Hà Nội: 18.000 "cổ cồn trắng" nuôi hy vọng nhà giá rẻ

06/11/2007 15:54 GMT+7

(TNO)Một điều tra chưa chính thức của Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất Hà Nội cho biết, chỉ có khoảng 30% cán bộ, công nhân, viên chức hiện nay được phân phối nhà ở; gần 100% hộ gia đình trẻ chưa có nhà ở, phải ở ghép chung, hoặc thuê nhà ở tạm. "Nhà ở xã hội", dù đã được quy định trong Luật nhà ở, vẫn chỉ là những dự án rất xa xôi.

Chị Nguyễn Thu Hà, PV một tờ báo ở Hà Nội kể, lấy chồng 7 năm, sắp sinh con thứ 2 nhưng vợ chồng chị vẫn phải ở chung với bố mẹ chồng trong một ngôi nhà 60 m2 với 6 người lớn và 4 trẻ con.

"Cách đây 3 năm, chúng tôi ước gì mình có 400 triệu mua một căn chung cư ở khu Mỹ Đình-Mễ Trì để tách ra ở riêng. Bây giờ khi chúng tôi có 400 triệu thì cũng căn nhà đó đã lên đến 650 triệu. Và với đà này thì chắc chẳng bao giờ chúng tôi có thể mua được nhà", chị Hà than thở.

Anh Trần Quốc Tuấn, 28 tuổi thì chấp nhận giải pháp thuê một căn chung cư cũ ở D1 Giảng Võ với giá 1,5 triệu đồng/tháng khi vợ sinh con đầu lòng. "Bởi vì các khu chung cư cũ rất ít người bán, các khu chung cư mới như Trung Hoà-Nhân Chính giá từ 12 triệu đồng/m2 trở lên, nơi giá thấp nhất như Việt Hưng (Long Biên), Pháp Vân-Tứ Hiệp (Hoàng Mai) cũng 5-6 triệu đồng/m2, hai vợ chồng công chức chúng tôi không đủ tiền mua, còn vay mượn thì sợ nên mãi chưa mua được nhà", anh Tuấn kể.

Hàng loạt các khu đô thị mới vừa được xây dựng tại Hà Nội như Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình... đều có tính đến tỷ lệ nhà ở để bán cho người thu nhập thấp, gia đình trẻ, nhưng sự thực là những đối tượng này không thể mua được những căn hộ này.

Ngay cả một số dự án nói là để dành riêng cho người thu nhập thấp như 225 Đường Láng, Cầu Diễn, Xuân La-Xuân Đỉnh... được thiết kế tưởng như chỉ dành cho người ít tiền (diện tích nhỏ chỉ 30-45m2) nhưng cuối cùng người sử dụng cũng vẫn là "người có tiền". Diện tích nhỏ được khắc phục bằng cách mua 2-3 căn hộ liền kề rồi cho thông với nhau !

T.S Nguyễn Minh Đức, nghiên cứu sinh cao cấp Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Ukraine nhận xét giá đất ở các khu đô thị mới quá đắt, để có một mảnh đất khoảng 30m2 xây nhà, người ta phải bỏ ra ngót 1 tỷ đồng, đây là số tiền không nhỏ ngay cả với hộ có thu nhập cao.

 "Nhà chung cư cũng thường dao động từ 500 triệu-1,5 tỷ đồng/căn. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên và tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, một hộ gia đình cũng phải mất 20 năm để mua được một căn hộ có mức giá thấp nhất".

Theo các chuyên gia thì giải pháp cuối cùng cho các hộ gia đình trẻ là thuê nhà giá rẻ từ quỹ nhà ở xã hội của thành phố. Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết: "Chính sách nhà ở cho gia đình trẻ đã được đề xuất trong đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội của thành phố. Theo đó các đối tượng này sẽ được ưu tiên thuê hoặc thuê mua nhà ở với giá ưu đãi đặc biệt".

Theo Giám đốc Vũ Văn Hậu, hiện nay Hà Nội vẫn đang đợi phê duyệt đề án này, theo đó Chính phủ có thể sẽ hỗ trợ 109 tỷ đồng cho dự án thí điểm nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên).

Tuy nhiên, theo dự báo của Viện nghiên cứu Kinh tế-xã hội Hà Nội, giai đoạn 2006-2010, nhu cầu nhà ở cho thuê, thuê mua của các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức (bao gồm các gia đình trẻ) là 18.000 căn hộ.

Trong khi đó, dự án thí điểm xây nhà ở xã hội của thành phố chỉ vẻn vẹn 900 căn, tương đương 5% nhu cầu. Với tương quan cung-cầu như vậy, rất nhiều người tiên lượng sẽ lại tái diễn cảnh tiêu cực, thậm chí là gian dối trong việc xét duyệt đối tượng mua, thuê nhà vốn đã có nhiều phiền phức.

Duy Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.