Khi chúng tôi trẻ

15/09/2005 22:32 GMT+7

Bước sang đầu năm 2006, khán giả sẽ chứng kiến sự ra mắt khá rầm rộ của một loạt tác phẩm của các đạo diễn trẻ, trong đó có Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung, Đào Duy Phúc, Lý Khắc Linh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi bàn tròn với 5 gương mặt này.

 

 * Các anh đang làm gì? Và dự án sắp tới sẽ là...

 

- Nguyễn Quang Dũng: Ngày 25.9 tới đây, tôi chính thức khởi quay bộ phim truyện nhựa Hồn Trương Ba da hàng thịt, dự án này đã qua một năm chuẩn bị. Tôi đang chuẩn bị một dự án lớn hơn rất nhiều, dự án này muốn thực thi được thì Hồn Trương Ba da hàng thịt phải đạt được một sự thành công nhất định nào đó. 

 

- Lê Bảo Trung: Tôi vừa hoàn thành phim Đẻ mướn, đang bắt tay để qua Tết sẽ khởi quay Đẻ mướn 2. Ngoài ra, đang chuẩn bị hai đề tài viết về sinh viên và thiếu nhi, cùng hợp tác với một hãng phim để sản xuất cho phim mùa hè 2006.

 

- Vũ Ngọc Đãng: Tôi đang tiếp tục dự án phim truyền hình dài tập Tuổi 20 (tựa sẽ đổi).

 

- Đào Duy Phúc: Đang làm 2 trong 1, năm tới nếu thuận lợi tôi sẽ thực hiện phim Bản năng (kịch bản đoạt giải nhì của Cục Điện ảnh năm 2004).

 

- Lý Khắc Linh: Đang thực hiện Thập tự hoa, sắp tới tôi muốn làm một phim về đề tài cổ trang và đang đầu tư công sức vào đó.

 

* Các anh có chủ trương đi theo đám đông hay không? Những ý muốn cá nhân của các anh có bị áp lực từ xung quanh hay không?

 

- Nguyễn Quang Dũng: Mục đích của tôi là phải làm phim cho đám đông, phục vụ họ cái đã. Đừng bao giờ kêu gọi khán giả là hãy tin tôi đi, chỉ có cách phục vụ bằng chính chất lượng nghệ thuật của tác phẩm mà thôi.

 

- Lê Bảo Trung: Tất nhiên là phải làm phim cho đám đông, nhưng phim đó phải chinh phục bằng chất lượng nghệ thuật chứ không bằng thị hiếu. Chất lượng nghệ thuật sẽ quyết định phim Việt trên con đường dài. Còn áp lực thì không, phải đưa ra được nhiều khẩu vị qua nhiều món ăn, tôi không cho phép mình lặp lại vì sẽ rất nhàm chán, vì thế sau phim Đẻ mướn tôi sẽ bắt tay làm một phim về thiếu nhi. 

 

- Vũ Ngọc Đãng: Tất nhiên phải là đám đông, "đời sống" của phim chỉ được khán giả xem một lần. Vì thế, một bộ phim được càng nhiều người đón nhận càng tốt.

 

- Đào Duy Phúc: Không, tôi vẫn giữ được cái tôi ngay từ đầu khi thỏa thuận với nhà sản xuất. Cách nhìn vấn đề, giải quyết vấn đề chính là của đạo diễn nên tôi không bị áp lực của nhà sản xuất, tôi bảo vệ đến cùng quan điểm của tôi và được nhà sản xuất đồng ý. 

   

- Lý Khắc Linh: Đám đông là hai mặt của vấn đề. Có những cái thông cảm với nhà sản xuất, nhưng không vì thế mà đánh mất cái tôi, chuyên môn vẫn là do đạo diễn và phim hay hoặc dở cũng do đạo diễn.  

 

* Các anh có thể phác họa đôi nét về phong cách làm phim của mình? Anh có nghĩ mình đã định hình phong cách?

 

- Nguyễn Quang Dũng: Tôi muốn đi theo phong cách tưởng tượng, cần một cái gì đó khác với đời sống hiện tại để được sống với những ước mơ. 

 

- Lê Bảo Trung: Cách làm phim của tôi là kể đến tận cùng của câu chuyện, bi đến cùng và hài đến cùng.

 

- Vũ Ngọc Đãng: Muốn định hình cho mình một phong cách trẻ trung, tươi mới. Nhìn vấn đề một cách không... nghiêm trọng với câu chuyện kể một cách vui vẻ.

 

- Đào Duy Phúc: Phong cách phải dần hình thành qua một số phim, tôi chỉ có một phim, phim tiếp theo đang thể nghiệm thì cần xem sản phẩm nó như thế nào đã.

 

- Lý Khắc Linh: Đi vào chiều sâu nội tâm con người, nhìn thấy được cái đẹp trong tâm hồn của những con người bình thường trong cuộc sống.

