Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.