Những kiểu “bán sống” con người - Kỳ 3: Bỏ mạng nơi đại ngàn

18/11/2010 14:22 GMT+7

Trong những trại lao động mà sức người bị bóc lột đến kiệt cùng ấy đã có người gục ngã. Ra đi bằng sức trai trẻ với mong ước thoát nghèo nhưng trở về trong những quan tài lạnh lẽo.

>> Kỳ 1: Sa chân
>>
Kỳ 2: Khổ ải giữa rừng sâu

Chết ở bìa rừng

Trong số 33 người cuối cùng được giải thoát khỏi trại lao động Đăk RMăng (Đắk Glong, Đắk Nông) chỉ có 32 người trở về nguyên vẹn. Riêng anh Hồ Văn Chương (32 tuổi) ở thôn 3, xã Phước Chánh (Phước Sơn, Quảng Nam) chỉ kịp ra khỏi bìa rừng rồi tắt thở vì kiệt sức.

Anh Chương mất, giấc mơ thoát nghèo còn chưa kịp bắt đầu khi sáu tháng tiền công phát rừng đến ngày qua đời vẫn chưa được thanh toán. Anh chẳng để lại gì cho vợ và đứa con trai ngoài căn nhà bằng phên nứa trống hoác, đến cái bàn thờ cũng trống, chỉ có nải chuối và nén hương mà không có di ảnh. Trừ chuyến lao động nghiệt ngã này, người đàn ông dân tộc Bh’noong Hồ Văn Chương chưa một lần bước ra khỏi núi rừng Phước Chánh về huyện lỵ Khâm Đức để chụp hình.

Chị Hồ Thị Út, vợ anh Chương, mắt đỏ hoe nhưng không còn khóc được vì hơn một tháng từ ngày chồng mất chị đã khóc cạn nước mắt. Chị Út nhắc về cái chết của chồng mình đơn giản một cách đau đớn: “Mình có biết kể chi mô, chồng mình đi được sáu tháng, không tin tức, rồi thấy công an mang xác về... Đến chừ mình cũng không biết răng chồng mình chết”.

Ngồi cạnh, chị Hồ Thị Nghiệp, người cũng bị lừa vào Đắk RMăng lao động với anh Chương, kể thay câu chuyện: “Vô đó được ba tháng thì anh Chương bị nhiễm sốt rét nặng. Người xanh như lá chuối, gầy quắt. Biết anh không đủ sức phát rừng nữa, bọn chúng bắt anh đưa cơm cho cả trại. Nhưng nhiều bữa leo được lưng chừng dốc thì anh Chương gục xuống, cơm đổ lênh láng, cả trại phải nhịn đói”.

Đại úy Huỳnh Ngọc Thành, Công an huyện Phước Sơn, người đã đưa anh Chương đi cấp cứu, vẫn còn nguyên sự phẫn nộ khi ngay trên đường vào trinh sát bãi lao động ở Đắc RMăng đã phát hiện một cai bãi lao động chở anh Chương ra ngoài trong tình trạng suy kiệt vì sốt rét rừng. Tuy nhiên hành động “làm phước” duy nhất ấy của những kẻ cai bãi không phải để đưa anh Chương đến trạm xá, mà là chở thẳng ra bến xe để tống khứ một lao động đã suy kiệt về quê nhà. Đại úy Thành sau đó đã gọi taxi từ thị xã Gia Nghĩa xuống để đưa anh Chương đi cấp cứu, nhưng xe mới chạy được nửa đường thì anh tắt thở.

Chị Hồ Thị Bông, một trong những người cuối cùng được giải cứu, cho biết khi công an ập vào, trong số 32 người được giải thoát có nhiều người sức khỏe cũng suy kiệt như anh Chương vì bị nhiễm sốt rét lâu ngày. “Nếu công an không vào sớm có khi mình và nhiều người nữa cũng theo Chương về với ông bà mất rồi!” - chị Bông bần thần.