 

* Anh có nhận thấy một xu hướng điện ảnh nào nổi bật hiện nay hay không? Đó là gì?

 

- Nguyễn Quang Dũng: Hiện tại điện ảnh đang có những khó khăn, phim chưa có gì đặc sắc, không nhiều thể loại. Mong có những thay đổi, sẽ có sự cạnh tranh, sẽ sinh ra nhiều nhánh, nhiều thể loại phim.

 

- Lê Bảo Trung: Đã có hai xu hướng rõ rệt. Hãng phim nhà nước thì giao phim cho các đạo diễn thế hệ trước và hãng phim tư nhân đặt hàng cho những đạo diễn trẻ.

 

- Đào Duy Phúc: Xu hướng mới là các hãng phim, nhà sản xuất mạnh dạn giao phim cho đạo diễn trẻ. Quan điểm của tôi là rất muốn có nhiều người làm phim tạo nên một luồng gió mới.

 

- Lý Khắc Linh: Nhà sản xuất làm phim để kinh doanh nên chọn đề tài có số đông khán giả nhưng không thể nào làm ẩu. 

 

* Anh cảm thấy có gì khác biệt giữa cách làm phim và tư duy điện ảnh của những người làm phim trẻ hiện nay và những đạo diễn lớp trước?            

                   

Sau những năm tháng dài im ắng với những bộ phim chi phí bạc tỉ nhưng sớm cất vào kho, không khí điện ảnh Việt Nam đã rộn ràng trở lại sau cú đột phá của Gái nhảy và tiếp theo sau đó là những bộ phim hướng về giới trẻ như Những cô gái chân dài, Chiến dịch trái tim bên phải... Và đằng sau những bộ phim trẻ trung đó, là những khuôn mặt đạo diễn còn rất trẻ. Và không ít người trong số họ vẫn đang nỗ lực tìm cách vượt thoát chính mình...
- Nguyễn Quang Dũng: Tư duy sẽ không khác nhau. Có khác nhau là mối quan hệ giữa nhà sản xuất - đạo diễn. Nhà sản xuất là người phải đi tìm đạo diễn phù hợp với mục đích của mình. Trước đây, đạo diễn làm phim theo hướng tuyên truyền, làm phim để "nộp" cho Nhà nước. Còn hiện tại, đang tồn tại mối quan hệ nhà sản xuất - đạo diễn làm phim ăn khách mà không tốn tiền lắm. Từ đó sẽ hình thành nên một lớp đạo diễn sẽ nghĩ ra làm những phim vừa vừa, nhưng tôi tin rằng trong tương lai gần sẽ có nhà sản xuất đầu tư tiền lớn để thu lợi nhuận lớn hơn. Tóm lại, hiện tại có một lớp đạo diễn biết xài tiền một cách "gói ghém".  

 

- Lê Bảo Trung: Thời đại nào có cũng có sự khác nhau về độ cảm thụ. Lớp đạo diễn ở lứa tuổi 30 sẽ có cái nhìn khác hơn về cuộc sống trước đây, gần với cuộc sống hiện tại.

 

- Vũ Ngọc Đãng: Đạo diễn thế hệ trước được đào tạo một cách bài bản, có học ở nước ngoài do Nhà nước đài thọ. Còn bây giờ, đạo diễn trẻ khó có điều kiện đi du học như ngày xưa. Chất văn học trong tác phẩm của các đạo diễn trẻ vẫn còn thua ngày xưa.  

 

- Đào Duy Phúc: Quan trọng là biết làm thôi!

 

* Điểm mạnh và điểm yếu của các đạo diễn trẻ hiện nay theo anh là những gì?

 

- Nguyễn Quang Dũng: Tôi quan niệm chỉ có hai loại đạo diễn: tài năng và không tài năng.

 

- Lê Bảo Trung: Đạo diễn trẻ có tìm tòi, sáng tạo rất mới nhưng có hạn chế bởi cái ngông, "điên điên" của người trẻ.

 

- Vũ Ngọc Đãng: Có rất nhiều đạo diễn trẻ vừa mới tốt nghiệp lại trăn trở với những đề tài cũ, tâm đắc với những điều mà thế hệ đạo diễn trước đã tâm đắc. Họ đưa ra tính triết lý quá nhiều trong một phim... thành ra sáo rỗng và buồn cười. Tại sao không hướng đến những đề tài mà giới trẻ đang trăn trở và quan tâm?   

 

- Lý Khắc Linh: Đạo diễn trẻ rất muốn được làm việc, muốn được thể hiện khả năng của mình. Họ có điều kiện làm phim với nhiều hãng phim tư nhân, táo bạo trong cách thể hiện. Nhưng ngược lại, vốn sống của họ không được nhiều, và cơ hội để được thể hiện một tác phẩm nghệ thuật ngày càng ít hơn.

 

* Nếu có thể thay đổi một điều gì đó đối với điện ảnh Việt Nam, anh muốn hoặc ước mơ thay đổi điều gì nhất?  

