Khám phá núi lửa Pacaya

14/11/2010 10:09 GMT+7

“Thức dậy” đến 23 lần trong 500 năm qua, Pacaya (thuộc nước cộng hòa Guatemala) được xem là núi lửa nguy hiểm nhất vùng Trung Mỹ, nhưng Pacaya vẫn là điểm hấp dẫn và không làm chùn chân khách du lịch yêu mạo hiểm.

Thủ đô Guatemala có khoảng 13 triệu dân, chủ yếu là người gốc da đỏ Maya, là thành phố có tỉ lệ tội phạm cao nhất châu Mỹ nên khách du lịch nước ngoài thường tập trung chủ yếu ở thành phố Antigua.

Nằm cách Guatemala không xa, Antigua là một thành phố nhỏ và cổ kính với những ngôi nhà mang đậm phong cách kiến trúc thuộc địa Tây Ban Nha, tập trung đủ mọi dịch vụ cho khách du lịch và được lực lượng cảnh sát du lịch bảo vệ khá cẩn thận. Từ đây, du khách tỏa đi thăm các thắng cảnh thiên nhiên, các di tích lịch sử của người Maya cổ đại trên toàn lãnh thổ Guatemala và các nước láng giềng khác như Honduras, Mexico...

Sau khi mua vé với giá 12 USD cho cả chuyến đi ở văn phòng một hãng du lịch nhỏ tại Antigua, chúng tôi xuất phát lúc 14g trên chiếc xe buýt mini chở hơn chục du khách từ Anh, Mỹ, Úc...

 

Đỉnh Pacaya nhìn từ TP Antigua - Ảnh: Quốc Anh

Khoảng cách từ Antigua tới Pacaya không xa, nhưng phải mất hơn một giờ trên con đường dưới chân núi để tới vườn quốc gia Pacaya trong màn sương dày đặc. Ở căn nhà nhỏ ngay chân núi, điểm khởi đầu cho chặng đường cheo leo gần 5km tới đỉnh núi lửa, người dẫn đường cho nhóm đã đợi sẵn.

Chúng tôi men theo con đường mòn chạy quanh sườn núi, ẩn hiện trong sương mù là những nương ngô vàng óng của người dân địa phương. Quanh quẩn xung quanh là mấy cậu bé bán gậy leo núi cho khách với giá 1 USD. Sau lưng chúng tôi là một đoàn cả người lẫn ngựa của người bản xứ - dịch vụ “taxi leo núi” cho khách du lịch. Chỉ sau vài con dốc dựng đứng đầu tiên, một phụ nữ trung niên trong đoàn đã lên ngựa đi với giá 12 USD. 1 USD cho mỗi chiếc gậy hoặc 12 USD cho một chuyến “taxi”, có khi cả ngày không bán được chiếc gậy nào cũng như tìm được một du khách ngồi lên “taxi” nhưng đó là nguồn thu chính và cũng là nguồn sống của rất nhiều người dân xung quanh ngọn núi lửa này.

Miệng núi lửa Pacaya nằm ở độ cao 2.600m, cách Guatemala City - thủ đô của Guatemala - khoảng 30km về hướng đông nam. Mới đây nhất, tháng 5-2010, Pacaya lại phun trào dữ dội với những cột tro bụi và những chùm tia nham thạch đỏ rực bắn cao từ vài chục đến hàng trăm mét...
 
Sương mù càng lúc càng dày đặc, cách nhau vài mét người đi sau đã không thấy lưng người đi trước.

Bởi vậy cả đoàn phải liên tục dừng lại chờ nhau. Trước đây chuyện cướp bóc khách du lịch leo núi xảy ra như cơm bữa. Từ năm 2006, Chính phủ Guatemala đã tăng cường lực lượng bảo vệ có vũ trang để giữ nguồn thu nhập quan trọng cho đất nước từ du khách. Vì vậy, từ chân lên đỉnh núi lửa cứ 20-30 phút lại gặp một trạm canh có lính vác súng máy đứng gác.

Leo thêm một quãng nữa thì rừng cây biến mất, thay vào đó là sườn núi phủ đầy những lớp nham thạch đã nguội. Đường lên đỉnh ngày càng dốc và khó đi. Lớp nham thạch vụn dưới đế giày luôn trượt dài xuống, tựa như đang leo lên một đống cát sỏi cao ngút. Quanh đó, những tảng nham thạch sắc nhọn như mũi dao chỉ chực chờ đâm toạc da những du khách sơ ý.

Càng lên gần đến đỉnh, mùi lưu huỳnh của dung nham nóng chảy càng đậm đặc. Nhưng cũng thật bất ngờ khi gặp sức sống mãnh liệt của vài cây nhỏ. Lên cao, gió lạnh thổi mạnh hơn, nhưng đất dưới chân cũng trở nên nóng hơn, tốc độ leo giảm dần vì mọi người đều thấm mệt và luôn phải cẩn thận dò tìm từng bước chân để tránh những dòng nham thạch chưa nguội hết, còn mang màu đỏ sậm.

 

Những bước chân khó nhọc trên sườn núi phủ đầy những lớp nham thạch đã nguội - Ảnh: Quốc Anh

Cả đoàn dừng chân nghỉ lần cuối, chia nhau mấy múi cam ai đó mang theo để leo nốt tới đỉnh. Và cuối cùng là sau hơn hai tiếng rưỡi miệt mài, chúng tôi đã nhìn thấy những con suối lửa tuôn trào với một màu đỏ rực hắt lên từ những dòng nham thạch nóng bỏng, dưới nền trời xanh thẳm của buổi hoàng hôn tuyệt đẹp trên đỉnh núi.

Pacaya là một trong số rất ít những ngọn núi lửa đang hoạt động trên thế giới mà khách du lịch có thể đến sát dòng nham thạch nóng đỏ đang trào ra như vậy. Tưởng chừng có thể với tay tới được, nhưng do nhiệt độ quá nóng của nham thạch (trên 1.000OC) nên du khách chỉ có thể đứng gần khoảng 2-3m trong vài phút, vừa đủ để bấm vội tấm ảnh lưu niệm là thân thể đã như khô cứng bởi bầu không khí nóng. “Phải tránh ra ngay, nếu không muốn bị tan chảy vào dòng suối lửa” - tiếng người dẫn đường hối thúc...

Thời gian trên đỉnh núi lửa Pacaya trôi qua thật nhanh, thoáng một lúc đã thấy màn đêm buông xuống và tất cả phải quay về. Đường xuống núi không kém vất vả vì mọi người phải đi dưới ánh đèn pin giữa đêm tối và còn gặp cả trận mưa rào nhiệt đới, nhưng ai cũng thấy hài lòng và phấn khích vì đã được chiêm ngưỡng tận mắt một kỳ quan tuyệt diệu.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.