Gục trên bãi đá

Rời Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh về A Lưới - Thừa Thiên-Huế, nơi từng có nhiều người Pakô, Vân Kiều bị lừa đi bóc lột sức lao động. Và hành trình đi tìm thông tin về những lao động bị đày đọa ấy lại ngổn ngang thêm những câu chuyện rất buồn.

Trong túp lều nhỏ ven đường Hồ Chí Minh ở thôn A Ka A Chi, xã A Roàng, hơn một năm nay ông Hồ Văn Nê sống thu mình như cái bóng. Đó là từ ngày đứa con trai duy nhất của ông, anh Hồ Văn Nâm (22 tuổi), qua đời trong một bãi khai thác đá ở Đắk Nông. Nhưng bây giờ có ai hỏi ông Nê con trai mình chết ở đâu, làm sao chết, ông cũng không thể trả lời chính xác. “Hắn chết ở đâu bọ có biết mô. Hắn đi vài tháng thì ốm, nửa năm thì có điện trên xã nhắn hắn chết vì bệnh tim. Xe chở hắn về bọ phải trả 2 triệu đồng”.

Cũng như lời kể của vợ nạn nhân Hồ văn Chương, câu chuyện cuối cùng về đứa con trai tội nghiệp của người đàn ông Vân Kiều này chỉ dừng lại đó. Chuyện chỉ rõ dần khi Hồ Văn Nhe, em họ của Hồ Văn Nâm làm cùng bãi khai thác đá, kể lại: “Họ về tuyển hai anh em mình cùng năm người khác ở A Roàng vào Đắk Nông hái cà phê, lương 800.000 đồng/tháng. Nhưng đến nơi thì bị đưa đến bãi khai thác đá...”.

Lại một kịch bản rất cũ và cách thức trấn áp qua lời kể của người em họ Hồ Văn Nhe cũng không khác với những bãi lao động mà chúng tôi từng biết. Hồ Văn Nhe cho biết do phải làm quần quật từ 6 giờ sáng đến tối mịt nên tay chân ai cũng bị phù nề. Riêng anh Hồ Văn Nâm sau ba lần ngất xỉu trên công trường đã xin ông chủ được nghỉ lấy sức ít hôm nhưng không được. Hậu quả là đến tháng thứ 7 ở công trường đá, anh Nâm đã ngã gục và khi đưa vào Bệnh viện Gia Nghĩa được vài hôm thì tắt thở với chẩn đoán chết do sốc tim.

Cho đến bây giờ, việc duy nhất của gia đình ông Hồ Văn Nê là nhận xác con về chôn cất. Ai là người đã thuê mướn con mình ông cũng không biết. Khi có tin con ốm, gia đình ông lần theo số điện thoại của những người môi giới đã đưa con mình đi, gọi vào Đắk Nông nhưng đều bị chủ bãi đá từ chối cho gặp.

Ngay cả người em Hồ Văn Nhe khi anh họ chết xin theo về cũng không được mà phải làm chẵn một năm mới cho về. Anh Nâm mất được vài tháng, ông Nê nhận được giấy báo lên bưu điện xã nhận bảy tháng tiền công đập đá trước ngày mất. Và đó là “ân huệ” cuối cùng ông được nhận từ những người đã gây ra cái chết cho đứa con trai duy nhất của mình.

Cách nhau một đoạn đường rất dài, cả trăm cây số đèo núi, nhưng hai câu chuyện - hai số phận bi thảm của anh Hồ Văn Chương và Hồ Văn Nâm không khác gì nhau: cùng bị lừa vào bãi lao động bằng sự nhẹ dạ, cùng bị bóc lột đến chết và cùng bỏ lại người thân với niềm tiếc thương và câu hỏi không bao giờ được giải đáp về kẻ đã gây ra cái chết cho họ.

Đó đã phải là câu chuyện bi thảm cuối cùng về những người dân bị lừa ra khỏi bản làng heo hút này chưa?

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.