 

- Nguyễn Quang Dũng: Điện ảnh Việt Nam không cần phải thay đổi, xã hội thay đổi tất sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực, ngành nghề thay đổi - đó là vận hành tất yếu chứ không riêng gì điện ảnh. Hiện tại, điện ảnh Việt Nam cần thay đổi là cách quản lý cần “thoáng” hơn, ủng hộ những người làm điện ảnh, nhà sản xuất, hãng phim tư nhân. Làm thế nào để nhà quản lý - nhà làm phim cùng nhìn về một hướng để phát triển. 

 

- Lê Bảo Trung: Mong những người làm nghề được đào tạo một cách chuyên nghiệp, Nhà nước nên có chính sách để một ê-kíp đi học ở nước ngoài. Sau đó họ về làm việc và truyền lại cho đàn em, yếu tố con người nên thay đổi để có cơ sở phát triển.

 

- Vũ Ngọc Đãng: Từ trước đến nay, phim Việt Nam không trẻ trung, không lãng mạn và thiếu không khí đương đại. Tôi không mong thay đổi gì cả, chỉ mong rằng mình sẽ làm phim để khắc phục những điểm yếu đó.

 

- Đào Duy Phúc: Mong có nhiều thiết bị tốt hơn, chuyên dùng để đủ điều kiện thể hiện những điều mà mình muốn.

 

- Lý Khắc Linh: Suy nghĩ của những nhà quản lý nên thoáng hơn một chút, để phim mình hấp dẫn hơn.

 

 

"Hiện nay đạo diễn trẻ thì nhiều nhưng đạo diễn giỏi lại ít. Nhưng ở lớp đạo diễn trẻ hiện nay, có nhiều người làm phim được, có kiến thức, vốn sống và niềm đam mê. Trong số đó có những cái tên nổi bật như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung và Hồng Ngân. Tôi chọn họ và sử dụng đúng cái mà họ đang có. Tôi có niềm tin ở khả năng đã được kiểm chứng qua những cái họ đã làm, những cuộc tiếp xúc. Tin vào tố chất đạo diễn, và họ có khả năng nói cho người khác nghe, thuyết phục hãng phim với một dự án cụ thể. Đặc biệt, với các đạo diễn trẻ, tôi tin vào sự đam mê của họ" - Ông Trinh Hoan - Giám đốc Hãng phim HK, nhà sản xuất phim truyện nhựa Hồn Trương Ba da hàng thịt do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn dự kiến phát hành vào dịp Tết Nguyên đán 2006, phim truyền hình dài 30 tập Tuổi 20 với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, tới đây sẽ hợp tác với 2 đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung và Hồng Ngân. 

 

"Dù là phim đầu tiên của hãng, được sản xuất với kinh phí 2 tỉ đồng nhưng chúng tôi đã không chọn những đạo diễn tên tuổi của thế hệ trước vì chúng tôi muốn phim Thập tự hoa của mình có một sự tươi trẻ, cách làm mới với những ý tưởng mới nên hãng đã chọn đạo diễn trẻ Vương Quang Hùng và Lý Khắc Linh". Ông Trương Hoàng Hải - Giám đốc Hãng phim Á Châu.

 

Diễn viên nói về các đạo diễn trẻ:

 

- Diễn viên Chi Bảo: Tôi nhận thấy các đạo diễn trẻ khao khát được làm mới, họ tiếp cận công nghệ làm phim rất nhanh. Họ có những ý tưởng mạnh mẽ, rất mới. Tôi vừa tham gia đóng phim Đẻ mướn và nhận thấy trong phim này, đạo diễn Lê Bảo Trung có sự tiếp cận với công nghệ mới, ý tứ và cách dàn dựng rất mới lạ. Những người trẻ, tuy kinh nghiệm chưa có nhiều nhưng ở họ có sự đột phá, họ biết và cần làm gì trong bộ phim của mình.

 

- Diễn viên, ca sĩ Ngô Thanh Vân: Sau các phim Rouge (MTV châu Á), Chuyện tình Sài Gòn, đến phim 2 trong 1 (Hãng phim Thiên Ngân) của đạo diễn Đào Duy Phúc mà Vân đang thủ vai Như Lan thì nhận thấy đây là lần đầu tiên Vân làm việc với một nhà sản xuất chuyên nghiệp. Đạo diễn Đào Duy Phúc là một người rất tinh tế trong xử lý tình huống, chất trẻ trong anh thể hiện ở góc máy, cách hướng dẫn cho diễn viên diễn xuất và anh cũng là người hiểu rõ tâm lý của từng nhân vật giống như anh đã từng "sống" qua nhân vật đó rồi. Khi làm việc trong môi trường như vậy, Vân rất an tâm. Đi qua những đoàn phim, Vân nhận thấy sự tổ chức sản xuất đã dần chuyên

nghiệp.              

                                            

An Khê (ghi)

 

 

Trâm Anh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.