2 tháng tuổi cũng bị sốt xuất huyết

19/10/2009 17:05 GMT+7

Bé Lê Thành T. - 2 tháng tuổi, nhà ở xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang - bị sốt, ho, sổ mũi. Gia đình đưa bé đến trạm y tế khám bệnh và được các thầy thuốc cho điều trị, theo dõi tại nhà.

Đến tối ngày thứ năm, mẹ bé phát hiện trên người bé nhiều đốm đỏ ở hai chân, hai tay, da nổi bông sữa, sờ thấy lạnh ngắt, bé bứt rứt quấy khóc, không chịu bú. Gia đình vội đưa bé đến bệnh viện huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện tỉnh Tiền Giang ngày 14-10-2009.

Các bác sĩ chẩn đoán xác định bé T. bị sốt xuất huyết độ III. Bé được khẩn trương truyền dịch và theo dõi sát. Bệnh ổn dần, bé bú tốt, tay chân ấm lại và có thể xuất viện vài ngày tới.

Đây là một trong những trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi). Diễn biến sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi thường rất nặng, phức tạp và việc theo dõi gặp khó khăn hơn trẻ lớn rất nhiều, chẳng hạn như khó đo huyết áp. Ở bé T. có hai dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán sốt xuất huyết là sốt cao liên tục và xuất huyết dưới da.

Nguyên nhân bé T. bị sốt xuất huyết nặng là do trong cơ thể bé có sẵn kháng thể kháng lại siêu vi trùng gây bệnh sốt xuất huyết do mẹ truyền sang trong thời kỳ mang thai. Sau khi sinh ra, bé bị muỗi vằn đốt, bị nhiễm siêu vi trùng sốt xuất huyết, kết hợp với kháng thể sẵn có gây phản ứng nghiêm trọng làm bé suýt bị nguy hiểm đến tính mạng.

Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, có trên 30% trẻ nhũ nhi bị bệnh sốt xuất huyết lại có triệu chứng của bệnh đường hô hấp như ho, sổ mũi. Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu không điển hình khác kèm theo như tiêu chảy, loét miệng, nổi ban đỏ trên da, nên đã có trường hợp bị chẩn đoán nhầm là viêm đường hô hấp, chảy cấp, tay chân miệng, sốt phát ban...

Để tránh bị chẩn đoán sai trong mùa dịch hiện nay, đối với trẻ em ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu bị sốt trên hai ngày phụ huynh nên nghĩ tới nguy cơ bé bị sốt xuất huyết, dù bé đang ho, tiêu chảy, phát ban hay loét họng. Nên đưa bé đến cơ sở y tế khám bệnh.

Trong thời gian theo dõi phải cho bé uống thật nhiều nước để phòng ngừa mất nước do sốt và ăn uống kém. Khi thấy bé có một trong các dấu hiệu như lừ đừ, đau bụng, nôn ói, tay chân mát lạnh, chảy máu cam hoặc xuất huyết dưới da cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất. Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu được phát hiện sớm và đến bệnh viện kịp thời thì điều trị rất thành công.

BS Nguyễn Thành Úc

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.